Trang Chủ > Sức khỏe > Nguyên nhân đau tai và họng

Nguyên nhân đau tai và họng

VnExpress
31/08/2022 10:04:23

Cảm giác đau họng và đau tai cùng lúc khá phổ biến do hai bộ phận này được nối với nhau bằng ống Eustachian (ống nối tai giữa và vòm họng). Người bị đau họng có thể kèm theo đau tai do cơ thể dị ứng hoặc viêm amidan. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp.

Trào ngược dạ dày

Tình trạng này xảy ra do cơ vòng thực quản dưới (LES) gặp vấn đề khi đóng, mở khiến axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Một số trường hợp axit dạ dày có thể gây kích ứng cổ họng. Nếu bị trào ngược dạ dày, bệnh nhân có thể cảm thấy đau cổ họng, đau tai khi nằm hoặc thức dậy vào buổi sáng. Bác sĩ có thể kê đơn điều trị trào ngược dạ dày cho bệnh nhân bằng thuốc. Người bệnh cần chú ý thay đổi lối sống, không ăn đêm, tránh các loại thực phẩm khiến axit dạ dày trào ngược, nâng cao phần trên cơ thể khi ngủ.

Viêm amidan

Amidan sưng to hơn bình thường, viêm do cảm lạnh, viêm họng . Bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh nhằm khắc phục triệu chứng đau. Trong quá trình điều trị, người bệnh nên nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ, có thể dùng túi chườm hoặc thuốc giảm đau nếu mắc bệnh nặng.

Nhiễm trùng răng

Một chiếc răng nhiễm trùng hoặc áp xe có thể gây đau cổ họng, đau tai tùy vào vị trí đau. Ngoài triệu chứng đau nhức ở cổ, tai, bệnh nhân thường thấy đau xương hàm, răng nhạy cảm, hôi miệng, sưng hạch bạch huyết. Nếu nhiễm trùng răng, bệnh nhân cần đi khám sớm. Bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh chống nhiễm trùng hoặc lấy tủy răng, nhổ răng.

Nguyên nhân đau tai và họng-1

Răng nhiễm trùng có thể gây đau tai và đau cổ họng. Ảnh: Freepik

Tăng bạch cầu đơn nhân

Bệnh bạch cầu đơn nhân (mono) là một bệnh nhiễm trùng thường gặp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Bệnh do virus EBV gây ra, lây qua đường nước bọt. Người mắc bệnh thường có triệu chứng đau họng, đau tai, sốt, sưng hạch bạch huyết, lá lách to. Bệnh không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh. Người bệnh mất nhiều thời gian để khỏi hoàn toàn, chủ yếu điều trị bằng thuốc giảm đau, uống nhiều nước, nghỉ ngơi đầy đủ.

Dị ứng

Đây là nguyên nhân phổ biến gây đau họng, đau tai, ngứa, chảy nước mắt, viêm da. Tình trạng này có thể điều trị bằng thuốc kháng histamin, liệu pháp miễn dịch.

Viêm họng

Viêm họng là bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây đau họng , đau tai. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, thanh thiếu niên. Ngoài hai triệu chứng trên, người bệnh dễ thấy đau khi nuốt, có các mảng trắng trên amidan, sốt. Người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc kháng sinh, thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Viêm xoang

Bệnh nhân bị viêm xoang do vi khuẩn, nấm hoặc virus gây đau tai, đau họng, đau đầu, mệt mỏi. Người bệnh thường dùng thuốc xịt mũi, nước rửa mũi nhằm giảm các triệu chứng.

Rối loạn khớp thái dương hàm

Tình trạng này ảnh hưởng tới khớp nối giữa hàm và hộp sọ. Đây là khớp nằm gần tai giúp miệng cử động khi nói, nhai thức ăn. Bệnh nhân thường đau nhói trong hàm, căng cứng hàm, cổ. Người bệnh có thể điều trị bằng các bài tập hàm, thư giãn, chườm nóng hoặc chườm lạnh. Một số trường hợp đau nặng sẽ được bác sĩ kê đơn thuốc giãn cơ.

Nếu có triệu chứng đau cổ họng kéo dài hơn hai tuần hoặc uống nhiều rượu, hút thuốc lá lâu năm, nhiều nguy cơ người bệnh mắc ung thư vòm họng. Khi đi khám, bác sĩ sẽ chẩn đoán nguyên nhân gây đau cổ họng và đau tai bằng xét nghiệm liên cầu khuẩn nhanh hoặc cấy dịch cổ họng. Nếu những xét nghiệm này không tìm ra nguyên nhân gây đau, bệnh nhân cần chụp cắt lớp vi tính (CT) xét nghiệm dị ứng hoặc nội soi cổ họng. Bác sĩ có thể cho người bệnh dùng một số thuốc cải thiện triệu chứng.

Người đau họng, đau tai có thể thử một số biện pháp giảm đau tại nhà như nâng cao thân trên khi ngủ, dùng máy tạo độ ẩm, phun sương, rửa mũi thường xuyên, ngậm thuốc ho, chườm nóng hoặc lạnh ở vị trí gây đau.

Minh Thúy
(Theo Very Well Health )