Cán bộ y tế và thú y tham gia hội nghị tập huấn.
Tham gia hội nghị tập huấn, cán bộ y tế Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh thông tin tình hình bệnh dại tại Việt Nam và khu vực phía Nam; hướng dẫn quy trình giám sát phát hiện bệnh dại phối hợp y tế - thú y (IBCM); giám sát bệnh dại dựa vào sự kiện (EBS). Chi cục Thú y vùng VI hướng dẫn giám sát, lấy mẫu và bảo quản vận chuyển mẫu bệnh phẩm động vật mắc bệnh dại và nghi dại.
Bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thuý - Cán bộ y tế Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phụ trách dự án khống chế loại trừ bệnh dại khu vực phía Nam báo cáo tại hội nghị.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Phương Thuý - Cán bộ y tế Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh phụ trách dự án khống chế loại trừ bệnh dại khu vực phía Nam, EBS là hoạt động cần thiết nhằm phát hiện sớm các trường hợp phơi nhiễm với vi-rút dại để áp dụng biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp, giảm thiểu tác hại đối với cộng đồng; hướng tới mục đích cuối cùng không có người tử vong do dại.
Dấu hiệu cảnh báo cần EBS gồm: Khi chó, mèo hoặc động vật cắn bị dại, bệnh; 1 con chó, mèo hoặc động vật cắn từ 2 người trở lên trong vòng 10 ngày. Khi xác định có các dấu hiệu cảnh báo, ngành y tế thực hiện điều trị bệnh dại cho người, đồng thời tư vấn cho người bị phơi nhiễm tuân thủ lịch tiêm phòng bệnh dại. Lực lượng thú y thực hiện theo dõi giám sát con vật trong 10 ngày.
Phó giám đốc CDC Nguyễn Trung Dũng cho biết: Tình hình bệnh dại trên người trong tỉnh diễn biến phức tạp trong 8 tháng đầu năm 2022, tỉnh ghi nhận 8 ổ dịch trên chó mèo và 17 ca tử vong do bệnh dại trên người. Hội nghị tập huấn nhằm hướng dẫn cán bộ y tế và thú y tăng cường phát hiện sớm, có cảnh báo kịp thời các trường hợp bị chó mèo, động vật nghi dại cắn để giảm tác hại đến cộng đồng.
Tin, ảnh: Phan Hân