Nghiên cứu cho thấy thuốc lá điện tử có nhiều thành phần độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nguy kịch sau hút thuốc lá điện tử chứa cần sa
Mới đây, sau hút thuốc lá điện tử, một cô gái 20 tuổi đã bị rơi vào tình trạng run rẩy, tụt huyết áp, hôn mê, nhập Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu, tiên lượng nguy kịch. Theo đó, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc sáng 26/7. Người nhà cho biết chưa từng nhìn thấy cô gái sử dụng thuốc lá hay thuốc lá điện tử, sức khỏe không có bất thường.
BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, cho biết bệnh nhân tổn thương đa cơ quan nặng nề, suy tim, não có tổn thương lan tỏa, xung huyết não, tình trạng nặng, tiên lượng nguy kịch. Mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân sử dụng đã được gửi đi xét nghiệm ở Viện Pháp y quốc gia, phát hiện có chất cần sa tổng hợp (ADB- BUTINACA) là loại ma túy thế hệ mới. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân ngộ độc cần sa tổng hợp, điều trị theo phác đồ ngộ độc.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cũng tiếp nhận một nam thanh niên 23 tuổi, hút thuốc lá điện tử, sau đó rơi vào ảo giác, hoang tưởng, kích động dữ dội, phải 4-5 người mới khống chế được. Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, bệnh nhân có biểu đặc trưng của ngộ độc ma túy. Xét nghiệm tinh chất trong thuốc lá điện tử bệnh nhân hút cho thấy thành phần từ cần sa tổng hợp, rất độc với thần kinh và tim mạch.
“Bệnh nhân phải dùng thuốc an thần, gây mê, thở máy”, bác sĩ Nguyên nói. Sau khoảng một tuần điều trị, bệnh nhân mới ổn định sức khỏe, xuất viện.
BS Nguyên cảnh báo, ngộ độc chất ma túy trộn trong thuốc lá điện tử là hiện tượng ghi nhận từ năm 2019 đến nay. Các bác sĩ phát hiện trong thuốc lá điện tử mà bệnh nhân hút có thành phần 5-Fluoro ADBICA, một dạng ma túy tổng hợp thế hệ mới.
Theo bác sĩ Nguyên, hiện nay hàng trăm chất cần sa, ma túy tổng hợp được tạo mới, song năng lực xét nghiệm chẩn đoán y tế lại luôn đi sau. Các phòng xét nghiệm lớn ở Hà Nội, năng lực xét nghiệm cũng chỉ xác định được khoảng 180 chất trong thành phần gây độc. Đó là nguyên nhân khiến nhiều trường hợp sau khi nhập viện, có những triệu chứng điển hình của ngộ độc ma túy nhưng kết quả xét nghiệm không thể xác định được là loại chất gì. Điều này gây khó khăn cho công tác điều trị.
Tại sao gọi là thuốc lá điện tử?
Thuốc lá điện tử thực chất là một loại thiết bị làm bay hơi, thay vì đốt cháy lá thuốc lá, thiết bị này đốt nóng chất lỏng, chất lỏng sẽ biến thành hơi và được hít vào.
Theo BS Trần Thị Thúy Tường - khoa Nội hô hấp, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thuốc lá điện tử có khả năng cung cấp cho người sử dụng nicotin mà không cần phải đốt thuốc lá. Theo đó, nếu là một điếu thuốc lá bình thường thì quy trình sử dụng sẽ là châm lửa, hít và nhả khói. Còn thuốc lá điện tử hoạt động nhờ pin và tinh dầu.
Loại tinh dầu này gồm chất lỏng nicotine được hòa tan trong nước và propylene glycol. Khi sử dụng, bộ cảm biến trong điếu thuốc sẽ kích hoạt làm cho điếu thuốc lá điện tử hoạt động. Nó sẽ làm phần đầu của điếu thuốc nóng lên, đốt cháy lượng tinh dầu, tạo ra khói.
Trong đó, tim của điếu thuốc lá điện tử là một mạch vi xử lý, có nhiệm vụ kích hoạt một bộ phận phun hỗn hợp hơi nước khi có kích thích hít vào bởi người sử dụng. Hỗn hợp hơi nước này sẽ được đẩy ra dưới dạng hơi và được hít vào bởi người sử dụng thông qua một bộ phận lọc. Tại phần đầu lọc, hỗn hợp khí sẽ được hòa với một hỗn hợp tạo mùi và vị, cộng thêm một lượng nicotin phù hợp.
Tất cả các hoạt động trên được vận hành bởi một bộ nguồn nằm ở phần thân trước điếu thuốc. Khói thuốc của thuốc lá điện tử giúp người hút cảm nhận được giống khói thuốc của thuốc lá truyền thống, nhưng người ngoài lại không ngửi thấy mùi vị gì.
Có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm
Nhiều người cho rằng hút thuốc lá điện tử an toàn. Tuy nhiên, đa phần thuốc lá điện tử chứa nicotine - chất gây nghiện cao. Chất này có thể gây các bệnh tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, ung thư. Sử dụng nicotine quá liều sẽ ngộ độc.
Theo các chuyên gia y tế, bản chất thuốc lá điện tử cũng giống như thuốc lá thường. Khác biệt là trong khói thuốc lá điện tử không có 4.000 hóa chất độc hại như thuốc lá đốt sợi thuốc, trong đó có CO (oxid carbon, là khí rất độc với lượng nhỏ), các chất gây ung thư (có nhóm benzopyren gây ung thư phổi, da, bàng quang). Riêng nicotin chính là chất gây nghiện và có hại cho tim mạch của người hút thuốc.
Thuốc lá điện tử chứa glycerin, propylene glycol và hơn 15.500 loại hương liệu. Propylene glycol được xem là an toàn trong thực phẩm nhưng không phải để hít, có thể tạo thành propylene oxide, một chất gây ung thư khi được đun nóng và hóa hơi.
Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử có chứa vitamin E - khi đốt cháy sẽ gây tổn thương phổi. Nhiều loại được pha trộn chất ma túy để tăng cảm giác nghiện, gây rối loạn tâm thần, bệnh tim mạch... Trong số các hạt nhỏ và kim loại, người ta tìm thấy có cả kim loại nặng độc hại trong hơi khói của thuốc lá điện tử như thiếc, nickel, chì và thủy ngân.
Các nhà khoa học cũng đã tiến hành kiểm tra lượng chất Formaldehyde do thuốc lá điện tử tạo ra khi đốt nóng chất lỏng chứa nicotine và chất tạo mùi thơm bên trong thiết bị. Đây là chất hóa học độc hại có khả năng gây ung thư, thường được sử dụng trong chế tạo vật liệu xây dựng và bảo quản thi hài.
Theo đó, cứ 3ml chất lỏng được đốt nóng sẽ tạo ra 14mg chất Formaldehyde. Với người thường xuyên hút 1 bao thuốc/ngày, lượng Formaldehyde “nạp” vào cơ thể là 3 mg/ngày. Với liều lượng như vậy, nguy cơ ung thư ở những người hút thuốc lá điện tử lâu năm sẽ cao từ 5-15 lần so với những người nghiện thuốc lá thường.
PGS.TS Phan Thu Phương - Giám đốc Trung tâm Hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Thuốc lá điện tử không phải là sản phẩm có thể giúp cai thuốc lá. Nếu chưa bao giờ hút thuốc thì đừng thử vì thuốc lá điện tử vẫn có chứa nicotine và cũng sẽ gây nghiện. Người hít phải khói thuốc lá điện tử thụ động cũng giống như người hút trực tiếp đều có nguy cơ mắc hơn 25 loại bệnh tật.
Nặng nề nhất như: ung thư phổi, ung thư thanh quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, đột quỵ, xuất huyết não, ung thư dạ dày… Hay các vấn đề sẽ ảnh đến chất lượng cuộc sống như: vô sinh, liệt dương, bệnh lý răng miệng, bệnh lý đại tràng, dạ dày…