Mùa hè là thời điểm tăng cao về hoạt động du lịch và nghỉ dưỡng, đặc biệt đối với các gia đình có học sinh đang trong giai đoạn nghỉ hè.
Việc tập trung đông người và giao lưu nhiều vùng miền tại các điểm du lịch, sân bay, bến xe, nhà ga… tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch bệnh như COVID-19 và đặc biệt là các bệnh có thể phòng ngừa bằng vaccine như sởi, ho gà, bạch hầu, viêm não nhật bản … do những đợt ngưng hoặc hoãn tiêm chủng vaccine trong đại dịch vừa qua.
Dịch COVID-19 và những tác động tới chương trình tiêm chủng
Dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động to lớn đến mọi mặt của đời sống từ sức khoẻ, kinh tế đến chính trị của toàn xã hội. Mặc dù đến thời điểm hiện tại đại dịch đã được không chế và cuộc sống dần trở lại bình thường, tuy nhiên COVID-19 vẫn là mối đe dọa khó lường bởi các tác động trực tiếp và gián tiếp của nó.
Sau những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, chương trình TCMR đã thúc đẩy việc tiêm chủng và khẩn trương tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng bị trễ lịch. Ảnh minh hoạ
Việt Nam trải qua 4 đợt dịch COVID-19 lớn và nhiều lần thực hiện giãn cách toàn xã hội hoặc giãn cách cục bộ để phòng chống lây lan dịch. Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) và các dịch vụ tiêm chủng tư nhân đều phải tạm dừng để thực thi chiến lược đối phó với đại dịch dẫn đến nhiều trẻ em bị trễ lịch tiêm chủng.
Sau những nỗ lực kiểm soát dịch COVID-19, chương trình TCMR đã thúc đẩy việc tiêm chủng và khẩn trương tiêm bù, tiêm vét cho các đối tượng bị trễ lịch. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn phần đông phụ huynh chưa dám cho con đi tiêm chủng trở lại do lo lắng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc tiếp cận vaccine sau đại dịch càng trở nên khó khăn hơn ở nhóm trẻ em đồng bào thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, dân trí thấp, sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trẻ theo cha mẹ đi làm ăn xa và ở nhóm trẻ chịu gánh nặng nhiễm COVID-19 cao nhất.
Điều này dẫn đến ngày càng tích lũy lớn số trẻ em không tiêm, tiêm trễ gây nên khoảng trống miễn dịch gia tăng tại một số địa bàn. Đây là nguy cơ tiềm ẩn của các đợt bùng phát dịch bệnh trong tương lai.
Theo báo cáo sơ kết công tác TCMR năm 2021 của Dự án TCMR Quốc gia, hầu hết tỷ lệ tiêm chủng các vaccine, ngoại trừ DPT4, trong TCMR không đạt chỉ tiêu kế hoạch năm và thấp hơn năm 2020 cho thấy ảnh hưởng lớn chưa từng có của dịch COVID-19 đến triển khai công tác TCMR.
Xét về quy mô tuyến huyện, số huyện có tỷ lệ bao phủ tiêm chủng ≥90% giảm thấp nhất trong vòng 6 năm qua, đồng thời với số huyện có tỷ lệ Tiêm chủng đầy đủ <80% tăng cao nhất trong vòng 6 năm qua cho thấy ảnh hưởng của dịch đến công tác TCMR trên diện rộng.
Nguy cơ gia tăng dịch bệnh có vaccine phòng ngừa trong thời gian tới
Vài tuần trở lại đây, theo báo cáo thống kê từ BV Nhi Trung ương, số lượng trường hợp đến khám tại bệnh viện đã đạt mức khoảng 6 ngàn mỗi ngày, gấp 1,5 lần so với thời kỳ cao điểm trước khi COVID-19 có mặt tại Việt Nam.
Phần lớn các trường hợp mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc liên quan tới nhiễm trùng trong đó khá nhiều là các bệnh có thể dự phòng được bằng vaccine. Đây là một dấu hiệu chỉ điểm rõ nhất về nguy cơ gia tăng dịch bệnh sau khi các hạn chế để phòng chống dịch COVID-19 được nới lỏng.
-
Tầm quan trọng của tiêm nhắc phòng bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt cho trẻ 4-6 tuổi
-
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng nói gì về "Ký cam kết tiêm vaccine COVID-19"?
-
Miễn dịch ở người đã tiêm vaccine liều cơ bản và mắc COVID-19 sẽ suy giảm: Cần thiết tiêm mũi 3, mũi 4
-
Vì sao Bộ Y tế vẫn đề xuất COVID-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A, chưa là bệnh lưu hành?
Sự sụt giảm tỷ lệ tiêm chủng hay tiêm trễ lịch các loại vaccine kể trên không chỉ ở Việt Nam mà xét trên bình diện quốc tế, là nguy cơ bùng phát các bệnh nguy hiểm như sởi, ho gà là những bệnh nguy hiểm, dễ lây lan và có hệ số lây nhiễm cơ bản (R0) cao hơn so với COVID-19.
Virus sởi lây nhiễm trong không khí ở mức độ dễ dàng hơn COVID-19 và cũng tồn tại và lây nhiễm từ các bề mặt đồ vật bị nhiễm bệnh. Bệnh thâm chí có thể lây nhiễm trước 4 ngày so với ngày khởi phát. Một đứa trẻ mắc sởi có thể lây nhiễm cho khoảng 90% người khác nếu họ chưa có miễn dịch do nhiễm tự nhiên hoặc chưa được tiêm ngừa.
Tại Việt Nam, dù đã có hơn 30 năm tiêm chủng thành công nhưng một số vụ dịch sởi lớn trong những năm gần đây, điển hình là vụ dịch năm 2014, toàn quốc ghi nhận hơn 30.000 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó hơn 5.800 trường hợp xác định phòng thí nghiệm, 147 trường hợp tử vong có liên quan bệnh sởi.
Năm 2018, cả nước ghi nhận 7.585 trường hợp nghi sởi/rubella, trong đó có 3.529 ca được lấy mẫu bệnh phẩm và 1.794 ca dương tính với sởi, tăng gấp 8,4 lần so với số mắc sởi của cả năm 2017 (214 trường hợp).
Ho gà cũng là một trong 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh trên toàn thế giới với ước tính khoảng 24 triệu trường hợp mắc và 160.000 trường hợp tử vong hàng năm ở trẻ em dưới 5 tuổi.
So với COVID-19 với tỷ lệ tử vong là khoảng 0,001% (1/10.000 trường hợp) ở trẻ em thì tỷ lệ tử vong ở trẻ em chưa được tiêm chủng mắc bệnh ho gà có thể lên tới 5%. Đối tượng mắc bệnh trong các vụ dịch này chủ yếu chưa được tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi.
Tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong TCMR ở trẻ em và các loại vaccine dự phòng khác đạt thấp liên quan đến COVID-19 có thể mất thêm nhiều thời gian nữa để nâng cao, đạt mức an toàn đảm bảo nền miễn dịch cộng đồng.
Điều đáng quan tâm là tình huống dịch sởi, ho gà…có thể lại bùng phát trên phạm vi toàn quốc sau đợt nới lỏng kiểm soát dịch COVID-19, khi các trẻ em cùng gia đình chưa có miễn dịch phòng bệnh có nguy cơ phơi nhiễm bệnh đâu đó quay trở lại trường học và tham gia sinh hoạt trong khối cộng đồng nguy cơ cao sau kỳ du lịch nghỉ mát mùa hè.
Do đó, yêu cầu cấp thiết của hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe là quyết liệt triển khai các biện pháp can thiệp kịp thời; cần thiết có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban ngành đoàn thể trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp truyền thông, vận động đối tượng tiêm chủng, cung cấp đầy đủ dịch vụ tiêm chủng và có cơ chế mở rộng khả năng tiếp cận tiêm chủng toàn diện, đặc biệt chú trọng ở nhóm đối tượng nguy cơ cao để từng bước phục hồi công tác TCMR, không để xảy ra tình trạng "vùng lõm tiêm chủng".
Người dân cũng cần nâng cao nhận thức và chủ động tìm kiếm các dịch vụ tiêm chủng phù hợp hoàn cảnh, cùng nhau chúng ta góp phần hạn chế gánh nặng bệnh tật cho các mầm non tương lai.
Sáng 28/6: Biến thể phụ BA.5 lây lan nhanh thế nào? Hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 ở cả 5 cấp độ
SKĐS - Biến thể phụ BA.5 của Omicron được cho là có khả năng lây lan nhanh đã xâm nhập vào Việt Nam. Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo biến chủng mới có thể làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại... Bộ Y tế khuyến cáo người dân, đặc biệt là những nhóm có nguy cơ cần tiêm đúng lịch, đủ liều.