Phụ nữ trong thời kì thai nghén có biểu hiện rất khó chịu, một số thực phẩm được chỉ ra có tác dụng giúp giảm tình trạng thai nghén, ngừa nhiễm độc và tốt cho mẹ.
Vì sao lại ốm nghén
Ốm nghén là dấu hiệu phổ biến của thai kỳ, người phụ nữ có cảm giác buồn nôn và đôi khi là nôn thật sự. Nghén khi mang thai có tên tiếng Anh là “morning sickness”. Được xem là một trong những biểu hiện sinh lý khi mang bầu, nghén khi mang thai có thể ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống hàng ngày, tuy nhiên không gây nguy hiểm nếu không nghén nặng.
Nghén thường xuất hiện ở tuần thai thứ 5 - 6, nặng nhất ở tuần thai thứ 9 và thường biến mất khi hết tuần thai 14. Không có nguyên nhân chính xác của tình trạng ốm nghén khi mang thai. Tuy nhiên, một số nghiên cứu về nồng độ hormone tăng trong vài tuần đầu tiên của thai kỳ là nguyên nhân phổ biến nhất hoặc do giảm lượng đường trong máu cũng là một lý do khác gây ốm nghén. Mức độ nghiêm trọng ốm nghén cũng khác nhau ở từng phụ nữ. Một số phụ nữ hoàn toàn có thể không bị gì.
Nghén thường xuất hiện ở tuần thai thứ 5 - 6, nặng nhất ở tuần thai thứ 9. Ảnh: Internet
Các biểu hiện của bệnh ốm nghén
Tình trạng cơ thể mệt mỏi, buồn nôn hoặc nôn ói xuất hiện không quá thường xuyên (1 - 2 lần một ngày hoặc khi gặp tác nhân kích thích) là một trong những biểu hiện của ốm nghén thường. Tình trạng này thức ăn vẫn giữ được trong dạ dày.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu có khoảng 3% phụ nữ mang thai bị nghén nặng. Tình trạng cơ thể lúc này suy nhược cộng thêm mất nước, mất cân bằng điện giải có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng ốm nghén khi mang thai có thể xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào trong ngày. Do vậy, việc giữ gìn sức khỏe , cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể được xem là yếu tố ưu tiên hàng đầu.
Các món ăn tốt cho bệnh ốm nghén
Trứng ngỗng
Người xưa quan niệm rằng, khi mang thai người mẹ nên ăn trứng ngỗng để con được gan dạ, thông minh.
Trứng ngỗng rất giàu các dưỡng chất như chất đạm, chất béo, chất khoáng và vitamin. Lòng trắng trứng ngỗng có tác dụng thanh nhiệt giải độc, bà bầu ăn trứng ngỗng có tác dụng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể, phòng tránh nhiễm độc thai nghén trong 3 tháng đầu của thai kỳ, bảo vệ thai nhi không bị vàng dạ.
Trong lòng đỏ trứng ngỗng rất giàu lecithin, đây là dưỡng chất quan trọng giúp phát triển trí não của thai nhi, giúp bé sinh ra khỏe mạnh và thông minh.
Trứng ngỗng tốt cho sức khỏe mẹ bầu. Ảnh: Internet
Nấm Tremella (mộc nhĩ trắng)
Một loại nấm được chỉ ra cực kỳ bổ dưỡng, có lợi cho bà bầu và giúp phát triển làn da của em bé. Mộc nhĩ trắng dồi dào canxi, là một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình phát triển xương của thai nhi, đồng thời làm cho làn da của em bé trở nên trắng mịn và hồng hào hơn sau khi sinh. Mộc nhĩ trắng còn giúp thải độc tố và món ăn này thường được biết đến là món ăn thanh nhiệt, giải độc cùng táo tàu, kỉ tử, tổ yến, hạt chia, đường phèn giúp bổ sung vitamin C, dưỡng khí huyết, bồi bổ dạ dày bà bầu có thể ăn trong thai kì để tăng cường sức khỏe.
Mộc nhĩ trắng. Ảnh: Internet
Nước râu ngô
Loại nước bình dân ‘thanh mát’ có tác dụng rất tốt đến sức khỏe. Theo Đông y, râu ngô có vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ trung ích khí, có thể dùng làm thuốc thông mật, điều trị vàng da phù nề, viêm gan, viêm túi mật… Râu ngô cũng có tác dụng tốt cho tim mạch, giảm huyết áp cao.
Bà bầu uống nước râu ngô có tác dụng giảm buồn nôn, ổn định huyết áp, thanh nhiệt giải độc, có lợi cho sự phát triển của thai nhi. Trong những tháng đầu thai kỳ, bà bầu bị ốm nghén, khó chịu, có thể uống thêm nước râu ngô để cải thiện sự thèm ăn.
Nước râu ngô có lợi cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Trái sung
Quả sung được biết đến là một loại quả giàu chất xơ, vitamin C, axit malic, axit xitric và các chất dinh dưỡng khác. Quả sung có thể làm giảm các vấn đề như chán ăn khi mang thai, táo bón, ăn không tiêu, bổ tỳ vị, thải độc hiệu quả, giảm tình trạng vàng da ở thai nhi.
Loại quả này thường được sử dụng còn có tác dụng lợi sữa. Theo Đông Y, quả sung có chứa rất nhiều khoáng chất giúp kích thích tia sữa mẹ linh hoạt hơn, giúp sữa về nhanh, đều mà còn tránh nguy cơ bị tắc sữa.
Quả sung cũng có thể làm giảm 3 cao (huyết áp, mỡ máu, đường huyết) và giúp bà bầu phòng tránh các bệnh khi mang thai như tiểu đường và tăng huyết áp trong thai kỳ. Bà bầu có thể chế biến và sử dụng cho một số món hầm, thịt kho hay salad. Tuy nhiên, không nên ăn quá nhiều một lúc vì sung thanh mát, dễ dẫn đến tình trạng tiêu chảy.
Các biện pháp phòng ngừa ốm nghén
Chú ý chế độ ăn uống
Chia nhỏ bữa ăn hằng ngày (5-6 bữa ăn/ngày), không ăn quá no, bổ sung vitamin C, các thực phẩm giàu chất sắt như thịt bò, trứng, rau củ có màu xanh đậm, táo, chuối, bánh mì nướng, uống đủ nước và hạn chế thức ăn có mùi. Sau các bữa ăn bạn có thể ngậm ít kẹo gừng là một trong những cách giảm bớt tình trạng ốm nghén. Ngoài ra, bạn không nên để bụng đói.
Giảm căng thẳng
Tinh thần thoải mái là điều rất quan trọng đối với phụ nữ mang thai. Do đó, bạn cần dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý, làm những việc mình thích, tránh căng thẳng, lo lắng.
Tập luyện hợp lý
Bên cạnh chế độ ăn uống khoa học, tâm lý thoải mái thì tập luyện thể dục thể thao hợp lý là bí quyết giúp thai phụ giảm nghén hiệu quả. Nghiên cứu cho thấy, tập luyện nhẹ nhàng vừa giúp tăng cường sức khỏe ở thai phụ, vừa giảm các triệu chứng ốm nghén. Do đó, bạn nên lựa chọn các bài tập như tập hít thở, đi bộ, bơi lội, yoga để thư giãn, cải thiện tâm trạng, giúp cơ thể khỏe mạnh hơn.
Trong trường hợp nghén nặng, mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn và hướng dẫn chăm sóc thai kỳ tốt nhất.
Theo
My My (t/h) | Phụ Nữ Sức Khỏe
Link bài gốc
Copy link
https://phunusuckhoe.giadinhonline.vn/phu-nu-va-gia-dinh/ngoai-trung-ngong-3-loai-thuc-pham-giup-phong-ngua-nhiem-doc-thai-nghen-so-1-ba-bau-tan-dung-la-khoe-ngay-483401.html