Hiện trường 6 người tử vong nghi ngộ độc khí CO. Ảnh: Văn Dũng
Trưa 24/7, một người bạn của chủ căn nhà trên đường NJ15 (ấp 3B, phường Thới Hòa, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đến gọi cửa nhưng không thấy ai ra mở.
Nghi có chuyện chẳng lành, người này hô hoán hàng xóm cùng phá cửa thì phát hiện có 6 người (2 người lớn, 4 trẻ em) đã tử vong bên trong căn nhà khóa trái cửa.
Theo người dân sống gần đó, vào khoảng 17h chiều ngày 23/7 đến 11h trưa nay (24/7), khu vực này bị mất điện. Thời điểm này, gia đình nói trên sử dụng máy phát điện để sinh hoạt trong gia đình.
Nghi vấn bước đầu của lực lượng chức năng là do gia đình sử dụng máy phát điện trong phòng kín, tạo ra khí CO gây ngộ độc.
TS.BS Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, khí carbon monoxide (CO) không màu, không mùi, rất khó phát hiện nên dễ dẫn đến ngộ độc nếu không cẩn thận trong các sinh hoạt hàng ngày.
Theo bác sĩ Hùng, khí độc này thường gây các triệu chứng thần kinh. Ở mức độ nhẹ, việc nhiễm độc có thể gây cảm giác đau đầu, buồn nôn, nôn ói. Mức độ cao hơn nữa là tình trạng khó tập trung, hoa mắt, lờ mờ, lú lẫn. Nếu không ra khỏi vùng khí độc, nạn nhân có thể khó thở, đau ngực, hôn mê, ức chế thần kinh trung ương gây ngưng thở.
Ngoài ra, khí CO còn ngấm vào máu, chiếm chỗ của khí oxy để gắn vào hồng cầu, khiến máu đến mô bị thiếu oxy, từ đó gây tổn thương các cơ quan như hủy cơ, suy thận, suy gan... Những tác động vào thần kinh và máu khiến người hít phải lượng lớn khí CO có thể ngất đi rồi nhanh chóng tử vong mà không hay biết, y học gọi là cái chết "êm dịu", cái chết "không báo trước".
Bệnh viện Chợ Rẫy mỗi năm tiếp nhận khoảng 5-7 vụ ngộ độc khí CO, thường là những chùm ca bệnh, bị cả gia đình. Một số sản phụ sau khi sinh cũng bị ngạt khí do đốt than sưởi trong phòng kín. Ngoài ra, một số trường hợp ngộ độc khí CO do hỏa hoạn, cháy nhà.
Theo Bộ Y tế, ở Việt Nam, các trường hợp ngộ độc khí CO thường gặp là đốt than (đặc biệt bếp than tổ ong), đốt củi, gỗ, than củi, khí gas trong các phòng kín hoặc thiếu thông khí, thường để nấu ăn, sưởi ấm hoặc đun nước (bình nóng trong nhà tắm chạy bằng khí gas).
Một số trường hợp ngộ độc do chạy máy phát điện, chạy các động cơ sử dụng xăng dầu ở trong phòng kín hoặc thông khí kém hoặc có thông với phòng hoặc khoang có người (như khoang hành khách trên tàu xe).
Bên cạnh đó, ngộ độc khí còn do sử dụng than, xăng, dầu, khí CO trong công nghiệp nhưng có thông khí kém hoặc do người làm việc đi vào khu vực có nhiều khí CO mà không đảm bảo làm thoáng khí để giải phóng hết khí CO trước khi vào như lò nung, các khoang kín.
Ngoài ra, nguyên nhân gây ngộ độc khí còn xuất phát từ các vụ tai nạn cháy nhà, cháy các khu vực kín hoặc thông khí hạn chế, có thể với cả nạn nhân và người cứu hộ bị ngộ độc.