Chị Lê Bình Minh (31 tuổi, TP.HCM) thường xuyên thấy mệt, chán ăn, thi thoảng đau tức hạ sườn trái nên tới bệnh viện kiểm tra. Bác sĩ làm xét nghiệm cho chị Minh thấy men gan tăng, mỡ máu tăng, đặc biệt triglyceride tăng.
Khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy gan của chị Minh vàng óng do nhiễm mỡ. Lược lại tiền sử lối sống, chị Minh cho biết khoảng 4 năm nay chị thường xuyên đi ăn uống với bạn bè và hầu như bữa nào cũng có uống bia hoặc rượu.
Bản thân chị uống rượu rất tốt nên chủ quan nghĩ rằng uống thoải mái vẫn ít khi say thì gan tốt, không cần kiểm tra sức khỏe.
Bác sĩ cho biết chị bị gan nhiễm mỡ, viêm gan do rượu.
Trường hợp của bạn Vũ Thu Hằng (Xa La, Hà Đông, Hà Nội) cũng tương tự. Hằng làm PR, công việc chính của cô là đi đàm phán. Vì đặc thù công việc hầu như tuần nào Hằng cũng phải ăn nhậu 5-6 bữa.
Hằng thừa nhận khả năng uống rượu của mình tốt, khéo léo, nên được sếp ưu ái đưa đi tiếp khách. Khi đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, bác sĩ cho biết Hằng bị tăng triglyceride và có hiện tượng thoái hoá gan do rượu. Nếu không điều trị, hạn chế việc uống bia rượu thì nguy cơ diễn tiến bệnh gan rất lớn.
GS Đào Văn Long - Viện Nghiên cứu và Đào tạo Tiêu hoá - Gan mật Việt Nam, cho biết, tỷ lệ gan nhiễm mỡ do rượu ngày càng tăng do thói quen uống bia rượu của người Việt.
Nhiều chị em phụ nữ đi kiểm tra sức khoẻ cũng phát hiện gan nhiễm mỡ. Thực tế, 90% người đi khám gan bị tổn thương đều có thói quen uống bia rượu. Nhất là các trường hợp có sẵn bệnh lý viêm gan B, viêm gan C.
ThS.BS Huỳnh Hoài Phương – BV Đa khoa Tâm Anh cho biết, rượu là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh gan mạn tính. Theo một số nghiên cứu dịch tễ học, trên thế giới có khoảng 48% trường hợp tử vong liên quan đến xơ gan.
Gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan, viêm gan cấp, suy gan cấp... là những hệ quả từ thói quen xấu, uống rượu nhiều trong thời gian dài.
Ngay khi được chẩn đoán, nếu người bệnh vẫn tiếp tục duy trì việc sử dụng chất có cồn sẽ gây ra nhiều hơn những tổn thương nghiêm trọng cho gan, thậm chí dẫn đến tử vong.
Người bệnh tới khám gan tại BV.
Bệnh gan do rượu tiến triển qua các giai đoạn từ bình thường đến gan nhiễm mỡ, đến viêm gan do rượu và cuối cùng là xơ gan.
BS Phương cho rằng lượng cồn trong rượu tỷ lệ thuận với độc tính đối với gan. Nếu nam giới uống trên 80g/ngày và nữ giới trên 60g/ngày, liên tục trên 10 năm… có tỷ lệ xơ gan lên đến 15%.
Nếu uống trên 160gr/ngày liên tục 7 ngày, có nguy cơ cao gây viêm gan do rượu; và liên tục trên 8 năm có tỷ lệ xơ gan đến 40%.
BS Phương cho biết khi uống rượu, nữ giới dễ bị tổn thương gan do rượu hơn so với nam giới. Đặc biệt, gan sẽ bị tổn thương nhiều hơn nếu uống rượu trong tình trạng đói, thiếu dinh dưỡng sẵn.
Ngoài ra, những người bẩm sinh thiếu các yếu tố bảo vệ gan góp phần làm cho gan tổn thương khi uống quá ngưỡng trong thời gian kéo dài. Người uống rượu thường có mặt đỏ là những người thiếu enzym acetaldehyde dehydrogenase - 2 (ALDH2) do ứ đọng acetaldehyde gây độc cho gan.
Dấu hiệu gan tổn thương
BS Phương cho biết người bị gan do rượu có biểu hiện như: sốt, mỏi mệt, chán ăn, buồn nôn, ngủ gà, lú lẫn, gan lách lớn, suy kiệt, vàng da, nốt nhện, to vú ở nam giới, teo tinh hoàn, phì đại tuyến mang tai tuyến lệ, mất thăng bằng, giảm tình dục… là những biểu hiện lâm sàng thường thấy của bệnh gan do rượu.
Đối với gan nhiễm mỡ hầu như không có triệu chứng. Tuy nhiên, một số bệnh nhân mắc bệnh sẽ cảm thấy mệt mỏi, suy nhược, đau tức vùng dưới sườn phải.
Ở giai đoạn viêm gan do rượu bệnh nhân sẽ chán ăn, buồn nôn, nôn, khó chịu, sụt cân, đau bụng và vàng da. Trong đó, 50% người bệnh sốt có thể lên đến 39 độ C. Nếu tình trạng nặng hơn bệnh nhân sẽ có biểu hiện của cổ trướng, phù, chảy máu và bệnh não gan.
BS Long cho biết với những trường hợp gan nhiễm mỡ chỉ cần thay đổi lối sống, ngưng rượu bia. Các trường hợp này ngưng rượu bia thì tình trạng sẽ giảm hơn, gan bớt tổn thương.
ThS.BS Huỳnh Hoài Phương khuyến cáo người không mắc bệnh gan không nên uống quá một đơn vị cồn đối với nữ và không quá hai đơn vị cồn tiêu chuẩn đối với nam.
Mỗi đơn vị cồn tương đương 14g cồn có trong 350ml bia với độ cồn 5%. hoặc trong 147ml rượu với độ cồn 40%.
Bệnh nhân có tiền sử mắc các bệnh về gan trước đó như viêm gan virus, gan nhiễm mỡ… tốt nhất nên kiêng rượu.
K.Chi