(lamchame.vn) - Một nghiên cứu mới của các nhà khoa học Pháp cho thấy làm được điều này mỗi đêm có thể giúp bạn phòng ngừa đau tim và đột quỵ.
Mới đây, tờ The Sun của Anh đưa tin kết quả của một nghiên cứu mới về tác dụng của giấc ngủ đối với việc phòng ngừa đau tim về đột quỵ.
Nghiên cứu đã theo dõi 7.203 người trên 50 tuổi khỏe mạnh trong một thập kỷ. Sau đó, các nhà nghiên cứu chấm điểm giấc ngủ của người tham gia trên thang điểm từ 0 đến 5.
Hầu hết người tham gia được chấm điểm 3-4. Chỉ 1/10 người tham gia có điểm cao nhất là 5.
Kết quả cho thấy những người ngủ tốt nhất có nguy cơ đau tim và đột quỵ thấp hơn 75% so với những người ngủ kém nhất.
Ngoài ra, theo nghiên cứu, cứ mỗi điểm chất lượng giấc ngủ được tăng lên, nguy cơ đau tim và đột quỵ giảm 22%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy những người ngủ tốt nhất có nguy cơ đau tim và đột quỵ thấp hơn 75% so với những người ngủ kém nhất. (Ảnh minh họa)
Theo The Sun, đau tim và đột quỵ khiến 100.000 người Anh tử vong mỗi năm. Điều này có nghĩa là hàng chục nghìn sinh mạng có thể được cứu nếu họ ngủ theo đúng khuyến nghị là 7 đến 8 giờ mỗi đêm.
Tác giả nghiên cứu, Tiến sĩ Aboubakari Nambiema đến từ Viện Nghiên cứu Y tế và Sức khỏe Quốc gia Pháp, cho biết: "Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy ngủ ngon có thể giúp duy trì sức khỏe tim mạch và cải thiện giấc ngủ có liên quan đến giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch vành và đột quỵ".
"Chúng tôi cũng phát hiện ra rằng đại đa số mọi người đều gặp một vài khó khăn khi đi ngủ. Vì bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chúng ta cần nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của giấc ngủ ngon đối với việc giữ cho trái tim khỏe mạnh".
"Giảm thiểu tiếng ồn vào ban đêm và giảm căng thẳng tại nơi làm việc có thể giúp cải thiện giấc ngủ", Tiến sĩ Nambiema tư vấn.
Các chuyên gia khác không tham gia nghiên cứu cũng đồng tình với kết quả này.
Giáo sư James Leiper, thuộc Tổ chức Tim mạch Anh, cho biết: "Một giấc ngủ ngon cho phép cơ thể bạn nghỉ ngơi, giúp thư giãn các mạch máu, làm giảm huyết áp".
Một giấc ngủ ngon cho phép cơ thể bạn nghỉ ngơi, giúp thư giãn các mạch máu, làm giảm huyết áp. (Ảnh minh họa)
"Ngoài ra, chất lượng giấc ngủ kém cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ bằng cách tăng chứng viêm và ảnh hưởng đến vùng não kiểm soát nồng độ hormone căng thẳng".
Giáo sư Russell Foster, đến từ Viện Khoa học Thần kinh Giấc Ngủ và Nhịp điệu sinh học tại Đại học Oxford, Anh, giải thích thêm: "Theo quan điểm của tôi, cơ chế ở đây là sự kích hoạt bất thường của phản ứng căng thẳng khi cơ thể cần phải khắc phục tình trạng thiếu ngủ".
"Hậu quả là bạn có thể bị tăng huyết áp, thay đổi phản ứng miễn dịch, viêm nhiễm… lâu dài có thể dẫn đến gia tăng nguy cơ đột quỵ và đau tim".
Bí quyết để ngủ ngon hơn
Theo trung tâm y tế Mayo Clinic, Mỹ, có nhiều yếu tố có thể cản trở một giấc ngủ ngon - từ căng thẳng công việc, trách nhiệm gia đình đến bệnh tật.
Bạn có thể không kiểm soát được các yếu tố ảnh hưởng đến giấc ngủ của mình. Tuy nhiên, bạn có thể áp dụng những thói quen tốt cho giấc ngủ. Dưới đây là 6 mẹo đơn giản mà Mayo Clinic khuyên bạn nên làm để có giấc ngủ ngon hơn.
1. Xây dựng và bám sát lịch trình ngủ
Theo Mayo Clinic, bạn nên ngủ khoảng 8 tiếng mỗi đêm và không nên ngủ quá nhiều so với con số này. Thời lượng ngủ được khuyến nghị cho một người trưởng thành khỏe mạnh là ít nhất 7 tiếng. Hầu hết mọi người không cần hơn 8 tiếng ngủ để được nghỉ ngơi đầy đủ.
Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày, kể cả cuối tuần. Sự nhất quán sẽ giúp củng cố chu kỳ ngủ-thức của cơ thể.
Nếu bạn không ngủ được sau khi nằm khoảng 20 phút, hãy rời phòng ngủ và làm điều gì đó thư giãn, ví dụ như đọc sách hoặc nghe nhạc nhẹ nhàng. Hãy trở lại giường khi bạn mệt mỏi. Bạn có thể lặp lại điều này nếu cần nhưng hãy tiếp tục duy trì lịch trình ngủ - thức của mình.
Đi ngủ và thức dậy vào cùng một giờ mỗi ngày sẽ giúp tạo thói quen tốt cho cơ thể. (Ảnh minh họa)
2. Chú ý đến thực phẩm bạn ăn trước khi ngủ
Đừng đi ngủ khi đang đói hoặc quá no. Đặc biệt, bạn nên tránh ăn quá nhiều bữa trong vòng vài giờ trước khi đi ngủ.
Nicotine, caffeine và rượu cũng cần được sử dụng một cách thận trọng. Tác dụng kích thích của nicotine và caffeine cần nhiều giờ để biến mất và nó có thể cản trở giấc ngủ. Và mặc dù ban đầu rượu có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, nhưng nó có thể làm gián đoạn giấc ngủ sau đó vào ban đêm.
3. Tạo một môi trường yên tĩnh
Hãy ngủ trong một căn phòng mát mẻ, tối và yên tĩnh. Tiếp xúc với ánh sáng vào buổi tối có thể khiến bạn khó đi vào giấc ngủ hơn. Tránh sử dụng màn hình máy tính, điện thoại… quá lâu ngay trước khi đi ngủ.
Ngoài ra, bạn có thể cân nhắc sử dụng rèm cửa, nút bịt tai, quạt hoặc các thiết bị khác để tạo môi trường phù hợp với nhu cầu của bạn.
Thực hiện các hoạt động thư giãn trước khi đi ngủ, chẳng hạn như tắm, nghe nhạc, thiền... cũng có thể giúp bạn ngủ ngon hơn.
Tránh sử dụng màn hình máy tính, điện thoại… quá lâu ngay trước khi đi ngủ. (Ảnh minh họa)
4. Hạn chế ngủ trưa quá nhiều
Ngủ trưa quá nhiều có thể cản trở giấc ngủ ban đêm. Bạn nên ngủ trưa không quá một giờ và không nên ngủ trưa vào chiều muộn.
5. Hoạt động thể chất thường xuyên
Hoạt động thể chất thường xuyên có thể giúp bạn ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, bạn nên tránh vận động quá sát giờ đi ngủ. Dành thời gian ở ngoài trời hằng ngày cũng có thể tốt cho giấc ngủ.
6. Quản lý stress
Nếu có thể, bạn hãy cố gắng giải quyết những lo lắng hoặc băn khoăn của bạn trước khi đi ngủ. Một cách hữu ích là ghi lại những gì bạn đang lo lắng ra giấy để ngày mai giải quyết sau.
Quản lý căng thẳng rất hữu ích trong trường hợp khó ngủ vì stress. Bạn có thể bắt đầu với những điều cơ bản như sắp xếp công việc, đặt mức độ ưu tiên cho từng việc... Thiền cũng có thể giảm bớt lo lắng.
Mất ngủ - khi nào cần đi khám?
Gần như tất cả mọi chúng ta thỉnh thoảng đều có một đêm mất ngủ. Tuy nhiên, nếu bạn thường xuyên khó ngủ, hãy đi khám để tìm ra nguyên nhân và cách xử trí nếu cần thiết.
(Nguồn: The Sun, Science Daily, Mayo Clinic)