Trang Chủ > Sức khỏe > Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động

Sức Khỏe và Đời Sống
07/08/2022 08:26:33

Hiến tặng những dòng sữa ngọt ngào...

Từ ngày 8/7 đến nay, chị Trần Thị Thanh Nhàn, ngụ tại TP.HCM đã hiến tặng cho Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương 13 lít sữa của mình để nuôi dưỡng những trẻ sơ sinh cần tới. Chị Nhàn sinh non khi con mới 24 tuần, nay con chị được 39 tuần tuổi.

"Những bé bị sinh non sẽ thiệt thòi hơn so với các bé khác, nên tôi quyết định chia sẻ sữa của mình. Mỗi khi các chị bên ngân hàng sữa mẹ thông báo đã chuẩn bị đầy đủ dụng cụ để lấy sữa, tôi đều qua đó để tặng", chị Nhàn chia sẻ.

Cũng giống chị Thanh Nhàn, chị Phạm Thị Thu Trang có con sinh non đang điều trị theo phương pháp kangaroo tại Bệnh viện Hùng Vương và tình cờ biết đến ngân hàng sữa mẹ nên quyết định hiến sữa. Chị Trang đã hiến tặng cho ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Hùng Vương 15,5 lít sữa đạt chuẩn.

Đây là hai trong nhiều người phụ nữ thầm lặng đang giúp trẻ sơ sinh không may mắn được bú mẹ vì những lý do khác nhau nhưng vẫn được hưởng nguồn sữa mẹ.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động-1

Chị Trần Thị Thanh Nhàn sinh non khi con mới 24 tuần, nay con chị được 39 tuần tuổi. Từ 8/7 đến nay, chị Nhàn đã hiến tặng cho Ngân hàng sữa mẹ tại Bệnh viện Hùng Vương 13 lít sữa của mình.

Thúc đẩy phong trào nuôi con bằng sữa mẹ

Sau một tháng thẩm định của Sở Y tế TP.HCM, sáng nay (6/8), Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương chính thức đi vào hoạt động. Đây là ngân hàng sữa mẹ thứ hai tại khu vực miền Nam và là một trong bốn ngân hàng sữa mẹ đang hoạt động tại Việt Nam. Với quy mô đầu tư gần 6 tỷ đồng, ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương có quy mô lớn nhất Việt Nam, có thể thanh trùng lên đến 62 lít sữa/ngày, xây dựng trên diện tích 300 m2.

Có mặt tại buổi lễ khai trương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: "Chỉ trong một thời gian rất ngắn, Bệnh viện Hùng Vương đã cho ra đời ngân hàng sữa mẹ lớn với diện tích và quy trình, các trang thiết bị đảm bảo. Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương ra đời trong bối cảnh diễn ra Tuần lễ thế giới nuôi con bằng sữa mẹ (1/8) có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phong trào nuôi con bằng sữa mẹ tại Việt Nam".

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động-2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn phát biểu tại buổi Khai trương Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương.

"Bệnh viện Hùng Vương là bệnh viện thực hành nuôi con bằng sữa mẹ xuất sắc đầu tiên tại TP.HCM. Đầu tiên là việc thành lập trung tâm chăm sóc cho trẻ có mẹ bị nhiễm COVID-19 - Trung tâm HOPE và đến bây giờ thành lập ngân hàng sữa mẹ. Đây là chuỗi sự kiện hết sức tự hào cho ngành y tế TP.HCM nói chung và Bệnh viện Hùng Vương nói riêng" - Thứ trưởng Bộ Y tế nói.

Tại buổi khai trương, PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương nhớ lại: "Thời gian này năm trước, khi đại dịch bùng phát, Bệnh viện Hùng Vương đã căng mình tiếp nhận các thai phụ mắc COVID-19. Tính riêng trong tháng 7 và tháng 8/2021, số thai phụ mắc COVID-19 có ngày trên 200 trường hợp. Nhiều trẻ đã bất đắc dĩ phải chào đời từ những người mẹ nhiễm bệnh, thiệt thòi vì không nhận được nguồn sữa mẹ".

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động-3

Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương đã nhận được 235 lít sữa thô.

Từ thực tế trên, Bệnh viện Hùng Vương đã phối hợp với các đơn vị liên quan, triển khai đề án lập ngân hàng sữa mẹ. Sau 9 tháng khẩn trương, từ số vốn 6 tỷ đồng, ngân hàng sữa mẹ đã hoàn thành trên diện tích hơn 300m2 với đầy đủ dây chuyền vận hành đảm bảo hiệu quả và an toàn theo quy định của Bộ Y tế và tiêu chuẩn quốc tế. Ngân hàng có thể cung cấp được sữa mẹ cho tất cả trẻ sơ sinh non tháng, bệnh lý, trẻ có mẹ bị bệnh nặng không thể thực hiện được nuôi con bằng sữa mẹ.

Cũng theo bác sĩ Diễm Tuyết, tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam còn cao. Theo đó, tỷ lệ tử vong sơ sinh chiếm đến 70 - 80% số ca tử vong trẻ em dưới 1 tuổi; 50 - 60% tử vong trẻ dưới 5 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy trong số những giải pháp nhằm giảm tử vong cho trẻ nhỏ, sữa mẹ là giải pháp quan trọng nhất và có tiềm năng to lớn tác động đến sự sống còn của trẻ.

Sữa mẹ là lựa chọn tự nhiên và phù hợp nhất với trẻ đặc biệt trẻ non tháng, trẻ bệnh lý, sữa mẹ không chỉ giúp trẻ lớn nhanh và phát triển toàn diện mà còn tăng cường hệ miễn dịch, nhất là trong gia đoạn hệ thống miễn dịch trẻ chưa hoàn thiện, các kháng thể thụ động từ mẹ truyền sang con trong sữa mẹ sẽ giúp trẻ chống lại nhiều bệnh nhiễm trùng xung quanh môi trường sống.

Tuy nhiên, không phải người mẹ nào cũng có thể cho con bú, các nguyên nhân thường gặp là do mẹ bị bệnh hoặc đang dùng thuốc điều trị ảnh hưởng đến việc nuôi con bằng sữa mẹ.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động-4

Ông Coln Brophy, Quốc vụ khanh, Bộ ngoại giao Ireland, phụ trách phát triển quốc tế đến thăm ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương.

Đối với nhóm trẻ có nguy cơ cao, bao gồm trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân, trẻ bệnh lý hoặc trẻ mồ côi, trẻ nhiễm COVID-19, sữa mẹ sẽ giúp mang lại nguồn dinh dưỡng sẵn có với khả năng cứu sống tốt nhất. Đây là liều thuốc đặc biệt giúp tăng cường khả năng sống sót cho nhóm trẻ sơ sinh bệnh nặng, chưa thể bú sữa mẹ đẻ đang điều trị tại bệnh viện.

"Rất mong sẽ có ngày càng nhiều nguồn sữa mẹ dinh dưỡng được gửi đến Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Hùng Vương và được trao cho ngày càng nhiều trẻ em hơn nữa, tạo nên một thế hệ mầm non đất nước khỏe mạnh và được hưởng tất cả mọi điều tốt đẹp nhất", PGS.TS Hoàng Thị Diễm Tuyết bày tỏ.

Theo TS. BS Phan Thị Hằng, Phó Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, đến nay, ngân hàng sữa mẹ đã có 17 bà mẹ hiến tặng được 235 lít sữa thô, đa số ở TP.HCM, có 2 bà mẹ ở Bình Dương và Long An. Ban đầu, do bà mẹ chưa thực hiện lưu trữ sữa đúng cách nên có 60% lượng sữa đạt yêu cầu. Có 13 bé đã bắt đầu sử dụng 1,2 lít sữa.

Trong năm 2021, Bệnh viện Hùng Vương có hơn 5.200 trẻ sơ sinh với lượng sữa cần là hơn 12.000 lít nhưng chủ yếu được cho uống sữa công thức, chỉ có 5,5% lượng sữa mẹ ruột được vắt dành cho trẻ.

"Mặc dù nguồn sữa quý giá đối với trẻ nhưng chi phí sữa thanh trùng cao vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả. Trong năm 2021, bệnh viện có hơn 5.200 trẻ sơ sinh với lượng sữa cần là hơn 12.000 lít nhưng chủ yếu được cho uống sữa công thức, chỉ có 5,5% lượng sữa mẹ ruột được vắt dành cho trẻ. Và mặc dù nguồn sữa mẹ quý giá đối với trẻ nhưng chi phí sữa thanh trùng cao vẫn chưa được bảo hiểm y tế chi trả" - BS. Hằng chia sẻ.

Ngân hàng sữa mẹ lớn nhất Việt Nam chính thức hoạt động-5

Sau khi sinh, sữa mẹ chưa về nhiều có cần pha sữa công thức cho trẻ bú?

SKĐS - Nhiều mẹ mới sinh, trong những ngày đầu sữa chưa về nhiều nên vội pha sữa công thức cho con uống vì sợ con đói. Theo bác sĩ chuyên khoa sản, đó là một sai lầm bởi sữa mẹ là nguồn dưỡng chất trọn vẹn nhất và chứa nguồn kháng thể dồi dào giúp trẻ phòng tránh bệnh tật.