Nhân viên y tế công lập chịu áp lực nhiều, lương ít và còn phải tập trung lo phòng chống dịch. Ảnh: Hà Anh Chiến
Thu nhập bệnh viện công và bệnh viện tư “vênh” cao
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, TS.BS.CKII Phạm Văn Dũng cho biết, hiện tại, bệnh viện gặp phải rất nhiều vấn đề cần phải giải quyết, như: Lương thấp y bác sĩ bỏ việc; công việc quá nhiều do người nghỉ việc để lại, đặc biệt là liên tục phải trực “tua 2”, “tua 3” (nghỉ 3 ngày trực đêm 1 ngày hoặc nghỉ 2 ngày trực đêm 1 ngày), dẫn tới việc lại tiếp tục có người nghỉ việc.
Nhân viên y tế làm việc tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất Đồng Nai. Ảnh: Hà Anh Chiến
“Trước đây đông "quân" thì trực xoay tua 5 hoặc giãn tua được, nhưng nay cả điều dưỡng cũng phải xuống tới tua 2, tua 3, công việc phải làm 24h/24h để có người trực cấp cứu” - ông Dũng cho biết.
Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất là bệnh viện công, hạng 1 của tỉnh Đồng Nai, có khoảng 1.200 y bác sĩ và nhân viên y tế. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, tại đây đã có tới 200 y bác sĩ nghỉ việc . Đáng lo, trong số 200 đó có tới 100 người nghỉ việc là điều dưỡng.
“Công việc quá nhiều, lương thấp khiến anh em bỏ đi hết. Người bỏ đi càng nhiều thì người ở lại càng nhiều việc hơn, đặc biệt là phải liên tục trực “tua 2”, “tua 3” khiến họ chịu không nổi lại tiếp tục bỏ đi. Do đó, nếu không có chế độ đãi ngộ thích đáng thì nhân viên y tế lại ra đi nữa” - bác sĩ Dũng lo lắng.
Theo bác sĩ Dũng, đa số, thậm chí tới 99% nhân viên y tế nghỉ việc, rời khỏi bệnh viện công là vì cuộc sống. Chính sách đãi ngộ của Nhà nước quá thấp, nên họ bỏ đi.
“Bên ngoài tư nhân họ trả lương cao hơn nhiều. "Quân" của tôi lên nộp đơn xin nghỉ việc, tôi hỏi lý do thì họ nói: “Em làm đây 10 năm mà lương có 12 triệu đồng/tháng, trong khi đó em về bệnh viện I (một bệnh viện tư nhân cũng đóng trên trên địa bàn tỉnh), họ trả 35 triệu đồng/tháng nên em phải đi thôi” - ông Dũng kể lại.
Ông Dũng lý giải tiếp: Các bệnh viện tư nhân bên ngoài, ngoài việc trả lương cao hơn cho nhân viên y tế, còn có môi trường làm việc ít áp lực hơn, làm xong việc thì về. Trong khi môi trường bệnh viện công thì bác sĩ quá khổ, áp lực nhiều, lương ít và còn phải tập trung lo phòng chống dịch.
Làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc ở Đồng Nai "lan rộng"
Theo Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tính từ đầu năm 2021 đến giữa năm 2022, toàn tỉnh Đồng Nai có gần 500
nhân viên y tế công lập nghỉ việc
. Trong đó, bác sĩ là trên 150 người, điều dưỡng cao hơn với gần 170 người, còn lại là hộ sinh, dược…
Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai - cho biết: Đây là số lượng nhân viên các cơ sở y tế công lập nghỉ việc tăng cao nhất trong những năm trở lại đây. “Làn sóng nhân viên y tế xin nghỉ việc đang có xu hướng tiếp tục tăng nếu không có các giải pháp kịp thời để giữ chân nhân viên y tế” - ông Bình lo lắng.
Lý do làn sóng nhân viên y tế nghỉ việc ở Đồng Nai, ông Bình cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập thấp, bên cạnh đó là môi trường làm việc nhiều áp lực, ngoài ra là lý do sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình.
Đại dịch COVID-19 kéo dài khiến 6 bệnh viện lớn của tỉnh Đồng Nai hoạt động theo cơ chế tự chủ thu chi đã bị giảm nguồn thu dẫn đến thu nhập tăng thêm cũng giảm.
Về giải pháp để giữ chân nhân viên y tế, theo ông Bình, lãnh đạo các đơn vị cần tạo môi trường làm việc phù hợp, nhằm phát huy khả năng, sở trường; kịp thời động viên khích lệ, khen thưởng cho y bác sĩ; việc phân công, điều chuyển, bố trí cán bộ cũng phải hợp lý.
Ông Bình nhấn mạnh sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế và Chính phủ, điều chỉnh hệ số lương và quy định về lương của nhân viên y tế sao cho hợp lý; điều chỉnh chế độ phụ cấp đặc thù và kiến nghị tăng biên chế cho y tế đối với những xã, phường đông dân cư để tránh tình trạng quá tải.
Sở Y tế đang tham mưu dự thảo nghị quyết thu hút và hỗ trợ nhân viên y tế ở Đồng Nai. "Thu hút ở đây không chỉ bác sĩ, mà cả điều dưỡng, hộ sinh, dược. Sẽ đưa ra mức hỗ trợ làm cho nhân viên y tế an tâm công tác" - ông Bình nhấn mạnh.