Trang Chủ > Sức khỏe > Mặt biến dạng vì khối u dưới hàm

Mặt biến dạng vì khối u dưới hàm

VnExpress
06/08/2022 08:46:04

Trong một lần cạo râu, ông Đinh Văn Nam (55 tuổi, quê Bình Định), tình cờ phát hiện hàm trái sưng to hơn hàm phải. Ông sờ nắn không thấy đau và cũng không có triệu chứng khó chịu nên chủ quan. Vài tháng sau, chỗ sưng không hết mà ngày càng to lên, được vợ thúc giục ông Nam mới đến bệnh viện địa phương thăm khám. Bác sĩ cho biết vùng cổ của bệnh nhân có khối u nhưng chưa xác định lành hay ác tính và khuyên đi bệnh viện tuyến trên làm xét nghiệm.

ThS.BS.CKII Trần Thị Thúy Hằng - Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa Khoa Tâm Anh TP HCM, cho biết bệnh nhân có một khối u ở vị trí góc hàm và vùng cổ trên, choán chỗ làm mặt bên trái căng phồng hơn bên phải, gây biến dạng. Khối u di động, không dính vào dưới da, sờ nắn không đau, rất may chưa ảnh hưởng đến chức năng nhai, nuốt và nói của người bệnh. Chẩn đoán ban đầu là khối u tuyến dưới hàm và bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật.

Theo các nghiên cứu đăng trên Thư viện Y khoa Mỹ, u tuyến dưới hàm là một dạng của u tuyến nước bọt hiếm gặp, chiếm khoảng 3-4% các khối u vùng đầu cổ. Tỷ lệ mắc ung thư tuyến nước bọt hàng năm khoảng 0,5-2/100.000 người ở các khu vực khác nhau trên thế giới.

Theo bác sĩ Hằng, để điều trị u tuyến nước bọt, phẫu thuật cắt bỏ là phương pháp hàng đầu. Xạ trị cũng cho hiệu quả tốt và thông thường được sử dụng khi phẫu thuật không thể bảo tồn được dây thần kinh. Bác sĩ lựa chọn phương pháp phù hợp để lấy trọn được khối u, tránh tái phát, không làm tổn thương mô xung quanh, đảm bảo thẩm mỹ cho bệnh nhân. Trường hợp bệnh nhân Nam, khối u tuyến nước bọt nằm ở thùy nông, dù kích thước to nhưng khả năng gây tổn thương các dây thần kinh khi phẫu thuật thấp nên mổ loại bỏ khối u là lựa chọn tối ưu.

Các bác sĩ đã dùng dao điện monopolar đầu kim, cầm máu bằng bipolar đầu nhỏ, lấy trọn khối u cho bệnh nhân sau 3 tiếng phẫu thuật; vẫn bảo tồn chức năng của dây thần kinh tại chỗ, vết mổ ít xâm lấn, cầm máu tốt. Bệnh nhân có thể ăn uống bình thường và xuất viện sau 4-5 ngày. Sau một tuần, vết thương lành, bệnh nhân không gặp khó khăn khi vận động các cơ vùng cổ - hàm và lưỡi.

Mặt biến dạng vì khối u dưới hàm-1

Sau phẫu thuật một ngày, bệnh nhân vận động môi, lưỡi bình thường (hình A) và tái khám sau 7 ngày để cắt chỉ vết khâu (hình B). Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh

Các yếu tố nguy cơ gây u tuyến dưới hàm

Theo bác sĩ Hằng, nguyên nhân gây ra u tuyến nước bọt bao gồm cả u tuyến dưới hàm đến nay vẫn chưa được xác định. Nhiều giả thuyết cho rằng có yếu tố gene di truyền. Yếu tố nguy cơ góp phần tăng tỷ lệ xuất hiện các u tuyến nước bọt lành tính, u Warthin là hút thuốc lá. U tuyến nước bọt thường xảy ra ở nhóm người từ 50 tuổi trở lên và tương đối ít gặp ở người dưới 30 tuổi.

Việc thay đổi lối sống lành mạnh, không sử dụng thuốc lá và các chất kích thích, khám sức khỏe tổng quát định kỳ giúp phát hiện kịp thời các bệnh lý tiềm ẩn. U tuyến nước bọt có loại lành tính và ác tính. Tuy không thường xuyên nhưng u đa dạng tuyến nước bọt vẫn có thể xảy ra tiến trình ung thư. Nếu vô tình phát hiện một khối sưng to bất thường ở vùng mặt - cổ, họng - miệng thì bạn nên đi khám bệnh sớm nhất để được đánh giá và điều trị.

Nếu để lâu, khối u sẽ lớn dần, gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ và chức năng. Khối u quá to có thể chèn ép các cấu trúc lân cận gây khó nuốt, khó thở hoặc hóa ác tính. U phát triển lớn sẽ gây khó khăn trong quá trình mổ và sau mổ cũng không thể đạt được kết quả tốt.

Đối với các trường hợp sau phẫu thuật u tuyến dưới hàm, bệnh nhân cần ăn uống đủ chất giúp thúc đẩy quá trình nhanh lành vết thương. Bệnh nhân cần tái khám theo lịch hẹn để theo dõi tiến trình lành vết thương và cắt chỉ sau mổ.

Tên nhân vật đã được thay đổi.

Nguyên Phương