Máy đo thân nhiệt tại sân bay Tân Sơn Nhất nhằm phát hiện dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Ảnh: Chí Tâm.
Chủ động ứng phó sàng lọc, ngăn chặn
Thông tin từ Bộ Y tế, những ngày qua Việt Nam đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây. Cùng với đó, sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước, gây nhiều khó khăn cho công tác phòng, chống dịch.
Trong khi đó, bệnh sốt xuất huyết từ đầu năm 2022 đến nay cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc với 45 bệnh nhân đã tử vong. Các địa phương ghi nhận số ca mắc hàng tuần và tích lũy tăng cao là: TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quảng Nam, An Giang, Long An, Đồng Tháp.
Đối với các bệnh truyền nhiễm khác như: Tay chân miệng, sốt rét, sởi, dại ghi nhận số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021, tuy nhiên bệnh tay chân miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương; bệnh sởi ghi nhận rải rác tại một số nơi.
Bà Đào Hồng Lan - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nhận định, các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Bà Lan cũng cho biết thêm, nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.
Thế giới đã ghi nhận gần 16.000 trường hợp mắc đậu mùa khỉ tại 74 quốc gia, trong đó đã có 5 trường hợp tử vong (tỷ lệ tử vong trên số mắc khoảng 1/3.000). Tuy nhiên, gần đây, số ca bệnh tăng lên, đặc biệt tại một số quốc gia châu Âu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng như Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ, tác nhân gây bệnh là virus, đường lây qua tiếp xúc, giọt bắn.
Theo BS Đỗ Hồng Hiên - chuyên gia dịch tễ của WHO, tuy WHO chưa có báo cáo ca bệnh tại Việt Nam nhưng đây chỉ là vấn đề thời gian, hoặc có thể đã có sự lây truyền trong cộng đồng. Vì vậy, cần có các biện pháp ứng phó sàng lọc, ngăn chặn không gây lây nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế - những người có nguy cơ cao.
Trao đổi về bệnh đậu mùa khỉ, TS. BS Nguyễn Lương Tâm - Phó Cục trưởng Y tế dự phòng cho hay, Việt Nam cần thiết lập văn phòng khẩn cấp đáp ứng nhanh bệnh đậu mùa khỉ.
“Ngành y tế đang kích hoạt lại hệ thống kiểm dịch cửa khẩu. Hành khách đi từ quốc gia có dịch nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được đo thân nhiệt và các biện pháp giám sát, kịp thời phát hiện các ca nghi nhiễm, cách ly, lấy mẫu, xét nghiệm chẩn đoán” - ông Tâm nói.
Theo TS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế đang xây dựng kế hoạch ứng phó với 3 tình huống dịch đậu mùa khỉ.
Trong đó, tình huống 1 là khi chưa có trường hợp bệnh xâm nhập vào Việt Nam. Trong bối cảnh này, các bệnh viện cần kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch theo các giai đoạn, đồng thời chuẩn bị cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị, nhân lực, thuốc, vật tư, hoá chất, phương tiện cho phòng, chống dịch. Xây dựng quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ; Điều trị các ca bệnh theo phân tuyến, thực hiện phương án điều trị tại chỗ theo chỉ đạo…
Tình huống 2 là khi có các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ xâm nhập vào Việt Nam. Khi đó, cần tổ chức khu điều trị cách ly riêng cho ca bệnh đậu mùa khỉ; Cập nhật quy trình nội bộ tiếp đón, cách ly và điều trị người bệnh đậu mùa khỉ phù hợp với thực tế tại cơ sở; Tổ chức tập huấn bổ sung cho nhân viên y tế về công tác điều trị, chống nhiễm khuẩn và kiểm soát lây nhiễm.
Cuối cùng là trường hợp dịch lây lan ra cộng đồng. Lúc này cần mở rộng khu vực cách ly điều trị, tính toán phương án tự cách ly điều trị tại nhà; sẵn sàng cử đội cấp cứu lưu động và hỗ trợ tuyến dưới, bệnh viện khác khi cần thiết; người bệnh được phân loại theo mức độ nặng nhẹ để điều trị tại các tuyến phù hợp; hạn chế di chuyển người bệnh…
Những dấu hiệu nhận biết
Theo chuyên gia, các dấu hiệu nguy hiểm của bệnh đậu mùa khỉ cần theo dõi, xem xét chuyển tuyến điều trị là: Giảm thị lực; giảm ý thức, hôn mê, co giật; suy hô hấp, chảy máu, giảm lượng nước tiểu; các dấu hiệu của nhiễm khuẩn huyết và sốc nhiễm khuẩn. Với các ca bệnh nghi ngờ hoặc đã xác định mắc bệnh, cần thực hiện giám sát và cách ly.
Công tác điều trị bệnh chủ yếu là điều trị triệu chứng, bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý. Tiêu chuẩn xuất viện với bệnh nhân là người bệnh cách ly tối thiểu 14 ngày và đã hết các triệu chứng lâm sàng.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh đậu mùa khỉ như che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng; rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay; đồng thời, đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng cường vận động thể lực.
Người có triệu chứng phát ban cấp tính kèm theo 1 hoặc nhiều biểu hiện nghi ngờ cần liên hệ với cơ sở y tế chủ động, tự cách ly.
Người dân cần tránh tiếp xúc gần với người mắc bệnh đậu mùa khỉ, tránh tiếp xúc trực tiếp với những vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn và các vật dụng, đồ dùng bị nhiễm mầm bệnh.
Người đến các quốc gia có lưu hành dịch bệnh đậu mùa khỉ khu vực Trung và Tây Phi cần tránh tiếp xúc với động vật có vú.
Sở Y tế TP HCM có công văn đề nghị gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC), yêu cầu đơn vị củng cố hệ thống giám sát tại các cửa khẩu của thành phố. Việc giám sát gồm quan sát triệu chứng và kiểm tra thân nhiệt qua máy đo với người nhập cảnh. Trong quá trình giám sát có dấu hiệu nghi ngờ cần có kịch bản xử lý. Trong đó, nhóm nghi ngờ mắc đậu mùa khỉ là người mọi lứa tuổi, đang sinh sống tại quốc gia không lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, bị phát ban cấp tính không rõ nguyên nhân; có một hoặc nhiều dấu hiệu, triệu chứng kể từ ngày 15/3 như đau đầu, sốt trên 38,5 độ C, nổi hạch (sưng hạch bạch huyết), đau cơ, đau lưng, suy nhược.