Tiếng nói của các thầy thuốc tại nhiều hội nghị, hội thảo từ Nam ra Bắc gần đây cho thấy khá rõ những khoảng lặng đáng buồn trong ngành y tế.
Sinh viên y khoa tham gia chống dịch Covid-19. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Y tế
‘Phú quý giật lùi’
Tôi thuộc thế hệ người nhà nước được hưởng lương vào những năm gần cuối thập kỷ 1970. Ngày đó, chúng tôi tốt nghiệp đại học ngành khoa học xã hội nên được hưởng lương 60 đồng/tháng. Ai là kỹ sư thì được mức lương 63 đồng. Ai là bác sĩ, dược sĩ thì lương khởi điểm là 64 đồng...
Tuy chỉ hơn nhau tương đương 3-4 tô phở bây giờ nhưng cũng cho thấy Nhà nước đã có ít nhiều nhìn ra tầm quan trọng của ngành y tế, quan tâm đến những thầy thuốc chữa bệnh cứu người.
Với những ai được phong hàm giáo sư y khoa từ năm 1956 thì chế độ đãi ngộ còn đặc biệt hơn nữa. Ngẫm lại thì các thầy thuốc hôm nay đang ở thế "phú quý giật lùi", không được như xưa.
Tôi có một người bác họ, là giáo sư, bác sĩ Đặng Vũ Hỷ, cố Chủ nhiệm khoa Da liễu, bệnh viện Bạch Mai, kiêm Trưởng bộ môn Da liễu, sau này là Chủ nhiệm khoa Da liễu, Đại học Y khoa Hà Nội. Ông được vinh dự nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học đợt 1 (1996).
Ông đặc biệt thương xót những người bị bệnh phong, giúp đỡ chữa bệnh, gần gũi, an ủi họ khi ông mở Trại phong Quỳnh Lập, Nghệ An và đã được các đồng nghiệp là học trò tạc tượng, đặt tại Trại phong Tuy Hòa (Bình Định) do có đóng góp quan trọng về phương pháp điều trị bệnh nhân phong.
Ông vốn được đào tạo bác sĩ nội trú về chuyên khoa da liễu tại Pháp rồi về nước làm việc. Đến năm 1946, ông từ bỏ cuộc sống giàu sang, tham gia kháng chiến chống Pháp theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1956, ông là 1 trong 6 bác sĩ được nhà nước ta phong hàm Giáo sư y khoa.
Sau đó, ông được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời lên gặp, hỏi thăm đời sống của giới trí thức trong ngành y tế để rồi ký quyết định tăng lương cho các tân giáo sư lên 160 đồng/tháng. Ngoài ra, ông được cấp xe riêng và 1 người giúp việc có hưởng lương phục vụ trong gia đình cùng các chế độ tem phiếu của cửa hàng Tôn Đản, hệt như chế độ của một thứ trưởng dù ông chỉ là bác sĩ Chủ nhiệm khoa của bệnh viện tuyến đầu.
Ngày nay, các chế độ đãi ngộ như vậy với trí thức không còn được như xưa. Âu cũng là do mỗi thời điểm một khác. Lúc đó đất nước ta đang cần trí thức như ông trở về phục vụ Tổ quốc mà trong nước lại rất thiếu thầy thuốc giỏi. Song, cách trọng dụng trí thức trong ngành y như thế thì kể cũng rất đáng ghi nhận. Đặng giúp ta cùng suy nghĩ cách dùng người của các thế hệ đi trước.
Đề án nâng lương
Sau này, đầu những năm 1990, chúng ta có điều chỉnh lại và bớt đi sự phức tạp về thang bảng lương. Song, chính cái sự đơn giản đã khiến cho một anh tốt nghiệp sau 4 năm đại học cũng không khác gì anh nào học ngành y, dược với 6 năm đèn sách, điều đó xem ra không ổn.
Bác sĩ kiệt sức dưới nắng nóng vào thời điểm dịch bùng phát ở Bắc Ninh, tháng 5/2021. Ảnh: CDC Bắc Ninh
Không chỉ vậy, muốn hành nghề bác sĩ điều trị, họ còn phải qua 18 tháng đi thực tập thì mới được chính thức nhận chứng chỉ hành nghề.
Vậy là cùng tốt nghiệp đại học đi làm, người có 4 năm học và người mất những 7,5 năm dùi mài đèn sách kèm theo việc đi thực tập, nhiều khi làm không có nổi một đồng phụ cấp. Họ chỉ mong sao được chấp nhận vào thực tập.
Tôi không hiểu tại sao sau bao nhiêu năm, bất cập này không được các cơ quan có trách nhiệm nhìn ra để rồi chỉ chưa đến 1 năm vừa rồi, ngành y tế đã có cả chục ngàn người bỏ việc nhà nước?
Phải chăng do cú "nhắc nhở" từ hậu Covid-19 đã vô tình "báo động đỏ" vấn đề lớn nói trên mà Bộ Y tế mới thông qua đề xuất trình Chính phủ đề án nâng lương cho bác sĩ và dược sĩ được hưởng lương khởi điểm luôn bậc 2?
Trong tờ trình mới đây của Bộ trưởng Y tế gửi lên các cấp về Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững, ngành Y tế còn đề nghị một số vấn đề khác liên quan đến chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực.
Theo đó, Chính phủ cần có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt là các ngành, chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở; cần công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 khi thực hiện nhiệm vụ trong thời gian phòng chống dịch vừa qua.
Chính phủ cần sớm ban hành nghị định sửa đổi nghị định 56/2011/NĐ/CP ngày 4/7/2011, trong đó tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%; sớm xem xét và ban hành nghị quyết về giải pháp chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế về thôn bản. Thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2...
Chúng ta cũng từng chứng kiến nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng lộn xộn khi bệnh viện bị quá tải. Người nhà bệnh nhân bức xúc đến mức cầm hung khí đánh thầy thuốc. Đó là khi người nhà của họ đến bệnh viện để cấp cứu nhưng vì quá đông, vì chờ đợi, vì xử trí chậm mà họ làm thế. Thật khó ai có thể chấp nhận nếu thầy thuốc phải làm việc trong một điều kiện bất an như vậy, nhất là khi đồng lương lại quá èo uột.
Cần một cuộc cải tổ
Vài tháng nay, tiếng nói của các thầy thuốc tại nhiều hội nghị, hội thảo từ Nam ra Bắc cho thấy khá rõ những khoảng lặng đáng buồn trong ngành y tế. Bên cạnh những mặt tích cực trong chống dịch là chủ đạo, nó cũng bộc lộ những tiêu cực ngay từ "nóc nhà" mà thật sự không ai có thể hình dung nổi. Đội ngũ nhân viên y tế tham gia chống dịch đã về nhà cả nửa năm mà tiền bồi dưỡng vẫn chưa hề được nhận. Trong khi đó, một số quan chức ngành y nhận tiền lại quả khủng khiếp do mua sắm thiết bị và sinh phẩm xét nghiệm.
Đang thiếu thốn, sao cứ máy móc thuốc nào cũng phải đấu thầuXem ngay
Qua hơn 2 năm rưỡi chống dịch, hàng chục nghìn nhân sự đã đổi nghề hoặc chuyển công tác từ công lập sang tư nhân. Điều này dẫn đến gia tăng nguy cơ thiếu nhân lực - theo Ban chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia.
Chỉ nói riêng tại TP.HCM, những năm qua, thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ y tế, mạng lưới y tế tư nhân ngày càng phát triển.
TP có 64 bệnh viện tư, nhiều hơn 16% so với bệnh viện công và 6.438 phòng khám đa khoa, chuyên khoa. Rồi còn có đến hơn 50% nhân sự chủ chốt của các bệnh viện tư nhân là từ bệnh viện công lập đi qua, đặc biệt là nhân sự cao cấp. Bởi bệnh viện tư khi thành lập, hoạt động buộc phải tận dụng nguồn nhân lực giỏi chuyên môn, giàu kinh nghiệm.
Điều này đồng nghĩa phải mời các y bác sĩ có thâm niên lâu năm về làm việc, chủ yếu ở các khối chuyên môn quan trọng như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh...
Vậy thì dần dà, thầy thuốc giỏi, có tay nghề sẽ khó trụ lại bệnh viện công.
Nói như phó giáo sư Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế, tình trạng nhân viên y tế nghỉ việc hàng loạt hiện nay "rất đáng báo động","hệ thống công lập mất hàng loạt nhân viên đồng nghĩa với việc số đông người dân bị tước đoạt cơ hội được tiếp xúc với y bác sĩ giỏi".
Theo bà, không phải người dân nào cũng có điều kiện kinh tế để chi trả mức phí cao của bệnh viện tư. Điều này đi ngược lại mục tiêu của ngành y tế là công bằng, không phân biệt bệnh nhân giàu nghèo.
"Cái khó của y bác sĩ là họ đã quá quen chịu đựng. Nếu lương thấp, công nhân có thể đình công để đòi quyền lợi, còn nhân viên y tế thì không. Đạo đức nghề y không cho phép họ ngừng làm việc và bỏ mặc bệnh nhân", bà Phong Lan trăn trở.
Từ những bất cập trên, rất cần có một cuộc cải tổ sâu rộng và triệt nhằm thay đổi, thuyết phục những người đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp trong ngành y, nguyện thực hiện sứ mệnh thiêng liêng: hết lòng chăm sóc sức khỏe người dân.
Nguồn Tin: