TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế: Gần 53% số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam chưa tiêm phòng (ảnh: Minh Quyết)
Số ca nhiễm Covid-19 ở miền Bắc cao gấp 10 lần miền Nam
Chiều 27/6, tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế năm 2022, GS-TS. Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng chia sẻ: Tổ chức Y tế thế giới đang lo ngại đợt dịch bùng phát mới trong mùa hè. Trong tuần từ 23 đến 29/5, so với tuần trước đó tổng số ca mắc mới tại khu vực Châu Mỹ tăng 9%, khu vực Trung Đông tăng 1%; tổng số ca tử vong tại khu vực Tây Thái Bình Dương (trong đó có Việt Nam) tăng 18%, khu vực Châu Phi tăng 15%, khu vực Châu Mỹ tăng 13%.
Những con số này có thể chưa phản ánh hết tình hình thực tế vì nhiều quốc gia đã giảm đáng kể việc yêu cầu xét nghiệm cũng như công tác báo cáo không còn được chú trọng như giai đoạn trước. Bên cạnh đó, số ca mắc Covid-19 ở trẻ em có xu hướng tăng lên tại một số quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ.
Tổ chức Y tế thế giới nhận định, thế giới vẫn trong đại dịch, cảnh báo biến chủng mới làm dịch bệnh phức tạp và gia tăng trở lại. Theo một số đánh giá nhỏ lẻ ban đầu cho thấy, chủng BA4, BA5 có sự lây lan nhanh hơn với BA1, BA2. Một số nghiên cứu cho thấy người nhiễm chủng BA4, BA5 có biểu hiện nặng-tuy nhiên để có bức tranh tổng thể cần thêm nghiên cứu thêm.
Việt Nam đã có sự xâm nhập chủng BA5-nguy cơ có thể lấn át chủng cũ là BA1 và BA2. Việc xâm nhập là tất yếu trước tình hình giao thương, đi lại như hiện nay nên khả năng chúng mới xâm nhập và đã được ghi nhận. Bộ tiếp tục giám sát dịch để điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch an toàn, hiệu quả.
Tại Việt Nam trong 2 tháng qua, các tỉnh/thành phía Bắc vẫn ghi nhận 107 nghìn ca mắc, cao gấp 10 lần các tỉnh, thành phía Nam. Đứng thứ 3 là khu vực miền Trung với số mắc cao gấp 2 lần khu vực Tây Nguyên.
Về hiệu quả của vắc-xin Covid-19 với biến thể mới, TS. Phan Trọng Lân cho biết, bản thân virus SARS-Cov2 biến hoá khôn lường. Bình thường đại dịch đi theo xu hướng tăng dần miễn dịch, tăng hiệu quả của vắc-xin khiến dịch hoặc biến mất hoặc trở thành bệnh dịch lưu hành nhưng SARS-CoV2 thì biến hoá khôn lường, thể hiện qua các đợt dịch ở Việt Nam. Tháng 9/2021 khi có Delta lây lan nhanh người ta nghĩ kịch bản lưu hành nhưng tháng 11 xuất hiện Omicron và lây khôn lường.
Nay chủng BA4, BA5 cũng không lường được mức độ lây nhiễm, nên nếu nơi nào chưa an toàn-có vùng chưa tiêm chủng, kháng thể chưa đảm bảo thì có nguy cơ lây nhiễm, kết hợp thành biến thể mới thì vẫn có nguy cơ bùng phát.
Tiêm vắc-xin nhìn chung giảm nhập viện và tử vong còn mức độ lây nhiễm thì khác nhau về từng loại vắc-xin và dịch tễ. Các hoạt động này đánh giá trên thực địa.
Việc tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4 (ảnh minh hoạ, TTYT BHT)
Gần 53% số ca tử vong tại Việt Nam chưa tiêm phòng
TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế cho biết: Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vắc-xin để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.
Một nghiên cứu gần đây do Tạp chí y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố, cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong.
Cụ thể, hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 52%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc Covid-19 là 72%; Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; Hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 là 76%.
Tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh-Bộ Y tế ghi nhận 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vắc-xin phòng Covid-19; 29.8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vắc-xin và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng OMICRON.
Do vậy việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; Người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; Người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, với tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4.
Vẫn còn một số địa phương chưa tiếp nhận hết vắc-xin Covid-19
Đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19 cho trẻ 12-17 tuổi
Trì hoãn tiêm mũi 4 vì quan niệm tiêm rồi vẫn mắc, chuyên gia dịch tễ nói gì?
Hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về liều tiêm, đối tượng tiêm vắc-xin Covid-19
Vân Hà