Có nguồn gốc từ Nhật Bản, lẩu băng chuyền du nhập vào Việt Nam cách đây đã lâu. Với hình ảnh dây chuyền lạ mắt, chuyên nghiệp, tiện nghi, nó đã nhanh chóng trở thành một xu hướng kinh doanh F&B chuyên nghiệp. Nếu như phần đông người Việt đã quen ăn lẩu băng chuyền trong các nhà hàng lớn thì nay họ lại được nhìn thấy một kiểu "băng chuyền nước" cực kỳ độc lạ.
Đây có lẽ là lần đầu tiên các tín đồ ẩm thực ở Bình Dương nhìn thấy một kiểu băng chuyền "dân dã, gần gũi" và có phần "cây nhà lá vườn" như thế này.
Quán lẩu băng chuyền nước khiến dân mạng dậy sóng những ngày qua
Lẩu băng chuyền trên nước gây tranh cãi ở Bình Dương
Lẩu băng chuyền "thủy lực" có 1-0-2
Anh Nguyễn Tuấn Linh sinh năm 1991 (quê Cần Thơ) chủ quán lẩu băng chuyền nước gây xôn xao mạng xã hội mấy ngày qua cho biết, cơ duyên quán này ra đời xuất phát từ việc anh muốn lập nghiệp và sáng tạo ra nhiều thứ "riêng biệt" cho bản thân.
"Là người con xa xứ, tôi thích làm điều gì đó đặc biệt cho mình có thương hiệu của mình",
anh Linh khẳng định.
Anh Nguyễn Tuấn Linh sinh năm 1991 (quê Cần Thơ) chủ quán lẩu băng chuyền nước
Ông chủ sinh năm 1991 cho hay, bản thân là người xa quê lập nghiệp, thích tìm tòi, sáng tạo những thứ độc lập. Suốt gần 10 năm rời quê hương lên Bình Dương lập nghiệp, trong đó có 6 năm làm công ở một công ty gỗ, anh Linh nắm rõ tình hình hàng quán và sở thích của dân địa phương. Từ đó, một mình anh lên ý tưởng, xây dựng và phát triển liên tiếp 3 quán ăn gia đình, lẩu, nướng trên địa bàn tỉnh. Nhưng từ sau dịch COVID-19, 1 quán đã tạm ngưng hoạt động.
"Tôi thấy những ngày đông nhân viên vất vả, lên món lâu khách hàng không hài lòng nên tôi nảy ra ý tưởng làm lẩu băng chuyền này. Là người làm đầu tiên nên tôi tự mày mò, nghiên cứu 3 tháng, làm cháy hết 4 máy bơm cái băng chuyền nó mới đẩy đi được. Mình thấy thì đơn giản nhưng còn phải đẩy lực nước, lượng nước, tốc độ đẩy nước,... thì mới cho ra cái băng chuyền đều được.
Sau cùng tôi gặp một ông chú làm kỹ sư điện chỉ cho tôi, tôi mới áp dụng và thành công",
anh Linh chia sẻ về ý tưởng làm lẩu băng chuyền nước.
Theo anh Linh chỉ cần 1 máy bơm nước trợ lực cho 3 dãy băng truyền hơn 400 mâm đồ ăn
Chủ quán mất 3 tháng để xây dựng và lên phương án vận hành quán lẩu băng chuyền nước này
Nhiều ý kiến trái chiều
Theo anh Linh, mô hình băng chuyền nước nhìn thì khá đơn giản nhưng khi đi vào quá trình thiết kế, vận hành thì vô cùng khó khăn.
"Tôi tốn gần 1 tỷ cho việc đầu tư vào quán này",
anh Linh nói.
Trên 3 dãy băng chuyền có độ dài 30 mét mỗi dãy, anh Linh cho tổng cộng 400 đãi đồ ăn bao gồm cá hồi, tôm càng, bò viên, mực, bắp bò, chả các loại, rau sống, nấm, mì,... Dây chuyền sẽ được lên món liên tục và chuyền xung quanh các bàn theo dòng nước nhờ có máy bơm nước trợ lực bên dưới.
Với giá vé là 139.000 đồng/người, khách sẽ được ăn thỏa thích các món trên băng chuyền cùng 9 vị lẩu khác nhau.
Các món ăn phần nhiều là hải sản
Sau khi những hình ảnh về quán lẩu của anh Linh xuất hiện trên mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự lo ngại về mức độ vệ sinh của băng chuyền nước này.
"Nước này có sạch không? Nếu nhiều khách lấy đồ rơi xuống dưới bẩn nước, dòng nước này vẫn tiếp tục chạy, vậy đồ ăn được vận chuyển trên nước này có đảm bảo sạch không?",
một khách hàng thắc mắc.
Các món trên băng chuyền khá đầy đặn
Trả lời những ý kiến này, anh Linh chia sẻ:
"Sợ thức ăn rơi xuống hoặc nước đóng rong nên tôi cho nhân viên thay nước và vệ sinh băng chuyền mỗi ngày để đảm bảo về vấn đề vệ sinh".
Quán lẩu của anh Linh có tổng cộng 14 nhân viên, trong đó có 8 nhân viên phục vụ và 6 nhân viên làm bếp, quán hoạt động từ 16 giờ đến 23 giờ. Trong suốt thời gian này băng chuyền nước sẽ chạy và lên món liên tục.
Thành phố du lịch giá cả phải chăng nhất Trung Quốc: Một tô mì chỉ có giá 20 nghìn đồng, danh lam thắng cảnh đẹp quên lối về