Trang Chủ > Sức khỏe > Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C <7

Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C <7

Dân trí
08/07/2022 09:09:52

Chiến dịch nằm trong khuôn khổ dự án Ngày đầu tiên của Servier Việt Nam đồng hành cùng Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam. Dự án được khởi xướng từ năm 2016 đến nay với 50 góc tư vấn "Ngày đầu tiên" triển khai tại các bệnh viện, cơ sở điều trị cùng với các nền tảng trực tuyến như website https://ngaydautien.vn , fanpage, youtube với hơn 1,5 triệu lượt người theo dõi nhằm tăng nhận thức của cộng đồng về bệnh đái tháo đường.

Chiến dịch truyền tải thông điệp về ý nghĩa và tầm quan trọng của con số 7 - con số kỳ diệu trong việc kiểm soát đường huyết cho bệnh nhân đái tháo đường. Việc duy trì chỉ số HbA1C nhỏ hơn 7% là vô cùng quan trọng bởi đây chính là chỉ số phản ánh tình trạng kiểm soát đường huyết liên tục trong 3 tháng thể hiện hiệu quả điều trị lâu dài cho bệnh nhân đái tháo đường, giúp trì hoãn biến chứng. Số 7 trong chiến dịch mang ý nghĩa kêu gọi cộng đồng hiểu đúng về bệnh đái tháo đường, chủ động tầm soát sớm và kiểm soát đường huyết tốt.

Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C <7-1

Chiến dịch "Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C < 7 " năm nay sẽ được triển khai tới hơn 1500 bệnh nhân điều trị nội trú và ngoại trú tại 7 Bệnh viện trên cả nước bao gồm: (1) Bệnh viện Lão khoa Trung Ương - Hà Nội, (2) Bệnh viện Xanh Pôn - Hà Nội, (3) Bệnh viện Quận Tân Phú - TPHCM, (4) Bệnh viện TP Thủ Đức - TPHCM, (5) Bệnh viện Đa khoa TP Vinh - Nghệ An, (6) Bệnh viện Tim mạch An Giang - An Giang và (7) Bệnh viện Hoàn Hảo - Bình Dương. Chương trình gồm hoạt động truyền thông tại bệnh viện, rà soát mức HbA1C cho bệnh nhân đái tháo đường và buổi sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân nơi các chuyên gia nội tiết - đái tháo đường chia sẻ các chủ đề về quản lý bệnh, tư vấn chế độ ăn, cách theo dõi, tuân thủ cho bệnh nhân đái tháo đường.

Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C <7-2

Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1C <7

PGS.TS.BS Trần Hữu Dàng - Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam cho biết " Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Servier với dự án NGÀY ĐẦU TIÊN trong hành trình cải thiện nhận thức và giúp người bệnh tự quản lý căn bệnh đái tháo đường. Việc tự quản lý và kiểm soát của bệnh nhân là vô cùng quan trọng nhưng đòi hỏi cần trang bị những kiến thức vững chắc về bệnh. Đó là lý do chúng tôi đã xây dựng chuỗi chương trình qua các năm, từ năm 2016 đến nay, thống nhất tập trung trên một thông điệp chỉ để nhấn mạnh với các bệnh nhân và người nhà của họ về sự quan trọng và ý nghĩa của con số 7 trong việc điều trị bệnh lý đầy thách thức này của Việt Nam ".

Theo thống kê mới nhất của Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới (International Diabetes Federation - IDF), năm 2017, thế giới có khoảng 425 triệu người mắc bệnh đái tháo đường. Con số này ước tính sẽ tăng lên 629 triệu người vào năm 2045. Đặc biệt, tỷ lệ mắc đái tháo đường đang tăng nhanh chóng ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Việt Nam có khoảng 3,8 triệu bệnh nhân đái tháo đường năm 2019. Trong đó, theo kết quả nghiên cứu quốc gia năm 2015 của Bộ Y tế, tỷ lệ người bị bệnh nhưng chưa được chẩn đoán là 70% và tỷ lệ bệnh nhân chưa được quản lý bệnh là 70%. Nguyên nhân chính là do nhận thức của người dân về bệnh còn hạn chế nên chưa tuân thủ việc kiểm soát và điều trị; nhận thức và năng lực của cơ sở y tế chỉ mới tập trung vào hoạt động thăm khám, cung cấp thuốc mà chưa có các tư vấn tăng nhận thức cho người bệnh trong việc tự quản lý bệnh. Đây là thách thức lớn trong mục tiêu kiểm soát căn bệnh đái tháo đường ở Việt Nam.

Đái tháo đường là một bệnh mãn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn mức bình thường do cơ thể bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu.

Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể không chuyển hóa các chất bột đường từ thực phẩm hằng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng, do đó gây ra hiện tượng lượng đường tích tụ tăng dần trong máu. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao qua thời gian làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây ra tổn thương ở các cơ quan khác như mắt, thận, thần kinh và các bệnh lý nghiêm trọng khác.