Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tuần qua toàn cầu ghi nhận hơn 3,23 triệu ca COVID-19 mới, giảm ở 5/6 khu vực, chỉ tăng nhẹ 3% ở Tây Thái Bình Dương, là khu vực dịch tễ WHO xếp Việt Nam vào.
Báo cáo dịch tễ mà Báo Người Lao Động nhận được từ WHO ngày 22/9 (giờ Việt Nam) cũng cho thấy Tây Thái Bình Dương vẫn là khu vực "đầu bảng" về số ca COVID-19 mới được ghi nhận tuần qua với hơn 1,42 triệu ca, chiếm 44% số ca của thế giới.
Theo sau là châu Âu (hơn 1,16 triệu ca) và châu Mỹ (hơn 552.000 ca), 3 khu vực còn lại (Đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á, châu Phi) chỉ chiếm 4% số ca toàn cầu.
Bản đồ phản ánh tỉ lệ số ca mắc trên dân số của WHO, với màu sắc càng đậm tượng trưng cho tỉ lệ càng cao - Ảnh: WHO
Tin đáng mừng trong tuần lễ này là số ca tử vong toàn cầu giảm mạnh tới 17%, còn 9.862 ca. Dù số ca mắc tăng nhẹ nhưng Tây Thái Bình Dương lại có số tử vong giảm cực sâu tận 27%, còn 2.415 ca, chủ yếu ghi nhận tại Nhật Bản (1.162 ca), Hàn Quốc (377 ca) và Trung Quốc (360 ca), cũng là các nước có số ca mắc mới cao nhất khu vực.
Sau nhiều tuần đối phó với tỉ lệ tử vong do COVID-19 thuộc hàng cao nhất thế giới, có lúc lên tới 1,6 ca/100.000 dân, Nhật Bản đã giảm được tỉ lệ xuống còn 1 ca/100.000 dân.
Trên bản đồ số ca mắc mới, Việt Nam vẫn được đánh dấu bằng màu vàng sậm (mức thứ 2 từ thấp nhất lên, tức số ca mới từ 10-50 ca/100.000 dân. Trên bản đồ tử vong nước ta vẫn được biểu thị bằng màu xanh lá cây nhạt, tức mức thấp nhất (tử vong dưới 0,5 ca trên 100.000 dân).
WHO theo dõi đặc biệt 6 dòng "con cháu" mới của Omicron
Báo cáo của WHO cũng cho biết trong vòng 1 tháng qua (tính từ ngày 19/8 đến 19/9), tổng cộng đã có 119.458 trình tự gien SARS-CoV-2 được gửi về cơ sở dữ liệu chung GISAID.
Trong số các trình tự gien này, Omicron vẫn chiếm tới 99%, trong đó phổ biến nhất là BA.5 và BA.5.X (các dòng con của BA.5), tỉ lệ 76,6%. Tiếp theo là BA.4.X với 7,5%.
WHO cũng nêu 6 biến chủng phụ mới nổi cần đặc biệt quan tâm, trong đó gây chú ý nhất là BA.2.75, nổi tiếng với 9
Tỷ lệ phổ biến toàn cầu của BA.2.75 thấp (1,26% vào tuần 35), nhưng đã tăng lên trong thời gian qua. BA.2.75 xuất phát từ Ấn Độ từng gây chú ý do mang 9 đột biến bổ sung so với dòng cha mẹ của nó là BA.2, 4 trong số chúng nằm trong vùng liên kết thụ thể (RBD) và ít nhất 1 trong số các đột biến RBD này liên quan đến khả năng thoát miễn dịch. Tỉ lệ phổ biến toàn cầu của BA.2.75 ban đầu thấp nhưng đã tăng lên hàng tuần và hiện đã có 48 quốc gia ghi nhận.
5 biến chủng phụ cần được quan tâm khác là BA.5.1 + V445 * (* chỉ ra sự thay thế axit amin được gộp chung), BA.5.2 + K444 *, BA.5.2.1 + R346 *, BA.5.2.1 + K444 *và BE.1.1 (BA.5.3.1.1.1), đều là các dòng mới nổi mang các đột biến ở các vị trí RBD có thể liên quan đến thoát miễn dịch, thay đổi ái lực với thụ thể ACE2 hay nguy cơ tăng khả năng lây lan.