Trang Chủ > Sức khỏe > Không tiêm vaccine phải ký cam kết, chịu trách nhiệm: Chuyên gia nói gì?

Không tiêm vaccine phải ký cam kết, chịu trách nhiệm: Chuyên gia nói gì?

Dân trí
30/06/2022 11:03:17

Mới đây, sự việc TPHCM và một số địa phương yêu cầu người dân không đồng ý tiêm vaccine phòng Covid-19 phải ký giấy cam kết và chịu trách nhiệm nếu để lây lan dịch bệnh khiến dư luận xôn xao.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), yêu cầu trên được đưa ra nhằm thực hiện theo thông báo kết luận của Bộ Y tế.

Trong khi đó khi thông tin với báo chí ngày 27/6, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) lý giải, việc ký cam kết nêu rõ trách nhiệm giữa các bên là cần thiết, thể hiện việc đặt vai trò cao hơn nữa công tác phòng chống dịch trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo khi xuất hiện các biến thể mới. Ký cam kết trách nhiệm cũng giúp hiểu rõ hơn hiệu quả vaccine.

Không tiêm vaccine phải ký cam kết, chịu trách nhiệm: Chuyên gia nói gì?-1

Trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi làm thủ tục tiêm vaccine Covid-19 tại TPHCM (Ảnh: PA).

Khi nào ký cam kết chịu trách nhiệm trong y khoa?

Trao đổi với PV Dân trí, TS.BS Lê Thanh Toàn, giảng viên Đại học Y Dược TPHCM, chuyên gia về y học gia đình cho biết, ông tôn trọng chính sách mà Bộ Y tế và cơ quan chức năng ban hành về quy định tiêm vaccine.

Còn xét về góc độ y khoa, khi tiến hành một biện pháp chăm sóc sức khỏe nào là tự nguyện của bệnh nhân. Việc ký cam kết chỉ thực hiện ở những trường hợp rủi ro xảy ra sự cố. Ví dụ, bệnh nhân nặng cần phải mổ nhưng có nguy cơ biến chứng trong cuộc mổ thì phải ký cam kết chấp nhận mọi tình huống xấu nhất xảy ra.

Hoặc khi chụp CT có tiêm cản quang có xác suất gây sốc, thậm chí tử vong trong lúc thực hiện, nhân viên y tế cần giải thích rõ về lợi và hại, tác dụng không mong muốn của thuốc để bệnh nhân ký cam kết trước khi thực hiện.

Trong khi đó, việc người dân không đồng ý tiêm ngừa phải ký cam kết chịu trách nhiệm là chuyện trước giờ chưa có, kể cả với các chương trình tiêm chủng mở rộng.

Không tiêm vaccine phải ký cam kết, chịu trách nhiệm: Chuyên gia nói gì?-2

Khi thời điểm dịch căng thẳng và gây hậu quả nặng nề, nhiều phụ huynh chủ động đưa con em đi tiêm vaccine (Ảnh: Hoàng Lê).

TS.BS Toàn cho rằng, người dân TPHCM hiện nay hầu hết đã tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, hoặc đã từng nhiễm bệnh, hay chưa đến thời điểm tiêm mũi nhắc lại. "Nhiều người lo ngại những lần trước bị dị ứng, ngứa, lên huyết áp, bác sĩ có chịu hay không thì mình rất khó trả lời. Không thể ép người dân tiêm vaccine, chỉ có thể đưa ra lời khuyên, khuyến cáo" - TS.BS Toàn nói.

Chuyên gia dẫn chứng lại thời điểm 8-9 tháng trước, người dân ùn ùn đi tiêm vaccine mà không cần ai ép buộc, vì thấy được hậu quả nặng nề của dịch bệnh. Ngoài ra khi dịch căng thẳng, cơ quan chức năng áp dụng các biện pháp phong tỏa, hạn chế di chuyển cũng là một yếu tố thúc đẩy người dân phải tiêm chủng để có "thẻ xanh Covid".

Hiện tại khi dịch đã cơ bản được kiểm soát ổn, cuộc sống trở lại bình thường, rất khó để chứng minh một người có làm lây lan dịch bệnh hay không, vì mầm bệnh đã tồn tại, len lỏi trong cộng đồng từ lâu.

Không tiêm vaccine phải ký cam kết, chịu trách nhiệm: Chuyên gia nói gì?-3

Chuyên gia cho rằng không thể "ép" người dân tiêm vaccine, chỉ có thể đưa ra lời khuyên, khuyến cáo" (Ảnh: Hoàng Lê).

TS.BS Toàn cho rằng, với những người cao tuổi, có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch, có nhiều yếu tố nguy cơ và những mũi tiêm trước đó không gây ảnh hưởng về sức khỏe thì hãy tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4, bởi đối tượng này khi mắc Covid-19 có nguy cơ chuyển nặng.

Riêng với nhóm người trẻ và đã tiêm đủ mũi cơ bản thì có thể cân nhắc 6 tháng đến một năm sau đó tiêm lại, nếu muốn có kháng thể bền vững.

"Việc người dân không tiêm mũi nhắc lại chủ yếu vì ngại tác dụng phụ chứ không có lý do gì khác" - TS.BS Toàn khẳng định và cho rằng không nên áp đặt việc tiêm vaccine vì có thể gây ra phản ứng ngược.

Không tiêm vaccine phải ký cam kết, chịu trách nhiệm: Chuyên gia nói gì?-4

Những người cao tuổi, có bệnh lý nền, người suy giảm miễn dịch nên tiêm vaccine mũi 4 để tránh nguy cơ chuyển nặng khi nhiễm bệnh (Ảnh minh họa: Hoàng Lê).

Đưa ra thông điệp nhưng phải cho mọi người lựa chọn

Đồng tình với quan điểm trên, một bác sĩ có nhiều năm công tác trong lĩnh vực khám và chữa bệnh trẻ em, hiện công tác tại đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cho biết, đứng ở góc độ quản lý Nhà nước, Bộ Y tế rất sợ đại dịch sẽ lại gây những hậu quả khủng khiếp, nên các chính sách được ban hành suy cho cùng là để người dân tiêm vaccine đầy đủ, giữ vững miễn dịch cộng đồng.

Nhưng về mặt pháp luật, chích ngừa là tự nguyện. Khi bác sĩ muốn điều trị, muốn tiêm vào người bệnh nhân phải xin phép và được họ đồng ý.

"Nhiều người dân nói với tôi đã tiêm 3 mũi và nhiễm bệnh rồi, giống như có 4 mũi tiêm rồi thì có cần chích nữa không. Đây là câu hỏi khó trả lời, bởi không thể nói chính xác rằng kháng thể sẽ tồn tại trong bao lâu" - bác sĩ phân tích.

Không tiêm vaccine phải ký cam kết, chịu trách nhiệm: Chuyên gia nói gì?-5

Chuyên gia cho rằng dù khuyến cáo, truyền tải thông điệp tiêm vaccine nhưng phải cho mọi người cơ hội lựa chọn (Ảnh: Hoàng Lê).

Cũng theo vị này, trên thế giới có nhiều trường phái khác nhau trong việc đồng thuận và từ chối tiêm vaccine. Tại TPHCM, thực tế có những y bác sĩ gặp triệu chứng bất lợi ở những đợt tiêm trước, từ chối tiêm mũi 3, mũi 4.

Chuyên gia cho rằng, thay vì yêu cầu người dân cam kết chịu trách nhiệm, cách tốt nhất để kêu gọi họ tiêm là đưa ra bằng chứng thuyết phục về lợi ích tiêm ngừa. Vì Covid-19 liên tục xuất hiện các biến chủng mới, nhiễm bệnh rồi vẫn có khả tái nhiễm.

"Khi chích ngừa, người dân sẽ tăng khả năng ngừa được nhiều chủng hơn. Chúng ta truyền tải thông điệp nhưng phải cho mọi người cơ hội lựa chọn, vì đó là tính mạng của họ" - chuyên gia phân tích.