Thai phụ là em Thào Thị X, 17 tuổi trú tại xã Phan Thanh, được người nhà đưa đến TTYT huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng chiều ngày 13/7/2022.
Tuổi thai của thai phụ đang ở tháng thứ 9, tuy nhiên em X. không khám thai định kỳ. Theo lời người nhà, sản phụ đau bụng, đẻ tại nhà, nhưng không đẻ được, ngất 2 lần, thấy vậy người nhà đưa bệnh nhân đi bệnh viện.
Bệnh nhân nhập viện trong trạng thái lơ mơ, mạch nhanh, huyết áp 170/100mmHg, qua thăm khám thấy tử cung đã mở hết, vẫn còn tim thai.
Thày thuốc thăm khám cho sản phụ tại Khoa Hồi sức cấp cứu. Ảnh: Dương Lãnh
Bệnh nhân được chẩn đoán sản giật nặng, thầy thuốc tiến hành hội chẩn, bệnh nhân được đưa ngay lên phòng mổ cấp cứu và sinh bé gái nặng 2.800g, có tình trạng ngạt trắng và được chuyển ngay Khoa nhi để cấp cứu.
Sau mổ, sản phụ tiếp tục được điều trị tích cực tại khoa hồi sức cấp cứu, sau 1 ngày điều trị, sản phụ tỉnh, tiếp xúc tốt, huyết áp 120/80mmHg.
BS Lãnh Văn Dưỡng, Trưởng Khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế Bảo Lạc, Cao Bằng cho biết: Bất kỳ thai phụ nào cũng đều có nguy cơ đối diện với biến chứng sản khoa nguy hiểm đến cả tính mạng mẹ và thai nhi vì sản giật.
Vì vậy, phụ nữ mang thai cần được khám thai định kỳ tại các cơ sở y tế nhằm phát hiện sớm, bác sĩ sẽ đưa ra những biện pháp ngăn ngừa, can thiệp kịp thời, đảm bảo an toàn sức khỏe cả mẹ và thai nhi.
Những lưu ý giúp phụ nữ mang thai ngừa biến chứng sản giật
SKĐS - Thực hiện những thay đổi nhỏ với chế độ ăn uống và lối sống cũng có thể giúp giảm nguy cơ mắc tiền sản giật.