Trang Chủ > Sức khỏe > Không chủ quan với chấn thương thể thao

Không chủ quan với chấn thương thể thao

Quân đội nhân dân
11/07/2022 08:08:50

Thể thao luôn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức khỏe của con người. Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập, nhiều người không may bị chấn thương. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức , các bác sĩ tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp chấn thương do chơi thể thao, trong đó nhiều nhất ở lứa tuổi từ 20 đến 35 (chiếm tới 70-80%). Các môn thể thao hay gặp chấn thương nhất là: Bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ, tennis, những môn đối kháng vật bị chệch khớp vai, thậm chí là chạy bộ, đi xe đạp... Mới đây, tại buổi khám, chữa bệnh miễn phí cho bệnh nhân chấn thương do thể thao tại bệnh viện, PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó giám đốc bệnh viện, Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao chia sẻ, chấn thương thể thao nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ trở thành mạn tính, khó phục hồi. Nếu để tình trạng này kéo dài sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống, ảnh hưởng đến chức năng vận động bình thường của người bệnh. Do đó, bác sĩ nhấn mạnh khi người bệnh có những biểu hiện như: Đau, lỏng khớp, hạn chế hoạt động thể thao và sinh hoạt cần đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để khám, tư vấn và điều trị kịp thời.

Không chủ quan với chấn thương thể thao-1

Bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho một bệnh nhân chấn thương do chơi thể thao.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết thêm, Khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao vừa tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân N.N.Q, 38 tuổi, đau cổ chân do chơi bóng đá, đau dai dẳng kéo dài sau chấn thương một năm. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy hình ảnh tổn thương sụn xương sên ở cổ chân. Xương sên là loại xương nhỏ ở phần cổ chân, nằm giữa xương chày và xương bàn chân; là một xương dị thường trên cơ thể con người do những cấu tạo đặc biệt của nó. Người gặp chấn thương xương sên sẽ rất khó khăn khi vận động. Vùng cổ chân có thể bị sưng tấy, khó cử động khớp cổ chân linh hoạt. Bệnh nhân được các bác sĩ tiến hành mổ nội soi, điều trị tổn thương. Sau mổ hết đau, biên độ vận động được cải thiện, sau vài tuần bệnh nhân có thể quay trở lại sinh hoạt bình thường. Cũng cách đây không lâu, Khoa Phẫu thuật chi trên và y học thể thao đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ 24 tuổi, bị lật cổ chân khi chơi cầu lông cách đó hai năm, nhưng do không điều trị đúng cách dẫn đến lỏng khớp cổ chân, thường xuyên bị sưng nề, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chơi thể thao. Sau khi được hướng dẫn điều trị đúng, bệnh nhân gần như khỏi hoàn toàn.

PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh khuyến cáo, qua thăm khám nhiều trường hợp chấn thương thể thao có một đặc điểm chung là bệnh nhân biết có tổn thương do chơi thể thao nhưng vẫn "chịu đựng được" nên đã không khám và quá ham mê thể thao nên cố chơi! "Với khớp lỏng lẻo lại vận động mạnh càng khiến người bệnh tăng nặng viêm, thoái hóa và tăng tiết dịch. Những trường hợp này tiên lượng sẽ thoái hóa sớm, đau nhiều, dễ dàng biến dạng chi dẫn đến chân cong, không duỗi được hết gối hoặc không gấp được gối. Không ít bệnh nhân dù rất trẻ 25-26 tuổi khi đến khám xương khớp đã như người già do trước đó từng bị chấn thương ở khớp gối và khớp cổ chân", PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết.

Để tránh tập luyện quá sức dẫn đến những chấn thương hoặc tai nạn không đáng có, PGS, TS Nguyễn Mạnh Khánh tư vấn, người dân cần chơi thể thao dựa theo khả năng và thể trạng của mỗi người. Nếu thừa cân, béo phì không thể chơi môn thể thao với cường độ cao như đá bóng mà nên chọn môn bơi, đi bộ và từ từ tập tăng dần. Đối với những bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp thì phải có chỉ định ngặt nghèo của bác sĩ về môn thể thao phù hợp cũng như cường độ chơi...

Bài và ảnh: HÀ VŨ