Vượt trùng khơi đến với Bạch Long Vĩ - hòn đảo xa bờ nhất trên vịnh Bắc Bộ, du khách không chỉ tận hưởng vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ mà còn thêm yêu mến, tự hào bởi những con người bình dị giữa biển Đông bao la.
Ảnh minh họa
Khác với những hòn đảo nổi tiếng của vùng biển Đông Bắc như Cát Bà (Hải Phòng), Quan Lạn, Cô Tô (Quảng Ninh)… huyện đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) vẫn là một cái tên có phần lạ lẫm. Đảo nằm ở trung tâm của vịnh Bắc Bộ, cách đất liền của TP. Hải Phòng 133 km, mất khoảng 6-7 giờ tàu di chuyển.
Sóng gió trùng khơi khiến Bạch Long Vĩ vẫn còn nhiều điều chưa được khám phá. Đảo có diện tích gần 2 km2 khi thủy triều lên và hơn 3 km2 khi thủy triều xuống, đường bộ quanh đảo khoảng 5km.
Vị trí địa lý đặc biệt giúp Bạch Long Vĩ nằm giữa 1 trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ với diện tích trên 1.500 hải lý vuông, nguồn hải sản dồi dào, hệ sinh thái biển phong phú, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao, đặc hữu, quý hiếm như bào ngư.
Người dân trên đảo chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác, chế biến và hậu cần nghề cá. Mỗi buổi sớm, trên bến dưới thuyền xôn xao, những mẻ cá, mực, cua, ghẹ tươi rói đưa lên đảo, theo các con tàu về bờ.
Từ 62 thanh niên xung phong của Tổng đội Thanh niên xung phong TP. Hải Phòng tới sinh sống và làm việc trên đảo năm 1993, hiện nay dân số Bạch Long Vĩ đã có gần 700 người, bao gồm ngư dân, lực lượng vũ trang và các đơn vị chức năng.
Vượt qua bộn bề khó khăn thiếu thốn, sau 30 năm, quân và dân huyện đảo chung sức đồng lòng, xây dựng Bạch Long Vĩ ngày càng vững chắc nơi phên dậu. Hàng loạt công trình hạ tầng đã làm đổi thay diện mạo huyện đảo, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội của bà con ngư dân.
Hệ thống âu tàu, cầu cảng… ở Bạch Long Vĩ đáp ứng khoảng gần 2.000 lượt tàu thuyền tránh trú bão, mua bán, trao đổi hải sản, cung ứng lương thực thực phẩm, xăng dầu, nước ngọt. Đây là điểm đến quen thuộc của hàng nghìn ngư dân tàu cá từ khắp các địa phương trong cả nước.
Trường học, trung tâm y tế quân dân y, nhà văn hóa, quảng trường, công viên… đáp ứng cơ bản nhu cầu của người dân. Bên cạnh các dịch vụ cho hậu cần nghề cá, Bạch Long Vĩ chưa có cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch.
Tiềm năng du lịch của huyện đảo dường như chưa được “đánh thức”. Một trong những điểm đến ấn tượng nhất là Hải đăng Bạch Long Vĩ trên đỉnh núi, từ đây có thể phóng tầm mắt ra bao la biển Đông, ngắm toàn cảnh “đuôi rồng trắng” trong ánh nắng bình minh, hoàng hôn.
Chùa Bạch Long, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo,… kề bên sóng, là điểm tựa tâm linh quan trọng của người dân. Đảo còn sở hữu những bãi cát trắng hoang sơ, sóng vỗ bạc đầu, những rặng xương rồng, rạn san hô kỳ thú…
Đảo Bạch Long Vĩ không chỉ có vị trí đặc biệt nơi tiền tiêu của Tổ quốc mà còn giữ vai trò trọng yếu trong chiến lược phát triển kinh tế biển của TP. Hải Phòng.
Định hướng trở thành một trung tâm về dịch vụ hậu cần nghề cá và cứu hộ cứu nạn trên biển của cả vùng và cả nước, huyện đảo đang tập trung xây dựng, nâng cấp các công trình hạ tầng, đặc biệt là tuyến đường trên đảo, cảng và khu neo đậu tàu phía Tây Nam, Tây Bắc…
Các công trình hồ chứa nước ngọt; dự án điện năng lượng gió, năng lượng mặt trời kết hợp với điện máy phát diezen… cũng được đầu tư hoàn thiện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Với những con tàu mới, ngày càng đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách thuận tiện, hiện đại hơn, Bạch Long Vĩ đang ngày càng gần hơn với đất liền, mở ra nhiều cơ hội để du khách tới đây, khám phá hòn đảo tiền tiêu phên dậu của Tổ quốc
Nguồn Tin: