Ảnh minh họa: Nguyễn Thành/TTXVN
Dự án tập trung vào việc giảm ô nhiễm nhựa, tăng cường hợp tác nghiên cứu, giúp xác định các phương pháp tiếp cận mới trong việc giải quyết vấn đề về rác thải nhựa trên toàn quốc.
Từ mô hình hợp tác thành công để nhân rộng
Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa tại Việt Nam là sáng kiến của Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia, hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia với Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Trung tâm được xây dựng dựa trên mô hình hợp tác thành công của Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Australia-Indonesia.
Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa trên biển, Chính phủ Việt Nam cam kết giảm 75% rác thải nhựa ra biển vào năm 2030; xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về chất thải nhựa đại dương... Vì vậy, Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam - Australia giúp tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan, thúc đẩy đầu tư, thu hút các nguồn tài trợ mới và tăng cường năng lực đổi mới sáng tạo nhằm xác định các cơ hội công nghệ cao để giải quyết rác thải nhựa và biến rác thải nhựa thành các giải pháp thực tiễn trên toàn khu vực. Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam - Australia sẽ tập hợp các học viện, công ty khởi nghiệp, tổ chức phi chính phủ, nhà đầu tư, các nhà sản xuất và chính phủ để cùng nhau giải quyết vấn đề về rác thải nhựa, bằng cách tạo dựng một không gian hợp tác dùng để lập kế hoạch, hỗ trợ và mở rộng quy mô các giải pháp công nghệ cao có tác động sâu rộng giải quyết vấn đề rác thải nhựa.
Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam-Australia được xây dựng với mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra vật liệu thay thế nhựa một cách khả thi; thúc đẩy hệ thống phân loại, thu gom và tái chế nhựa; thiết lập việc thu thập và cung cấp dữ liệu tin cậy... Cấu trúc của chương trình và lộ trình thực hiện của Trung tâm được thiết kế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nâng cao kỹ năng cho doanh nhân Việt Nam, hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cũng như hỗ trợ hành trình tăng trưởng của các dự án kinh doanh mạo hiểm trong giai đoạn đầu; đồng thời tạo điều kiện và tạo động lực cho các thị trường tự duy trì một cách đa dạng, khuyến khích sự hợp tác giữa các nhà nghiên cứu, tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp... thông qua các hoạt động khởi xướng, xây dựng và phát triển các giải pháp thay đổi quan điểm về chất thải nhựa.
Ngoài ra, Chương trình Aus4Innovation tổ chức các hội thảo để tạo cơ hội cho các bên liên quan chia sẻ kiến thức và xác định các lĩnh vực ưu tiên, từ đó cung cấp kiến thức chuyên môn cũng như đóng góp vào cơ cấu vận hành và tạo cơ hội hợp tác với Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa tại Việt Nam.
Giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa tại Việt Nam
Các chuyên gia môi trường cho rằng, ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa đã trở thành vấn đề cấp bách trên toàn cầu và được chính phủ các quốc gia, tổ chức quốc tế, nhà khoa học và người dân trên toàn thế giới quan tâm. Rác thải nhựa là một trong những đe dọa lớn nhất của đại dương, đã và đang phá hoại hoạt động kinh tế-xã hội tại các vùng biển và vùng bờ biển như du lịch, nghỉ dưỡng, môi trường, sức khỏe và sự an toàn của con người… Trên toàn cầu, 75% lượng nhựa sản xuất ra đang trở thành rác thải, vì vậy các chuyên gia, nhà khoa học Australia sẽ tìm kiếm những giải pháp đổi mới sáng tạo để giải quyết vấn đề rác thải nhựa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông qua việc ra mắt Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa tại Việt Nam.
Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa tại Việt Nam sẽ kết nối hợp tác giữa các bên liên quan và đẩy mạnh vai trò của khoa học và đổi mới sáng tạo.
Trong những năm qua, đã có nhiều tuyên bố khu vực kêu gọi cần có hành động toàn cầu có tính pháp lý cao để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa đại dương như: Thỏa thuận toàn cầu chống lại rác thải nhựa đại dương và hạt vi nhựa; Tuyên bố Bangkok và Khung hành động chống lại rác thải nhựa đại dương; thỏa thuận toàn cầu về nhựa của Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới của Liên minh châu Âu.
Tại Việt Nam, mạng lưới đối tác và các bên liên quan về vấn đề rác thải nhựa đại dương có khoảng 70 dự án và chương trình được thực hiện tại 19/28 tỉnh, thành phố ven biển và các huyện đảo, đã thúc đẩy được sự tham gia, kết nối và hợp tác thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa toàn cầu. Một nghiên cứu về nhựa ở Việt Nam đã được thực hiện trong khuôn khổ cuộc khảo sát về ô nhiễm nhựa toàn cầu lớn nhất của Cơ quan khoa học quốc gia của Australia nhằm xác định khối lượng và phân loại các loại rác cuối cùng thải ra môi trường. Ngoài ra, sự hợp tác khác giữa Australia và Việt Nam cũng đã được lên kế hoạch trong những tháng tới, khi Việt Nam nghiên cứu phát triển kho dữ liệu quốc gia và mở rộng các cuộc khảo sát trên hiện trường liên quan đến rác thải nhựa.
Cố vấn Cơ quan khoa học quốc gia của Australia khu vực Đông Nam Á, Amelia Fyfield cho rằng: Kết nối, hợp tác là chìa khóa để giải quyết thách thức ô nhiễm nhựa toàn cầu. Vì vậy, sự hợp tác xây dựng Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam - Australia nhằm kết nối để sử dụng chuyên môn và năng lực nghiên cứu khoa học uy tín trên toàn cầu hướng tới giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên phạm vi quốc tế. Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam - Australia sẽ tạo ra sự khác biệt bằng cách tập trung vào các sáng kiến đang ở giai đoạn đầu, thiết lập nền tảng và kết nối người tham gia vào mạng lưới hành động chung.
Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Việt Nam - Australia cũng là nơi để thúc đẩy hợp tác giữa các địa phương, chính quyền, doanh nghiệp và các nhà đầu tư để triển khai những dự án hành động cụ thể nhằm giảm thiểu rác thải nhựa. Trung tâm còn đóng vai trò mở rộng mạng lưới trong khu vực, đồng thời kết nối với Trung tâm kết nối đổi mới sáng tạo giảm thiểu nhựa Australia-Indonesia đã ra mắt từ tháng 3/2022.
Giám đốc Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam - Australia, Kim Wimbush cho biết các giải pháp dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sẽ hỗ trợ các mục tiêu của Chính phủ Việt Nam về giải quyết rác thải nhựa và xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn. Việc giảm thiểu rác thải nhựa sẽ mang lại lợi ích cả về kinh tế và môi trường, mở rộng hợp tác ra quy mô khu vực cũng sẽ giúp tìm kiếm các phương pháp tiếp cận mới trong việc giảm rác thải nhựa và hỗ trợ cho cam kết của Việt Nam trong việc giảm 75% lượng rác nhựa thải ra biển vào năm 2030.