Bài viết sau đây giúp bạn đọc hiểu hơn về căn bệnh này.
1. Nguyên nhân hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi là bệnh có tổn thương hoại tử tế bào xương và tủy xương do bị thiếu máu nuôi phần trên chỏm xương đùi. Vùng hoại tử lúc đầu tạo ra các vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, về sau dẫn đến gãy xương dưới sụn, cuối cùng gây xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát và mất chức năng của khớp háng , dẫn đến tàn phế.
Nội dung
1. Nguyên nhân hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
2.Biểu hiện và diễn biến của hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
3. Điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi như thế nào?
4. Phòng ngừa biến chứng hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
Hoại tử chỏm xương đùi tự phát thường gặp nhất ở độ tuổi trung niên, nam thường gặp hơn nữ. Hoại tử xương thứ phát sau chấn thương hoặc các nguyên nhân khác phụ thuộc vào tuổi mắc các bệnh lý nền.
Tổn thương có thể ở một hoặc hai bên khớp háng, khoảng 70% trường hợp tổn thương xảy ra ở một bên. Nghiên cứu cho thấy tình trạng này thường xảy ra do chấn thương, trật khớp hoặc do gãy cổ xương đùi hoặc trật khớp gây chèn ép các mạch máu do tăng áp trong khớp háng . Khả năng hoại tử sau trật khớp háng là 10 – 25% còn trong gãy ổ xương đùi là 11 – 16% . Thông thường hoại tử xuất hiện sau chấn thương khoảng 2 năm và không ảnh hưởng nhiều đến tuổi và giới.
Ngoài ra còn có nguyên nhân do hậu quả của hoạt động thời còn trẻ như: lạm dụng rượu, dùng corticoide liều cao, bệnh khí ép ( thợ lặn, công nhân hầm mỏ), bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh collagen như lupus ban đỏ , ghép cơ quan, viêm ruột, bệnh tắc mạch tự phát. Khoảng 2/3 nguyên nhân không do chấn thương là do quá thừa rượu và corticosteroide.
2.Biểu hiện và diễn biến của hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
Ở giai đoạn sớm, người bệnh có thể không có triệu chứng. Biểu hiện lâm sàng chính là đau khớp háng bên tổn thương, thường xuất hiện từ từ, tăng dần. Đau tăng lên khi đi lại hoặc đứng lâu, giảm khi nghỉ ngơi. Người bệnh thường không có các biểu hiện toàn thân, trừ các triệu chứng của bệnh nền nếu có.
Ở giai đoạn sớm thông thường vận động của khớp háng không bị hạn chế, muộn hơn có thể thấy hạn chế các động tác như xoay – dạng – khép trong khi động tác gấp duỗi thì bình thường. Ở giai đoạn muộn thường có giới hạn vận động khớp háng ở tất cả các động tác.
Người bệnh cần được kiểm tra bằng các chẩn đoán hình ảnh như X-Quang, CT-scan hoặc MRI tùy theo tình trạng của người bệnh mà bác sĩ sau khi khám sẽ có chỉ định phù hợp.
3. Điều trị hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi như thế nào?
Tùy từng giai đoạn, từng người bệnh mà các bác sĩ có những chỉ định khác nhau.
-Ở giai đoạn sớm (trước khi có gãy xương dưới sụn): Mục tiêu là dự phòng hạn chế tối đa bệnh tiến triển nặng lên. Các phương pháp can thiệp chính gồm làm giảm áp lực lên chỏm xương đùi, khoan giảm áp, phẫu thuật lấy xương hoại tử và ghép xương, xoay chỏm xương.
- Nếu ở giai đoạn muộn hơn (đã có gãy xương dưới sụn): Điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng, hướng dẫn chế độ vận động sinh hoạt thích hợp, xem xét phẫu thuật ghép xương.
- Ở giai đoạn muộn (xẹp chỏm xương đùi, thoái hóa thứ phát): Điều trị triệu chứng, xem xét phẫu thuật thay khớp háng bán phần hoặc toàn phần.
Thông thường hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi được các bác sĩ chỉ định điều trị nội khoa bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau. Một số trường hợp cần can thiệp phẫu thuật các bác sĩ sẽ cân nhắc nếu sau thời gian điều trị tích cực các triệu chứng không thuyên giảm và có các dấu hiệu khớp háng không còn chức năng.
Điều trị không dùng thuốc cũng được coi là giải pháp hỗ trợ với mục đích chủ yếu là:
- Loại bỏ các yếu tố nguy cơ: Bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, tránh hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng corticosteroid nếu có thể.
- Giảm chịu lực chân đau: Người bệnh nên giảm hoạt động hoặc dùng nạng hoặc dụng cụ hỗ trợ đi lại để giúp chỏm xương đùi hạn chế chịu lực, giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
- Sau phẫu thuật người bệnh phải được làm phục hồi chức năng với mục tiêu: Làm giảm lực tì đè lên vùng tổn thương.
- Tập vận động thụ động, tập vận động có trợ giúp, tập vận động chủ động khớp háng trước và sau phẩu thuật khi có chỉ định. Giúp cải thiện chức năng vận động khớp, tránh biến chứng co rút khớp. Tập cho người bệnh đi lại và tái hòa nhập cộng đồng (đảm bảo công ăn việc làm, học tập, công tác đảm bảo cuộc sống của người bệnh).
- Có thể áp dụng các phương pháp điều trị không dùng thuốc cho giai đoạn trước và sau phẩu thuật thay khớp háng như: Điện châm (có kim) hoặc điện châm (không kim), cấy chỉ, thủy châm, laser châm, xoa bóp bấm huyệt , dưỡng sinh…
- Điều trị vật lý trị liệu: Hồng ngoại, paraphin, siêu âm, sóng ngắn, điện phân, điện xung, giao thoa, chườm đá,…
Ngoài ra, người bệnh cần được phối hợp điều trị với chế độ sinh hoạt đảm bảo việc điều trị được thực hiện tích cực. Các phương pháp điều trị không dùng thuốc thường được chỉ định giúp giảm thời gian điều trị và sử dụng các thuốc kéo dài cho người bệnh, mang lại hiệu quả tích cực. Đồng thời việc điều trị được theo dõi hằng ngày bởi các bác sĩ sẽ giúp người bệnh kiểm soát tình trạng bệnh một cách tốt nhất.
4. Phòng ngừa biến chứng hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi
Sau phẫu thuật người bệnh phải được làm phục hồi chức năng với mục tiêu: Làm giảm lực tì đè lên vùng tổn thương. Tập vận động thụ động, tập vận động có trợ giúp, tập vận động chủ động khớp háng trước và sau phẩu thuật khi có chỉ định. Giúp cải thiện chức năng vận động khớp, tránh biến chứng co rút khớp.
Để phòng ngừa hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi đòi hỏi phải loại bỏ các yếu tố nguy cơ, trong đó bên cạnh các yếu tố bệnh nghề nghiệp thì cần bỏ thuốc lá, tránh rượu bia, tránh hoặc hạn chế tối đa việc sử dụng corticosteroid nếu có thể. Giảm chịu lực chân đau: Người bệnh nên giảm hoạt động hoặc dùng nạng hoặc dụng cụ hỗ trợ đi lại để giúp chỏm xương đùi hạn chế chịu lực, giúp làm chậm quá trình tiến triển của bệnh.
Hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi làm cho chỏm xương đùi bị hoại tử do thiếu máu nuôi. Vùng hoại tử lúc đầu chỉ thấy là vùng thưa xương, các ổ khuyết xương, dần dần sẽ dẫn đến gãy xương dưới sụn và giai đoạn cuối cùng là gây xẹp chỏm xương đùi, dẫn đến hậu quả người bệnh không còn chức năng bình thường của khớp háng, trở nên tàn phế.
Đây là căn bệnh diễn biến âm thầm cho đến khi chúng ta bắt đầu cảm nhận được cảm giác đau ở khớp háng bị tổn thương thì đồng nghĩa bệnh đã tiến triển đến giai đoạn trung bình trở lên. Một số trường hợp người bệnh không có triệu chứng đầu tiên đau tại khớp háng mà trong giai đoạn sớm người bệnh có cảm giác đau khớp gối cùng bên khớp háng bị tổn thương, chính vì thế khi có các biểu hiện nghi ngờ cần tới cơ sở y tế có chuyên khoa xương khớp để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Mời độc giả xem thêm video:
Bệnh đậu mùa khỉ: Hiểu đúng về vaccine và thuốc điều trị