Hành trình tìm con viên mãn của người đàn ông bị liệt
Có mặt tại buổi công bố và trao quyết định "10 ca thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100% và các chương trình xét duyệt miễn phí khác" cho các trường hợp bệnh nhân đủ điều kiện vừa diễn ra, vợ chồng anh Trần Văn Đức và chị Doãn Thị Thu Hoài, sinh năm 1987, quê ở Tân Thành, Kim Sơn, Ninh Bình đã kể lại hành trình 'tìm con viên mãn của người đàn ông bị liệt từng muốn tìm cái chết'...
Lấy vợ được gần một năm, chưa kịp có con thì anh Đức bị tai nạn, liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Hai năm bị liệt, anh chỉ nằm một chỗ, được vợ chăm không khác gì một đứa trẻ. Vì thế, anh cũng không dám nghĩ có một ngày mình có thể tự đi lại dù khó khăn và đặc biệt có hai thiên thần nhỏ. Hai vợ chồng kết hôn vào năm 2014, dù thả nhưng mãi vẫn không thấy có tin vui.
Hai thiên thần nhỏ của gia đình anh Đức chị Hoài hiện đã được một tuổi
Và rồi sau 10 tháng kết hôn, ước mơ về một gia đình trọn vẹn tưởng chừng như đã đóng lại khi anh Đức không may bị tai nạn lao động, bị đa chấn thương, dẫn đến liệt hoàn toàn từ cổ trở xuống. Anh cũng bị hỏng một bên mắt, không nhìn thấy gì.
Nhớ những tháng ngày điều trị tại Bệnh viện Việt Đức, khi đó bác sĩ thông báo với gia đình 90% anh bị liệt chỉ ngồi được xe lăn. Lúc đó, nghĩ đến tương lai đen tối, anh đã có ý nghĩa buông xuôi. Anh chỉ ước mình có thể tự bò được đến bảng điện để chấm dứt cuộc sống, để giải thoát cho vợ và cũng cho bản thân mình.
Chị Hoài cho biết thêm, thời điểm đấy mới cưới, hai vợ chồng kinh tế không có, đột nhiên chồng bị tai nạn như thế chị bị sốc. Năm đầu tiên là giai đoạn quan trọng nhất để phục hồi nên chị cũng nỗ lực hết sức để động viên chồng. Hằng ngày đều đặn chị xoa bóp cho chồng, dìu anh đứng lên, đứng vào tường bám, rồi dìu đi lại.
"Mình cũng nghĩ vợ chồng là cái duyên, nên dù thế nào vẫn cố hết sức, hy vọng một ngày chồng đứng lên đi được. Có lúc chồng chán, gắt gỏng lúc đấy mình bảo chồng không việc gì phải để ý người khác nói gì, em không bỏ anh thì anh không cần để ý"- chị Hoài chia sẻ.
Suốt thời gian 2 năm nằm một chỗ, anh Đức may mắn luôn có vợ ở bên và gia đình hai bên nội ngoại hỗ trợ rất nhiều. Hiện tại anh có thể cử động, đứng lên đi lại dù khó khăn và làm một số sinh hoạt bình thường như cầm đũa.
"Tôi có được ngày hôm nay nhờ rất nhiều vào sự động viên của vợ, sự hỗ trợ của gia đình hai bên nội ngoại. Khi anh bắt đầu đi lại được, vợ chồng tôi lại một lần nữa tính đến chuyện có con. Cả hai đã đi khám tổng quát, bác sĩ thông báo chức năng sinh sản bình thường"- Anh Đức kể lại.
Đầu năm 2020, hai vợ chồng anh chị cũng đến Bệnh viện để bơm tinh trùng nhưng không thành công. Khi đó, cả hai vợ chồng không dám nghĩ đến làm thụ tinh trong ống nghiệm vì tốn kém. Trước đó anh bị tai nạn, bảo hiểm không có, chi phí điều trị lên đến cả trăm triệu, chưa kể suốt quãng thời gian qua cả gia đình dồn tiền để phục hồi chức năng cho anh.
Giữa giai đoạn khó khăn ấy, anh chị đã nhận được món quà bất ngờ là gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm trong Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2020 của bệnh viện. Ngay lần chuyển phổi đầu tiên, chị Hoài đã mang bầu. Sau đó chị sinh thường hai bé trai, đặt tên là Trần Minh Nhật và Trần Nhật Minh.
Mắc hội chứng buồng trứng đa nang, nhưng người phụ nữ dân tộc Tày đã hạnh phúc được làm mẹ
Chị Nông Thị Quỳnh (sinh năm 1995) và anh Ma Văn Toàn (sinh năm 1990), người dân tộc Tày (xã Hùng Mỹ, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) kết hôn, hai vợ chồng không kế hoạch nhưng mãi không có tin vui.
-
Vỡ òa niềm hạnh phúc được làm cha của người đàn ông vô sinh thứ phát 23 năm
-
Ngày càng nhiều người trẻ vô sinh, hiếm muộn
-
COVID-19 có gây vô sinh ở nam giới hay không?
Đi thăm khám hiếm muộn, chị Quỳnh được chẩn đoán mắc hội chứng buồng trứng đa nang - một trong những nguyên nhân gây vô sinh phổ biến ở nữ giới. Sau đó, gia đình anh chị bắt đầu hành trình tìm con đầy gian nan. Hai vợ chồng cố gắng tích góp, dành dụm được bao nhiêu đều dùng để cắt thuốc mong sớm có con.
Nhưng may mắn vẫn chưa mỉm cười với anh Toàn và chị Quỳnh khi những thang thuốc không có tác dụng, hai lần thực hiện IUI cũng thất bại.
Sau những lần điều trị thất bại, tưởng chừng như hành trình phải tạm gác lại vì kinh tế khó khăn. Anh chị đều làm công nhân, ba anh Toàn mất sớm, nhà neo người nên kinh tế gia đình đều do hai vợ chồng cáng đáng. Do đó, chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm vượt quá khả năng của đôi vợ chồng.
Tháng 7/2020, biết đến chương trình Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc của Bệnh viện nhằm hỗ trợ các gia đình hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn, hai vợ chồng quyết định xuống Hà Nội để nộp hồ sơ tham gia và may mắn trở thành 1 trong 10 gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhận được gói hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Niềm vui của một cặp vợ chồng khi được nhận gói hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm miễn phí 100%
Ngay lập tức, vợ chồng anh bắt đầu quá trình điều trị tại Bệnh viện và hai tháng sau, hạnh phúc đã mỉm cười khi chị Quỳnh đã đậu thai ngay ở lần chuyển phôi đầu tiên. Vào ngày 15/06/2021, bé Voi và Thỏ (cân nặng 2,6kg/bé) của đôi vợ chồng người dân tộc Tày chào đời trong niềm vui sướng không gì sánh được của gia đình.
Khát khao có con nhưng với nhiều cặp vợ chồng "hiếm muộn", vấn đề kinh tế là một rào cản vô cùng lớn. Bởi vậy, với nhiều cặp vợ chồng, được nhận hỗ trợ miễn phí 100% chi phí thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm khi nộp hồ sơ đăng ký xét duyệt trong chương trình "Tuần lễ vàng ươm mầm hạnh phúc 2022 – Trao yêu thương, nhận hạnh phúc" là một niềm hạnh phúc vô bờ bến.
Năm 2022 là năm thứ 4 liên tiếp bệnh viện hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm hoàn toàn miễn phí (bao gồm chi phí xét nghiệm, kích trứng, chọc trứng, tạo phôi, trữ phôi, chuyển phôi…, tương đương 100 triệu đồng tùy từng trường hợp) cho các cặp vợ chồng khó khăn. Trong các ca được thụ tinh ống nghiệm miễn phí từ năm 2019 đến nay, 85% các gia đình đã có tin vui và sinh con khỏe mạnh, các gia đình còn lại đang chờ chuyển phôi cũng như nhận được sự hỗ trợ tối đa từ bệnh viện.