Trang Chủ > Sức khỏe > Hà Nội:Hiệu quả chiến dịch vận động lồng ghép dịch vụ chất lượng cao dân số

Hà Nội:Hiệu quả chiến dịch vận động lồng ghép dịch vụ chất lượng cao dân số

Kinh Tế Đô Thị
12/07/2022 08:44:34

Nhiều địa phương tích cực vào cuộc

Những ngày qua, gần 200 người dân trên địa bàn quận Hoàn Kiếm vui mừng, phấn khởi khi được Trung tâm Y tế (TTYT) quận cùng các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn Hà Nội khám sàng lọc miễn phí ung thư vú, khám phụ khoa, siêu âm, xét nghiệm máu nhân ngày Dân số thế giới 11/7.

Hiện nay, quận Hoàn Kiếm có dân số trung bình toàn quận là 139.670 dân, số sinh hàng năm ở ngưỡng hơn 2.195 trẻ/năm... Công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) luôn được xác định là bộ phận quan trọng của chiến lược phát triển quận, là giải pháp cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của mỗi người dân, gia đình và cộng đồng.

Hà Nội:Hiệu quả chiến dịch vận động lồng ghép dịch vụ chất lượng cao dân số-1

Quận Hoàn Kiếm tổ chức khám sàng lọc (khám tuyến vú, khám phụ khoa, siêu âm và xét nghiệm máu) cho chị em phụ nữ trên địa bàn.

Quận Hoàn Kiếm tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đến các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức và tầng lớp Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển, nâng cao chất lượng dân số, mọi tầng lớp Nhân dân, mọi độ tuổi đều được quan tâm, chăm sóc.

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn kiếm  Nguyễn Quốc Hoàn cho biết, những năm qua, Ban Chỉ Đạo công tác Dân số quận Hoàn Kiếm xác định trọng tâm của công tác dân số là “Nâng cao chất lượng dân số”. Song song với việc chăm sóc sức khỏe (CSSK) sinh sản cho phụ nữ và nam giới trong độ tuổi sinh sản là CSSK cho người cao tuổi, vị thành niên, thanh niên tiền hôn nhân, mũi nhọn là các chương trình khám sàng lọc tại các trường mầm non, mẫu giáo, nhóm trẻ tư thục trên địa bàn.

Mô hình CSSK người cao tuổi tại cộng đồng đã hỗ trợ giúp người cao tuổi trên địa bàn có cơ hội giao lưu, học hỏi kiến thức và được tư vấn, CSSK. Chiến dịch khám sức khỏe người cao tuổi, học sinh, vị thành niên phụ nữ, nam giới trong độ tuổi sinh sản đã được triển khai với sự phối hợp của những chuyên gia đầu ngành tại các bệnh viện Trung ương và Hà Nội. Nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần xây dựng quận Hoàn Kiếm nói riêng và Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững.

Tại quận Cầu Giấy, để cung cấp dịch vụ kĩ thuật cao và có chất lượng, TTYT quận Cầu Giấy phối hợp với Bệnh viện Ung bướu Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Medlatec để thực hiện các dịch vụ khám sàng lọc, xét nghiệm mỡ máu (Trigliceride, cholesterol, HDL,LDL), viêm gan B, C (test), phát hiện sớm ung thư tuyến vú (CA15-3)... Chiến dịch cung cấp dịch vụ kỹ thuật về dân số góp phần phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về dân số năm 2022. Mức giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 0,01 %; tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 85%, sàng lọc sơ sinh là 87%; 60% tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai lâm sàng, chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh...

Còn tại quận Bắc Từ Liêm, trước chiến dịch cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, TTYT quận Bắc Từ Liêm đã tổ chức nói chuyện chuyên đề tại 13 phường, thu hút được sự quan tâm của chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ từ 15- 49 tuổi.

Chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép dịch CSSKSS/KHHGĐ cho chị em phụ nữ nhằm thực hiện đồng bộ các kỹ thuật. Đơn cử như: khám, điều trị các bệnh phụ khoa thông thường, khám vú; siêu âm tử cung, phần phụ; siêu âm ổ bụng, tuyến vú, tuyến giáp; đặt, tháo dụng cụ tử cung; xét nghiệm tế bào âm đạo; soi tươi, nhuộm soi; soi cổ tử cung; xét nghiệm máu; tư vấn, hướng dẫn sử dụng những biện pháp tránh thai và phòng, chống các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, trước, trong thời gian diễn ra chiến dịch, đặc biệt là những ngày cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ, nhiều chị em phụ nữ đã đến trạm y tế phường để được tư vấn, nhận cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về tránh thai hiện đại, siêu âm. Trong chiến dịch có 7 ca đặt vòng, 1.322 ca khám phụ khoa, phát hiện số người mắc bệnh phụ khoa 396, siêu âm 691 ca... Kết quả của chiến dịch đã đạt được 100% chỉ tiêu đề ra, đạt 60% chỉ tiêu thực hiện cả năm.

Hà Nội:Hiệu quả chiến dịch vận động lồng ghép dịch vụ chất lượng cao dân số-2

Chiến dịch truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình tại quận Bắc Từ Liêm.

Chiến dịch truyền thông và cung cấp dịch vụ CSSKSS/KHHGĐ được triển khai hàng năm tại các phường trên địa bàn quận là cơ hội cho chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ được tiếp cận với các thông tin và các dịch vụ về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Đây là một trong những giải pháp hiệu quả, góp phần tích cực trong việc ổn định dân số, nâng cao nhận thức về CSSKSS cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và là nền tảng thiết thực để hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn quận.

Từng bước nâng cao chất lượng dân số

Chi cục trưởng Chi cục DS - KHHGĐ Hà Nội Tạ Quang Huy cho biết, thời gian qua, công tác dân số Thủ đô đã đạt được những kết quả nhất định. Hà Nội đã đạt mức sinh thay thế tuy nhiên để hoàn thành các chỉ tiêu dân số. Trong 6 tháng đầu năm năm 2022, tỷ lệ giảm sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn TP đạt 7,2% (giảm 321 trẻ tương đương giảm 0,4% trẻ so với cùng kỳ, năm 2021 là 7,6%). Tỷ số giới tính khi sinh còn ở mức cao 113 trẻ trai/100 trẻ gái, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (112,7 trẻ trai/100 trẻ gái). Tỷ lệ sàng lọc trước sinh đạt 84,24%, tăng so với cùng kỳ năm 2021 (83,93%), sàng lọc sơ sinh 89,17% tăng so với cùng kỳ năm 2021 (88,15%). Tổng số người sử dụng biện pháp tránh thai mới 6 tháng đầu năm 2022 là 405.810 người (đạt 105,3% kế hoạch năm), tăng 2.032 người so với cùng kỳ năm 2021 (403.778 người).

Đồng thời, TP Hà Nội cũng đảm bảo cung cấp dịch vụ KHHGĐ, chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động cung cấp dịch về dân số năm 2022 triển khai rộng rãi, hệ thống y tế cơ sở hầu hết đã cung cấp dịch vụ KHHGĐ/CSSKSS được thường xuyên, vì thế, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại duy trì ở mức 76% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đã có 28/30 quận, huyện, thị xã tổ chức chiến dịch với tổng số xã, phường triển khai là 458/476 xã/phường kế hoạch. Trong đó, số xã, phường thực hiện truyền thông trước chiến dịch là 458 (đạt 100%); 427 xã, phường thực hiện cung cấp các dịch vụ kỹ thuật về dân số.

Kết quả, chiến dịch toàn TP đã tổ chức 150 cuộc mít tinh, cổ động, hội nghị với 7.206 người tham gia, 1.443 cuộc tuyên truyền với 63.290 người tham gia. Lồng ghép cung cấp 13.217 dụng cụ tử cung (đạt 97,4%); 101 que cấy tránh thai (đạt 142,3% kế hoạch chiến dịch); 504 mũi tiêm thuốc tránh thai (đạt 123,8%); khám các bệnh phụ khoa cho 39.247 phụ nữ, phát hiện bệnh phụ khoa cho 13.135 phụ nữ, siêu âm sản khoa cho 16.063 phụ nữ, soi tươi và làm phiến đồ phát hiện các bệnh phụ khoa cho 8.191 phụ nữ.

Ngoài ra, các đơn vị còn tổ chức cung cấp những dịch vụ nâng cao chất lượng khác, phát hiện tư vấn chuyển tuyến chuyên khoa khám lại và điều trị... Cấp phát những loại phương tiện tránh thai miễn phí năm 2022 cho các đơn vị gồm: 4.000 dụng cụ tử cung, 7.300 vỉ thuốc uống tránh thai Ideal, 3.100 vỉ thuốc uống tránh thai Naphalevo.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Văn Chung cho hay, theo dự báo, năm nay dân số thế giới sẽ đạt khoảng 8 tỷ người. Vì vậy, kỷ niệm ngày Dân số thế giới năm nay, Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc đã lựa chọn chủ đề “Thế giới 8 tỷ người: Để hướng tới một tương lai bền vững cho tất cả mọi người, cần khai khác cơ hội và đảm bảo quyền, lựa chọn cho tất cả mọi người”.

Tại Hà Nội, năm 2021, công tác dân số của TP đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tỷ suất sinh toàn TP Hà Nội năm 2021 giảm 0,92‰ giảm 0,25‰ so với năm 2020 (vượt chỉ tiêu giao), tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên đạt chỉ tiêu giao giảm 0,1% so với năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh là 112,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Tỷ lệ sàng lọc trước sinh năm 2021 đạt 85,07% (vượt chỉ tiêu được giao).

Hiện nay, Hà Nội thực hiện nhiều mô hình được duy trì và nhân rộng như: Mô hình CSSK người cao tuổi tại cộng đồng; Mô hình can thiệp truyền thông CSSK sinh sản/Kế hoạch hóa gia đình (CSSKSS/KHHGĐ) tới vùng dân cư đặc thù; Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân; Mô hình CSSKSS vị thành niên, thanh niên…

Thời gian qua, công tác dân số ở Thủ đô vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn thách thức: Tốc độ gia tăng dân số cơ học hàng năm ở mức cao, góp phần làm tăng quy mô dân số. Quy mô dân số lớn, địa bàn dân cư rộng, dân trí không đồng đều, nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai vẫn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao.

Do đó, Hà Nội cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân số bằng 4 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các địa phương, đơn vị tiếp tục quán triệt và phổ biến nội dung Nghị quyết số 21-NQ/TW đến các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức Đảng các cấp, MTTQ Việt Nam, các tổ chức và tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các đề án, kế hoạch của TP về công tác dân số theo tinh thần Nghị quyết Trung ương số 21-NQ/TW.

Các địa phương, đơn vị đẩy mạnh hoạt động can thiệp mô hình nâng cao chất lượng dân số Thủ đô trong tình hình mới. Từng bước nâng cao chất lượng dân số; đưa tỷ số giới tính khi sinh dần về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý, góp phần phát triển Thủ đô nhanh và bền vững.

Quận Ba Đình, là một trong những quận có dân số già đứng đầu TP, chiếm gần 22% dân số. Tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh đang có xu hướng tăng, một số các hoạt động nâng cao chất lượng dân số còn gặp những trở ngại khi triển khai thực hiện. Thế nhưng, thời gian qua, Ban chỉ đạo công tác dân số quận Ba Đình đã có những hoạt động phối hợp mang tính đồng bộ, các hoạt động từ truyền thông đến can thiệp trực tiếp tới những nhóm đối tượng cụ thể được triển khai liên tục như: Câu lạc bộ (CLB) “Phát huy vai trò và lợi thế người cao tuổi tại cộng đồng”, CLB “Thanh niên không nên kết hôn muộn và sinh con muộn”, đề án can thiệp: “Sàng lọc trước sinh”, “Sàng lọc sơ sinh”, các mô hình: “Chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên”, “Gia đình bình đẳng, không biệt giới tính”…. cùng nhiều chương trình khác đã phát huy vai trò và tác dụng.

Ban chỉ đạo công tác Dân số 14 phường trên địa bàn, hệ thống đội ngũ cán bộ làm công tác dân số tại cơ sở luôn phát huy tính chủ động và sáng tạo trong các phong trào. Chất lượng về quản lý dân cư và truyền thông vận động đã mang tính chính xác, kịp thời, đúng trọng tâm, đúng đối tượng.