Sở Y tế đã có Công văn số 2966/SYT-NVY về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue, gửi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội; các TTYT quận, huyện, thị xã; các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn TP.
Các đơn vị, địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi.
Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị CDC Hà Nội là đơn vị thường trực của ngành y tế về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn TP theo dõi sát, tổ chức đánh giá tình hình dịch bệnh, tham mưu kịp thời cho Sở Y tế các giải pháp, văn bản chỉ đạo trong công tác phòng, chống dịch.
Các đơn vị, địa phương theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Trong đó, tăng cường giám sát dịch tễ, đặc biệt công tác giám sát phát hiện các ca bệnh, ổ dịch. Giám sát véc tơ bao gồm nhũng khu vực ổ dịch cũ, khu vực nguy cơ cao; điều tra, xử lý khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, không để dịch lan rộng, kéo dài.
Tăng cường công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy và phun hóa chất phòng dịch. Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn về phòng chống sốt xuất huyết Dengue để tập huấn, hướng dẫn cho mạng lưới từ tuyến thành phố đến xã, phường, thôn, tổ dân phố.
Rà soát cơ số vật tư, hóa chất phòng chống dịch, hoạt động của các đội cơ động các tuyến để kịp thời bổ sung, kiện toàn, đảm bảo sẵn sàng triển khai công tác phòng chống dịch và hỗ trợ các đơn vị khác khi có yêu cầu. Đồng thời, chủ động phối hợp với các TTYT quận, huyện, thị xã, các cơ quan thông tấn báo đài và các đơn vị liên quan triển khai các nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Các TTYT quận, huyện, thị xã phối hợp với Phòng y tế tham mưu cho UBND các quận, huyện, thị xã phối hợp chỉ đạo các đơn vị liên quan triển khai nội dung theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Trong đó, tập trung ưu tiên phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền với kết quả công tác phòng chống sốt xuất huyết Dengue. Đặc biệt công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và công tác vận động, tổ chức phun hóa chất diệt muỗi.
Cùng với đó, huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị, chính trị xã hội tham gia triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, bọ gậy đảm bảo tất cả khu vực, các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát. Các bể, dụng cụ chứa nước, các vật dụng, đồ phế thải, nơi sinh sản của muỗi phải đươc giám sát để tiến hành các hình thức tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Rà soát các đề án phòng chống sốt xuất huyết, kiện toàn các tổ giám sát, đội xung kích diệt bọ gậy; rà soát, chủ động bố trí cơ số vật tư, trang thiết bị, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch tại địa phương bằng nguồn lực tại chỗ. Chủ động phối hợp với CDC Hà Nội, Phòng y tế, Phòng VH&TT, Phòng GD&ĐT và các đơn vị liên quan triển khai nội dung theo Công văn số 3212/BYT-TT-KT của Bộ Y tế.
Các cơ sở khám, chữa bệnh tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn. Đảm bảo có đủ dung dịch cao phân tử dùng trong điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Tăng cường việc theo dõi người bệnh sốt xuất huyết đang nằm điều trị nội trú, cả trong các ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần để phát hiện, điều trị kịp thời hoặc chuyển tuyến các ca bệnh sốt xuất huyết có diễn biến nặng.
Các đơn vị rà soát, củng cố, kiện toàn và duy trì hoạt động của “nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết” và “đường dây nóng phòng chống sốt xuất huyết” tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Thường xuyên cập nhật các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế, cơ quan chuyên môn tuyến trên và tổ chức tập huấn cho toàn bộ cán bộ y tế tham gia chẩn đoán, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue…