Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa ghi nhận một chùm ca bệnh cúm A gồm 20 công nhân tại một khu công nghiệp ở huyện Đông Anh. Các trường hợp này ở độ tuổi 20 - 30 tuổi, đều có triệu chứng như: Đau đầu, sốt, nhức mỏi người. Hơn 10 bệnh nhi là người thân của nhóm công nhân này cũng đã có triệu chứng cúm A.
Cơ sở y tế này thông tin thêm, chỉ trong 2 tuần gần đây, đã có gần 100 bệnh nhân tới Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để thăm khám với triệu chứng của cúm A. Có trường hợp diễn biến nặng, phải thở máy.
Theo bác sĩ Trần Văn Bắc, Phó trưởng khoa Cấp cứu, các bệnh nhân trẻ tuổi khi mắc cúm A thường có diễn biến nhẹ. Tuy nhiên, với người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, hô hấp, trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh có tỷ lệ diễn biến nặng và tử vong cao hơn.
BS Bắc phân tích, khi bị mắc cúm, tỷ lệ bị viêm phổi do cúm ở người lớn có thể lên tới 4-8%. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% số ca viêm phổi, chủ yếu là người cao tuổi.
Trước đó, trả lời trên AloBacsi, BS Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, cúm là virus hô hấp, sẽ lây qua đường nói chuyện, giọt bắn văng ra ngoài môi trường. Đặc thù là lây rất mạnh, thời gian ủ bệnh ngắn từ 1-4 ngày (1 ngày đã có thể phát bệnh và lây cho người khác).
Với những người có thể trạng mạnh, mắc cúm thường không có triệu chứng điển hình, tương tự như bị cảm (sốt, ho, sổ mũi) và tự lành. Nhưng với người cơ địa kém, lớn tuổi có thể xuất hiện các triệu chứng khá điển hình như sốt cao, đau đầu, đau cơ, nhức mỏi, sau đó ho, sổ mũi, kéo dài từ 3-7 ngày và lui dần nếu không có biến chứng.
"Thông thường, virus cúm tồn tại trong cơ thể con người trong 5-7 ngày sẽ “thoát” ra ngoài, lây cho người khác. Điều trị thông thường là nghỉ ngơi, uống nhiều nước, điều trị triệu chứng (sốt, đau nhức thì uống thuốc giảm đau, hạ sốt; ho thì uống thuốc ho; sổ mũi thì dùng thuốc nhỏ mũi…). Quan trọng nhất, nếu là trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi có bệnh nền thì cần đi khám bệnh để bác sĩ theo dõi biến chứng, chẳng hạn như viêm phổi hay bội nhiễm, qua đó điều trị kịp thời" - BS Trương Hữu Khanh cho biết.
Các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm phòng cúm A sớm và tiêm định kỳ hàng năm để giảm nguy cơ diễn biến nặng, đặc biệt là các nhóm đối tượng "yếu thế". Ngoài ra, cũng nên áp dụng biện pháp đeo khẩu trang, rửa tay, che tay khi hắt xì (bằng khăn giấy hoặc cánh tay) để đừng phát tán virus.
>>> Bệnh cúm A bùng phát bất thường ở Hà Nội, cần làm gì để phòng ngừa?