Cùng với cá anh vũ, cá bỗng là loài quý hiếm, xưa kia chỉ dành để tiến vua. Cá bỗng thuộc họ trắm, chép, mình thon, vây đỏ, phần lưng màu xanh rêu. Thịt cá ngọt, dai, thơm mà không tanh, đặc biệt lành tính, có hàm lượng dinh dưỡng cao.
Cá bỗng được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn như: gỏi, nướng, xào, nộm, hấp lá chanh, nấu canh chua, nấu cháo… Riêng vảy cá có thể chiên giòn làm món nhậu lai rai rất lạ miệng.
Thịt cá bỗng ngọt, chắc, thơm ngon mà không tanh
Loại cá tiến vua này thịt rất chắc, khi làm gỏi chấm với "chẻo" sẽ có hương vị đặc trưng khó quên. Có lẽ nhờ cách chế biến độc đáo của người dân nơi đây mà món gỏi cá bỗng sông Lô ngày càng được nhiều thực khách xa gần ưa chuộng.
Điểm đặc biệt nhất là gỏi cá bỗng sông Lô không sử dụng thính gạo như các món gỏi khác. Đồng bào dân tộc Tày ở Tuyên Quang thường dùng chính xương cá bỗng băm nhỏ, rang vàng, xay mịn rồi trộn đều với gia vị, ướp cùng những lát cá thái mỏng.
Gỏi cá ăn kèm với các loại rau thơm, rau rừng như lá tía tô, đinh lăng, đọt cóc, cúc tần, lá quế vị, lá đại bi... Không chỉ để món ăn thêm phần thơm ngon, các loại lá này có nhiều công dụng với sức khỏe như lá đại bi giúp giảm đau nhức xương; lá cúc tần giảm căng thẳng; lá lộc vừng tốt cho tiêu hoá...
Gỏi cá bỗng sông Lô không sử dụng thính gạo
Việc kết hợp các loại rau gia vị còn giúp cho món gỏi cá bỗng tăng thêm độ hấp dẫn với đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, đem đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người thưởng thức. Mùa nào hiếm rau rừng, gỏi cá bỗng sẽ được ăn cùng lá sung, đọt sấu hoặc lá vón vén - một loại lá chua đặc trưng mọc ven suối ở vùng núi phía Bắc.
Cách ăn gỏi cá bỗng được một số nhà hàng, homestay ở Tuyên Quang giới thiệu với du khách khá giống cách ăn món cuốn (cuốn tôm thịt, phở cuốn...) Thực khách sẽ gắp lát cá đã được thái mỏng nhúng qua nước cốt chanh, sau đó phủ bên ngoài một lớp thính. Miếng cá ghém cùng các loại rau thơm, được bao quanh bởi lớp bánh đa nem chuyên dùng cho món cuốn.
Nước chấm gỏi cá là một trong những yếu tố quyết định sự đạt "chuẩn" của món ăn. Để có bát nước chấm hấp dẫn, ngoài những gia vị quen thuộc như muối rang, củ hành khô nướng chín, chanh, ớt, tiêu, tỏi… thì không thể nào thiếu gia vị đặc trưng mang đậm hương vị vùng cao là hạt dổi hoặc hạt mắc khén.
Nước chấm "chẻo" - linh hồn của gỏi cá bỗng
Tuy nhiên, đúng "chất" của đặc sản gỏi cá bỗng sông Lô phải được chấm với "chẻo". Sau khi phi lê cá, những phần thừa và xương cá sẽ được băm nhỏ, rang lên, phi thơm cùng hành tỏi và các gia vị khác. Những nguyên liệu này được nấu theo "công thức bí truyền" để tạo nên thứ nước sốt sánh mịn thơm ngon, hương vị vô cùng hấp dẫn, gọi là "chẻo".
Người ta sẽ xếp rau rừng theo thứ tự: lá to (như lá sung) ở ngoài cùng, lá nhỏ đặt bên trong (lá tai chua, lá mơ, rau thơm…), sau đó quấn thành hình chiếc phễu. Người ăn sẽ gắp lát cá thái mỏng đã được trộn thính đặt bên trong phễu lá, múc chẻo rưới lên, khéo léo cuộn chặt tay để nước chẻo không bị chảy ra ngoài.
Cá bỗng được chế biến thành nhiều món ăn bổ dưỡng
Cắn miếng gỏi cuốn, thực khách sẽ cảm nhận ngay vị ngọt mát của cá, bùi thơm của thính, chút đậm đà béo ngậy của chẻo, hương thơm rau rừng quyện với cay nồng của tiêu, ớt… thấm sâu nơi đầu lưỡi.