Trang Chủ > Sức khỏe > Giấu bệnh người bị ung thư: Vi phạm pháp luật mà không biết

Giấu bệnh người bị ung thư: Vi phạm pháp luật mà không biết

Infonet
28/06/2022 14:17:11

Ông Nguyễn Văn Nh – (Nam Trực, Nam Định) thời gian gần đây thường xuyên ho, người mệt mỏi. Con ông còn nghĩ rằng do bố mình bị cảm cúm hoặc ho do Covid-19 nên chỉ nấu nước lá nhọ nồi uống.

Đến khi tình trạng ho không cải thiện, chân đau không đi được, ông Nh mới tới bệnh viện khám, bác sĩ tuyến tỉnh nghi ngờ có khối u trong phổi. Con ông Nh. lại đưa cha lên Hà Nội khám. Chẩn đoán ông Nh. bị ung thư phổi, tế bào ung thư đã di căn gan và xương. Ung thư tiến triển ở giai đoạn cuối.

Ngay khi nghe thông tin ba mình bị ung thư, hai người con của ông Nh. đã xin bác sĩ được giấu bệnh của cha mình vì sợ ông lo lắng. Họ muốn đưa cha về quê những ngày cuối đời vui vẻ, không lo lắng tới bệnh tật. Nếu biết bản thân mình mắc ung thư, ông Nh. sẽ suy sụp vì vợ ông cũng mới qua đời cách đầy 2 năm vì ung thư vú.

Giấu bệnh người bị ung thư: Vi phạm pháp luật mà không biết-1

Bác sĩ Vũ và giây phút vui vẻ với các bệnh nhân ung thư của mình.

Trường hợp khác, anh Nguyễn Phúc H. (Phú Thọ) chia sẻ trường hợp của em trai mình (sinh năm 1984) có sức khỏe rất tốt nhưng đến một lần bị ho, sốt đưa vào viện cấp cứu bác sĩ cho biết bệnh nhân bị tràn dịch màng phổi trên nền bệnh ung thư phổi không phát hiện trước đó.

Cả gia đình đều sốc, bàn nhau giấu bệnh em trai anh. Sau 3 tuần nằm viện cấp cứu, khi bệnh viện trả về em trai anh H vẫn hỏi gia đình mình mắc bệnh gì nhưng không ai nói. Đến khi qua đời, em trai anh cũng không biết mình mất vì ung thư. Điều này khiến anh H. ân hận vô cùng bởi vì những ngày cuối đời em trai anh đều thều thào hỏi mình bị bệnh gì mà nặng vậy nhưng chẳng ai dám trả lời.

Tuy nhiên, trường hợp của chồng chị Phí Thị Là (Lào Cai) thì khác. Ngay khi biết chồng bị bệnh ung thư, chị Là đã nói chuyện với chồng thẳng thắn. Bệnh tật không trừ ai và anh phải tự đối diện thay vì lo lắng suy nghĩ tiêu cực.

Chị Là chia sẻ với chồng chỉ cần anh điều trị bệnh, chị sẽ cố gắng kiếm tiền chăm con, lo thuốc thang. Nếu trước kia, chị Là an phận thủ thường thì hiện tại chị cố gắng nhiều nhất có thể. Chị nhập trái cây về bán sỉ và bán tất cả các mặt hàng nào có thể kiếm ra tiền.

Từ cô gái tiểu thư con nhà giáo viên, chị Là lăn xả khắp các diễn đàn ung thư để tìm chia sẻ cuộc chiến chống ung thư với chồng. Nhờ có đối diện với sự thật, dù mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn muộn nhưng chồng chị vẫn điều trị và kéo dài thời gian sống được 6 năm. Khi chồng qua đời, chị Là cảm thấy hai vợ chồng đều không nuối tiếc vì đã cố gắng chống chọi với bệnh tật như một chiến binh thực sự.

BS Nguyễn Triệu Vũ - Trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, cho biết đây là câu hỏi mà anh gặp hàng ngày. Người Việt giàu tình cảm khi người thân bị ung thư ai cũng lo lắng và có khuynh hướng giấu người bệnh vì sợ người bệnh lo lắng, suy sụp tinh thần dẫn tới sức khỏe suy kiệt.

Tuy nhiên, đây là vấn đề tình cảm còn thực tế thì theo quy định của pháp luật.

Theo Luật Khám chữa bệnh năm 2009, người bệnh có quyền được tư vấn, khám sức khỏe và được biết rõ bệnh của mình. Người bệnh cũng được bí mật đời tư, tên tuổi ghi trong bệnh án. Bác sĩ chỉ giải thích tình trạng bệnh của người bệnh với người nhà khi được chính bệnh nhân đồng ý.

Nếu bệnh nhân là người khỏe mạnh minh mẫn thì không được quyền giấu người bệnh về bệnh của mình. Người bệnh có quyền được biết về bệnh của mình. Nếu bạn giấu người bệnh về bệnh của họ là bạn đang vi phạm pháp luật.

Khi người nhà xin giấu bệnh, bác sĩ Vũ đều từ chối và cần chia sẻ rõ ràng với người bệnh. Chỉ trừ, bệnh nhân quá già yếu, có vấn đề về bệnh tâm thần thì bác sĩ sẽ báo tình trạng bệnh cho người nhà.

Bác sĩ Vũ cho rằng khi tư vấn cho người bệnh nếu thấy bệnh nhân lo lắng quá, bác sĩ sẽ tư vấn cho phù hợp. Với người bệnh có hiểu biết hơn thì bác sĩ có cách giải thích với họ theo chiều hướng khác. Tất cả các thông tin với người bệnh đều theo hướng tích cực, lạc quan.

Nếu người bệnh hiểu bệnh của mình họ sẽ tuân thủ điều trị tốt hơn là giấu người bệnh. Người nhà càng cố giấu thì trước sau người bệnh cũng biết bệnh của mình.

Tâm lý của người bệnh thấy không thoải mái, họ tự tìm hiểu bệnh của mình và có thể dẫn đến ngộ nhận thông tin không chính xác.

Bác sĩ Vũ cho rằng người nhà không nên giấu mà nên giải thích, sắp xếp với người bệnh về kế hoạch trong tương lai ngắn của gia đình để bệnh nhân có thể yên tâm điều trị.

Với bệnh nhân ung thư phổi, thực ra nếu thuốc mới bệnh nhân hoàn toàn có thể được điều trị thành công nếu tuân thủ tốt.

K.Chi