Đây là một trong những thông tin được Bộ Y tế nhấn mạnh tại buổi gặp mặt báo chí về tiêm vaccine Covid-19 do Bộ Y tế tổ chức chiều 27/6.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi để bảo vệ sức khoẻ trẻ em và cộng đồng
PGS. TS Dương Thị Hồng - Viện phó Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, tại Việt Nam, mặc dù số mắc và tử vong do Covid-19 ở trẻ em thấp hơn so với người lớn, các biểu hiện khi mắc bệnh thường nhẹ hơn, nhiều trường hợp không có triệu chứng nhưng hậu quả của Covid-19 cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe các em.
Đại diện Bộ Y tế, chuyên gia trả lời báo chí về vấn đề tiêm vaccine phòng Covid-19.
Tại Việt Nam, đã ghi nhận hàng trăm trường hợp trẻ em mắc hội chứng MIS-C với các biểu hiện viêm đa hệ thống đồng thời ở nhiều cơ quan như: tim, phổi, thận, hệ tiêu hóa, não, da, mắt… sau khi mắc Covid-19, có thể tiến triển nặng, thậm chí có trường hợp tử vong.
Ngoài ra, trẻ cũng có thể gặp phải hội chứng hậu Covid-19 với các dấu hiệu bất thường kéo dài về sức khỏe như: mệt mỏi, đau đầu, rối loạn giấc ngủ, mất tập trung, đau cơ… ảnh hưởng lớn đến khả năng học tập và vui chơi của trẻ, và có thể có những hậu quả lâu dài đối với quá trình phát triển của trẻ, cần tiếp tục theo dõi, điều trị. Trẻ mắc Covid-19 mức độ nhẹ trước đó có thể vẫn mắc hậu Covid-19 và hội chứng MIS-C mức độ nặng.
PGS.TS Dương Thị Hồng- Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế chiều 27/6.
"Công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em có ý nghĩa quan trọng, trước tiên để bảo vệ sức khỏe cho trẻ em trước bối cảnh dịch Covid-19 vẫn tiếp tục lây lan. Tiêm vaccine Covid-19 giúp trẻ tránh mắc bệnh, tránh các hậu quả lâu dài của bệnh, giúp trẻ đến trường an toàn, tham gia các hoạt động xã hội và phát triển khỏe mạnh. Đồng thời, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em trong lứa tuổi này nhằm tăng độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 trong cộng đồng, giảm lây lan cho những người xung quanh, góp phần tích cực để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" - PGS. TS Dương Thị Hồng nhấn mạnh.
Tại các địa phương, tiêm vaccine phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi thực hiện theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định tại trạm y tế xã/phường, bệnh viện, điểm tiêm lưu động và trường học với 2 loại vaccine là Moderna và Pfizer. Các điểm tiêm chủng đều sẵn sàng để tiêm vaccine phòng Covid-19 cho mọi trẻ em trong độ tuổi.
Tính đến ngày 23/6, cả nước có hơn 5,4 triệu trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (48,1%) được tiêm ít nhất 1 liều vaccine phòng Covid-19 và hơn 1,4 triệu trẻ đã hoàn thành 2 mũi tiêm an toàn. Phản ứng thông thường sau tiêm vaccine phòng Covid-19 ở trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi được ghi nhận với tỷ lệ khoảng 0,4%, thấp hơn so với khuyến cáo của nhà sản xuất, với các triệu chứng như sưng đau tại chỗ tiêm, sốt, ớn lạnh, đau đầu, mệt mỏi...và thường tự hết sau vài ngày.
Hiệu quả của vaccine trong phòng ngừa diễn biến nặng và tử vong do Covid-19
Các bằng chứng khoa học cho đến hiện nay đã chỉ ra rằng, hiệu quả bảo vệ của vaccine để phòng mắc Covid-19 là trên 50%.
Cụ thể, một nghiên cứu gần đây do Tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới NEJM công bố, cho thấy hiệu quả bảo vệ sau tiêm mũi thứ 4 có thể ghi nhận ở cả 5 cấp độ của bệnh, bao gồm hiệu quả bảo vệ khỏi mắc bệnh, mắc bệnh có triệu chứng, mắc bệnh phải nhập viện, mắc bệnh nhập viện thể nặng nguy kịch và mắc bệnh dẫn đến tử vong.
Nhân viên y tế tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Hà Nội. Ảnh: Hà Linh
Cụ thể: Hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 là 52%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc ở thể nhẹ có triệu chứng là 61%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ nhập viện do mắc Covid-19 là 72%; hiệu quả bảo vệ khỏi mắc Covid-19 ở thể nặng, nguy kịch là 64%; hiệu quả bảo vệ khỏi nguy cơ tử vong do mắc Covid-19 là 76%.
Tại Việt Nam, Hệ thống quản lý điều trị Covid-19 của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế ghi nhận: Trong số 32.212 trường hợp tử vong do Covid-19 có tới 52,8% số tử vong là chưa tiêm vaccine phòng Covid-19; 29,8% đã tiêm 1 mũi hoặc 2 mũi vaccine và chỉ có 7,3% đã tiêm 3 mũi. Số liệu này một lần nữa khẳng định tính cần thiết phải thực hiện tiêm mũi nhắc lại lần 1 (mũi 3) cho những người đã hoàn thành 2 mũi tiêm cơ bản.
Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới và trong đó có nghiên cứu của Việt Nam cũng chỉ ra kháng thể kháng SARS-CoV-2 sau tiêm mũi 3 sẽ suy giảm đáng kể khoảng 15 tuần sau khi tiêm, đặc biệt là kháng thể kháng biến chủng Omicron.
Do vậy, việc tiêm mũi 4 đặc biệt hữu ích đối với những người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng; người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19 như cán bộ y tế, cán bộ tuyến đầu (lực lượng công an, quân đội, giáo viên, người làm việc trong lĩnh vực giao thông vận tải, người cung cấp dịch vụ thiết yếu, người làm việc tại các cơ sở dịch vụ du lịch, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ), công nhân, người làm việc các khu công nghiệp.
Với tình hình dịch Covid-19 hiện nay ở Việt Nam và việc triển khai tiêm mũi 3 đạt tỷ lệ trên 65% ở người từ 18 tuổi trở lên, rất cần thiết và là thời điểm phù hợp để tiêm nhắc mũi thứ 4.
Bằng chứng khoa học về lợi ích bảo vệ của vaccine phòng Covid-19 bảo vệ trẻ khỏi Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C)
Có thể thấy, trẻ em mắc Covid-19 thường nhẹ hơn so với người lớn, nguy cơ tử vong cũng ít hơn. Số liệu theo dõi tử vong do Covid-19 ở trẻ từ 0 đến dưới 18 tuổi của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cho thấy, số tử vong ở độ tuổi này mặc dù thấp, chỉ chiếm 0,59% trên tổng số tử vong chung của cả nước. Tuy nhiên, một trong những vấn đề lo ngại với trẻ em sau mắc Covid-19 là Hội chứng viêm đa hệ thống ở trẻ em (MIS-C), đây là hội chứng với diễn biến bệnh cảnh rất nặng, tổn thương từ 2 cơ quan trở lên như: da niêm mạc, tiêu hóa, tim mạch, thận, hô hấp, huyết học, thần kinh…
Bên cạnh nhiều nghiên cứu trên y văn thế giới thì gần đây, Hiệp hội Y khoa Hoa kỳ đã ghi nhận bằng chứng khoa học từ nghiên cứu của Đan Mạch với gần 600.000 trẻ em và thanh thiếu niên bị nhiễm Covid-19. Kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine phòng Covid-19 có hiệu quả làm giảm nguy cơ mắc MIS-C ở nhóm đã tiêm vaccine, với tỷ lệ cứ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 chỉ có 3 trẻ mắc MIS-C; thấp hơn 15 lần so với nhóm chưa tiêm vaccine Covid-19 với tỷ lệ 1 triệu trẻ mắc Covid-19 có tới 45 trẻ mắc MIS-C. Hiệu quả bảo vệ của vaccine để ngăn ngừa hội chứng MIS-C ở trẻ em nhiễm Covid-19 lên tới trên 90%.
Như vậy, nếu ước tính ở TP Hồ Chí Minh có 900.000 trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, nếu tất cả được tiêm vaccine phòng Covid-19 thì số mắc Covid-19 bị MIS-C chỉ là 1 đến 2 trường hợp so với con số là 40 trường hợp nếu tất cả số trẻ này không được tiêm vaccine.
Nói về Hội chứng MIS-C, chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 – TP Hồ Chí Minh trong gần 1 năm qua đã tiếp nhận và điều trị 153 ca; trong đó, số chưa được tiêm vaccine phòng Covid-19 là 149 ca, chiếm tới 97,4%. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đến nay cũng đã tiếp nhận và điều trị 369 trẻ em bị MIS-C, hầu hết trong số này là những trẻ chưa được tiêm chủng vaccine phòng Covid-19.