Trang Chủ > Sức khỏe > Dùng bột ngọt để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày

Dùng bột ngọt để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày

Zingnews
16/07/2022 05:28:27

Tình trạng tăng huyết áp ngày càng phổ biến và có xu hướng trẻ hóa. Vấn đề này bắt nguồn từ chế độ ăn quá nhiều muối. Trò chuyện trong chương trình “ Tiêu dùng 24/7 ” trên kênh VTC6, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng đã đưa ra một vài gợi ý để giải quyết vấn đề này.

Chế độ ăn sử dụng quá nhiều muối tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Trưởng khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Trung tâm Khám Tư vấn, phục hồi dinh dưỡng và kiểm soát béo phì, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc sử dụng muối quá nhiều trong khẩu phần hàng ngày là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề sức khỏe. Trong đó, biểu hiện rõ ràng nhất là nguy cơ tăng huyết áp.

Huyết áp cao là nguyên nhân của đột quỵ và một số hội chứng hoặc bệnh nguy hiểm như xơ vữa động mạch hay nhồi máu cơ tim. Không chỉ vậy, các bệnh này còn đang có xu hướng trẻ hóa.

Vì vậy, giảm lượng muối sử dụng trong chế độ ăn hàng ngày là giải pháp hữu hiệu để phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây, từ đó có sức khỏe tốt hơn.

Dùng bột ngọt để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày-1

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ về chế độ ăn giảm muối.

Một số giải pháp để giảm lượng muối ăn hàng ngày được TS.BS Nguyễn Trọng Hưng chia sẻ gồm: Kiểm tra hàm lượng natri trong các sản phẩm sử dụng hàng ngày; gia giảm lượng muối ăn; sử dụng một số thành phần tạo hương vị, chẳng hạn như bột ngọt để giảm muối mà món ăn vẫn ngon miệng.

Cách dùng bột ngọt để giảm lượng muối tiêu thụ

Sử dụng muối ăn quá nhiều là nguyên nhân gây ra các vấn đề về sức khỏe. Tuy nhiên, việc giảm muối trong chế độ ăn hàng ngày là điều không dễ dàng. Theo nghiên cứu của chuyên gia Njeri Karanja và các cộng sự tại Trung tâm Nghiên cứu Sức khỏe Kaiser Permanente (Mỹ), giảm muối sẽ ảnh hưởng lớn đến vị của món ăn. Cụ thể, vị mặn, ngọt, độ ngon của món ăn giảm đi, trong khi vị đắng lại tăng lên, tạo sự khó chịu.

Dùng bột ngọt để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày-2

Vị umami trong bột ngọt giúp cân bằng các vị cơ bản ngọt, chua, mặn và đắng.

Theo TS.BS Nguyễn Trọng Hưng, bột ngọt có thể giúp giải quyết vấn đề này nhờ vị umami (hay còn gọi là vị ngọt thịt) , giúp điều hòa các vị cơ bản như ngọt, chua, mặn, đắng. Bột ngọt cũng có hậu vị kéo dài, từ đó nâng vị ngon tổng thể của món ăn giảm muối.

Ngoài ra, lượng natri trong bột ngọt rất thấp, chỉ bằng 1/3 so với muối ăn. Trong nấu nướng hàng ngày, bột ngọt thường được sử dụng một lượng nhỏ so với muối. Như vậy, lượng natri mà cơ thể nạp vào khi sử dụng bột ngọt thấp hơn nhiều so với sử dụng muối.

Bên cạnh bột ngọt, vị umami cũng dễ dàng được tìm thấy trong các thực phẩm tự nhiên như thịt, hải sản, trứng, sữa… Vị này do giáo sư người Nhật Kikunae Ikeda khám phá ra vào năm 1908 và đã được công nhận là một trong năm vị cơ bản trong ẩm thực.

Dùng bột ngọt để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày-3

Cách dùng bột ngọt để giảm muối mà vẫn giữ được vị ngon cho món ăn, theo hướng dẫn của TS.BS Nguyễn Trọng Hưng.

Từ năm 1984, các nhà khoa học dinh dưỡng đã nghiên cứu khả năng ứng dụng bột ngọt trong chế độ ăn giảm muối mà vẫn duy trì được sự ngon miệng. Theo đó, giảm một lượng muối kết hợp với sử dụng bột ngọt vẫn giúp duy trì vị ngon của món ăn, trong khi giảm được lượng lớn natri.

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng gợi ý thay vì nêm 8 g muối cho 1 lít nước dùng, bạn có thể nêm 4 g muối và 4,8 g bột ngọt, từ đó giảm đến 31% lượng natri tiêu thụ mà món ăn vẫn vừa miệng.

Bột ngọt là monosodium glutamate (MSG) - gia vị umami xuất hiện phổ biến hơn một thế kỷ nay. Đây là gia vị an toàn, được nghiên cứu và kiểm nghiệm lâm sàng bởi nhiều tổ chức và cơ quan y tế uy tín như Ủy ban các Chuyên gia về Phụ gia thực phẩm (JECFA) thuộc Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc, Tổ chức Y Tế Thế giới (WHO), Ủy ban Khoa học về thực phẩm của Cộng đồng chung châu Âu (EC/SCF), Cơ quan Quản lý Thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) và Bộ Y tế, Lao động, Phúc lợi Nhật Bản. Tại Việt Nam, Bộ Y tế xếp bột ngọt vào danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng.

Lý giải về vấn đề một số người có các biểu hiện như triệu chứng tê mỏi, khó thở, chóng mặt sau khi ăn các món ăn có chứa bột ngọt, TS.BS Nguyễn Trọng Hưng cho biết FDA từng đưa ra mô hình nghiên cứu khuyến nghị, kết quả cho thấy bột ngọt không phải nguyên nhân của các triệu chứng này.