I-ốt là vi chất quan trọng để tuyến giáp tổng hợp các hoóc-mon điều chỉnh quá trình phát triển của hệ thần kinh trung ương, phát triển hệ sinּh dụּc và các bộ phận trong cơ thể như tim mạch, tiêu hóa… cơ thể con người nếu thiếu i-ốt sẽ gây ra nhiều bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai.
Trẻ em đến khám tại Khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai
Ngoài lượng i-ốt tự nhiên có trong thực phẩm, i-ốt được bổ sung trong muối, nước mắm, bột nêm…
Vai trò của i-ốt đối với cơ thể
I-ốt là vi chất rất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai. I-ốt có trong nhiều loại thực phẩm như: hải sản, thịt động vật, một số loại rau…, nhưng thường có hàm lượng thấp, không đủ cho nhu cầu hằng ngày. Là một vi chất quan trọng nhưng cơ thể chúng ta không thể tự tổng hợp được nên cần phải bổ sung i-ốt từ bên ngoài. Cách bổ sung i-ốt hiệu quả nhất là sử dụng muối i-ốt và các sản phẩm có chứa i-ốt như: bột canh i-ốt, nước mắm…
Giám sát chất lượng muối i-ốt hộ gia đình
Theo kết quả giám sát muối i-ốt hộ gia đình của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trong năm 2020, độ bao phủ muối có i-ốt trên địa bàn tỉnh mới đạt hơn 87%, chưa đạt so với mục tiêu đề ra là 90% trở lên.
Trong tháng 8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã tổ chức điều tra, giám sát muối i-ốt hộ gia đình. Theo đó, nhân viên của trung tâm tiến hành chọn mẫu, test nhanh nhằm kiểm tra lượng i-ốt trong muối; phỏng vấn người dân mức độ hiểu biết về i-ốt và cách sử dụng muối i-ốt…
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, một người trưởng thành cần trung bình 150 microgam i-ốt mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần 220 microgam và phụ nữ cho con bú cần đến 290 microgam mỗi ngày. Tuy nhiên, bổ sung nhiều hay ít hơn lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể nếu kéo dài đều có nguy cơ gây bệnh.
Thiếu i-ốt có thể gây tác hại cho mọi lứa tuổi, nhưng lứa tuổi bị ảnh hưởng nhiều nhất là ở thời kỳ bào thai và trẻ nhỏ. Trong thời kỳ bào thai, sự phát triển của thai nhi phụ thuộc vào hoóc môn giáp trạng của người mẹ ngấm qua nhau thai sang con. Hoóc môn này rất quan trọng đối với sự phát triển của não bộ và hệ thần kinh. Vì vậy, phụ nữ mang thai nếu thiếu i-ốt thì sự phát triển của bào thai sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là bộ não của trẻ.
Hiện nay, do nhịp sống đô thị bận rộn, nhiều người có thói quen ăn uống ở ngoài hàng quán. Nếu trong quá trình chế biến, đầu bếp không sử dụng muối i-ốt hoặc nước mắm, bột nêm có bổ sung i-ốt thì về lâu dài thói quen ăn uống này sẽ khiến cơ thể có nguy cơ bị thiếu i-ốt. Ngoài ra, thói quen “ăn uống ngoài đường” hoặc sử dụng thức ăn nhanh cũng dẫn đến nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, cơ thể nạp lượng đường và lượng chất béo không tốt vì nhiều hàng quán dùng dầu ăn nấu đi nấu lại nhiều lần, sử dụng các chất phụ gia không tốt cho sức khỏe…
Nhiều hệ lụy nếu thiếu i-ốt kéo dài
Theo BS Ma Va Liên, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, sau khi sinh, trẻ thường được làm xét nghiệm sàng lọc máu gót chân để tìm suy giáp bẩm sinh. Nếu trẻ bị suy giáp thì có hướng điều trị ngay từ đầu.
Trẻ sơ sinh bị mắc bệnh suy giáp sẽ có các biểu hiện như: da khô, lưỡi to the ra, bụng to, rốn lồi, cử động ít, trương lực cơ giảm, vàng da kéo dài, nhịp tim chậm, giọng khàn, chậm phát triển thể chất vận động, có thể gây chiều cao thấp... Về lâu dài, trẻ sẽ chậm biết đi, chậm nói, ít khóc, ngủ nhiều và vẻ mặt đần độn.
Đối với trẻ em bị thiếu i-ốt trong một thời gian kéo dài sẽ bị chậm phát triển cả về thể chất và trí tuệ: cơ thể thấp lùn, chỉ số IQ giảm, có thể gây thiếu máu.
Người lớn mà thiếu i-ốt thì có thể dẫn đến bệnh bướu cổ, cơ thể mệt mỏi, táo bón, giảm khả năng lao động cả về thể chất lẫn trí tuệ, tăng cân hoặc là tụ mỡ không phù hợp, giảm khả năng điều hòa thân nhiệt...
“I-ốt là nguyên liệu chính cho tuyến giáp làm việc. Khi cơ thể cần hoóc-môn giáp thì tuyến giáp phải sản sinh ra hoóc-môn đó để đáp ứng cho nhu cầu của cơ thể. Nguyên liệu chính để tuyến giáp làm việc là i-ốt, mà thiếu iốt thì bắt buộc tuyến giáp phải làm việc nhiều hơn để tìm kiếm i-ốt. Như vậy, tuyến giáp làm việc quá mức sẽ gây trước hết là bướu cổ, nếu vẫn tiếp tục thiếu i-ốt thì sẽ kèm theo những biểu hiện bệnh khác của tuyến giáp” - BS Liên giải thích.
Cũng theo BS Liên, nếu cơ thể bị thiếu i-ốt trong thời gian kéo dài sẽ bị các bệnh liên quan đến tuyến giáp. Khi đó, bệnh nhân cần đi khám nội tiết chứ không khám dinh dưỡng. Vì vậy, tại Khoa Dinh dưỡng bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai không ghi nhận bệnh nhi bị bệnh suy giáp.
Để phòng ngừa các rối loạn do thiếu i-ốt, người dân nên sử dụng muối i-ốt thay cho muối thường trong ăn uống và chế biến thức ăn hằng ngày và chú ý bổ sung lượng i-ốt cần thiết cho cơ thể bằng những loại thực phẩm giàu chất i-ốt như các loại hải sản (tôm, cua, cá, ghẹ…), các loại rau xanh đậm (rau dền, rau đay, mồng tơi, rau ngót…); i-ốt cũng hiện diện trong các loại trái cây tươi, trong thịt và trong sữa.
Nguồn Tin: