TTO - Tôi rất đồng cảm với các bài viết về lương thấp của đội ngũ y bác sĩ trên Tuổi Trẻ. Bản thân tôi đang công tác trong ngành y tế phải gánh gồng từng ngày để vượt qua khó khăn và thiếu hụt về kinh tế.
- Nhân viên y tế làm đủ nghề để... nuôi nghề
- Học điều dưỡng ở Đức, cơ hội nhận lương 34 triệu đồng mỗi tháng
- Cần cơ chế tiếp sức nhân viên y tế
Tôi tốt nghiệp đại học chính quy, ngành điều dưỡng, thời gian công tác trong ngành y đến nay cũng bước sang năm thứ 10. Thật buồn khi phải chia sẻ rằng với số tiền lương vỏn vẹn chỉ 5,7 triệu đồng mỗi tháng, tôi lo đủ cho mình còn chưa xong, chứ đừng nói đến nuôi con cái. Mọi gánh nặng về kinh tế trong gia đình chỉ đành nhờ cậy vào chồng tôi.
Tôi chẳng biết chế độ lương, đãi ngộ ở các bệnh viện lớn, bệnh viện tư nhân chứ thu nhập như tôi dù có lòng yêu nghề, nhiệt huyết tới mấy cũng rất lo, phải đủ thu nhập để chi dùng cho gia đình, chăm sóc tốt cho các con thì mới có thể nghĩ đến quá trình phấn đấu và nỗ lực được.
Y bác sĩ cũng có hàng tá hóa đơn, các khoản tiền phải chi trả mỗi tháng, và đương nhiên cũng phải ăn uống, chi tiêu như bao người. Áp lực của nhân viên y tế bây giờ không những chỉ là công việc, mà còn là áp lực về thời gian.
Trước đây, lương thấp nhưng công việc của bác sĩ ở mức độ vừa phải nên nhiều người lựa chọn ở lại gắn bó, để có thời gian chăm sóc gia đình. Nhưng hiện tại, bác sĩ phải làm đêm, tăng ca liên tục không biết cuối tuần là gì hay nghỉ ngơi ra sao.
Hiện nay, mức phí để trả cho một đêm trực cấp cứu 24h cũng chỉ khoảng 115.000 đồng. Số tiền ít ỏi này chưa đủ để chúng tôi có thể ăn đủ ba bữa, mua thêm cà phê uống để tỉnh táo trực cả đêm.
Tôi tự so sánh thì thấy công nhân khi tăng ca thứ bảy, chủ nhật còn được nhà máy xem xét tính lương gấp đôi. Bản thân tôi cứ đi trực đêm về đến hai, ba hôm sau vẫn rất mệt mỏi và căng thẳng. Và khi chưa kịp phục hồi sức khỏe lại tới ca trực mới.
Đó là chưa kể đến việc phải bỏ con nhỏ 12 tháng tuổi ở nhà để đi trực, nếu như không có ông bà hoặc người thân ở gần hỗ trợ, tôi chẳng biết phải xoay xở thế nào.
Cậu tôi là bác sĩ đi làm liên tục gần 25 năm. Cách đây 5 năm, cậu tôi đã lấy bằng tiến sĩ y khoa, hiện là trưởng khoa của một bệnh viện trung ương nhưng mức lương cứng hiện tại của cậu dưới 6 triệu đồng.
Thu nhập hai vợ chồng cậu không đủ thuê nhà, nuôi hai đứa con, nên làm mãi vẫn không dám ra riêng, đành phải ở nhờ nhà ông bà. Để có thêm thu nhập, sau giờ làm cậu tôi phải chạy hàng chục km đến chăm sóc người bệnh tại nhà.
Sinh viên theo học đại học y dược phải mất khoảng thời gian dài gần 6 năm đào tạo trong khi phần lớn các bạn theo học những đại học khác chỉ có 4 năm. Sau khi ra trường, nếu chỉ chờ vào lương, thu nhập của bác sĩ thậm chí còn kém hơn rất nhiều ngành khác.
TRẦN BÌNH AN (Hà Nội)