Nhân viên y tế phun thuốc diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ cao ở Đà Nẵng - Ảnh: Đ.Dũng
Tính đến ngày 10/7, thành phố đang có 345 ổ dịch nhỏ. Liên Chiểu là một trong những quận có số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) cao nhất với 1.019 ca, cao gấp 40 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Bệnh nhân Nguyễn Thị H. (trú phường Hòa Khánh Nam) cho biết: “Khu tôi sống nhiều vùng nước đọng cạnh bãi rác, nhiều khu đất để hoang cây cối mọc um tùm nên sinh ra nhiều muỗi. Dù có mua thuốc phun, bôi kem hằng ngày vẫn không tránh được bệnh”.
Đến nay, phường Hòa Khánh Nam có gần 300 ca SXH. Để ứng phó, UBND phường yêu cầu tổ dân phố, Ban công tác mặt trận khu dân cư phun thuốc, dọn vệ sinh môi trường, khai thông cống rãnh, diệt lăng quăng…
Huyện Hòa Vang là địa phương ghi nhận có số ca mắc SXH cao thứ hai trên toàn thành phố. Tính đến ngày 17/7, huyện có 603 ca mắc, tập trung chủ yếu ở xã Hòa Sơn, Hòa Khương, Hòa Phong…
CDC Đà Nẵng cho biết, theo chuyên gia dự báo, dịch SXH sẽ đạt đỉnh vào tháng Tám tới đây và các địa phương cần tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống SXH.
Ông Nguyễn Nhường - Phó chủ tịch UBND quận Liên Chiểu - cho biết đã ký nhiều công văn yêu cầu các ban, ngành, đoàn thể, trung tâm y tế quận và UBND các phường tăng cường phòng, chống SXH. Trong đó, yêu cầu Trung tâm Y tế quận bảo đảm thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện cấp cứu, điều trị và giường bệnh để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch hiệu quả; chủ động phun hóa chất diệt muỗi tại các ổ dịch trên địa bàn…
Theo Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Ngô Thị Kim Yến, nguy cơ dịch bệnh bùng phát trên diện rộng rất cao nếu không khẩn trương triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng, chống dịch. Do đó, UBND TP. Đà Nẵng đã triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và truyền thông phòng, chống dịch SXH.
Trong đó yêu cầu 100% xã, phường đồng loạt tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy với 100% hộ dân, nhà trọ phòng trọ, khu đất trống, công trình xây dựng, cơ sở thờ tự tôn giáo, cơ sở kinh doanh dịch vụ. Duy trì 100% hộ gia đình ở khu vực có nguy cơ cao được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 lần/tuần. Hộ gia đình tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao được kiểm tra 2 tuần/1 lần. Các hộ gia đình tại các khu vực còn lại được kiểm tra và diệt lăng quăng, bọ gậy 1 tháng/1 lần.
Tại các cơ sở điều trị, Sở Y tế Đà Nẵng yêu cầu thiết lập đường dây nóng hội chẩn, chuyển tuyến giữa các đơn vị; phân công chế độ trực chuyên môn sẵn sàng tiếp nhận điều trị, đánh giá, chuyển tuyến bệnh nhân kịp thời; đảm bảo thiết bị, thuốc, vật tư y tế, hóa chất đáp ứng với yêu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân an toàn, hiệu quả.
Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên theo Sở Y tế TP. Đà Nẵng, hiện còn một số khó khăn, nhất là việc nâng cao ý thức người dân. Phần lớn người dân còn thờ ơ, chưa tích cực diệt lăng quăng, bọ gậy tại gia đình và khu vực sinh sống một cách thường xuyên. Do đó, Sở Y tế đề nghị UBND TP. Đà Nẵng chỉ đạo ban hành các hướng dẫn về xử phạt các hành vi vi phạm công tác phòng, chống SXH.
Lê Đình Dũng