(Tổ Quốc) - "Khi đến đây, có thể bạn sẽ không bao giờ muốn về nhà nữa."
Hơn 30 năm về trước, nhà thám hiểm người Hà Lan - Max Ammer đi theo chỉ dẫn của một cựu chiến binh đến thăm khu vực máy bay rơi từ Thế chiến II tại Indonesia. Những cuộc thám hiểm dưới đáy biển kéo dài 4 tháng đã đưa ông tìm đến vùng biển Raja Ampat ở tỉnh phía tây Papua của Indonesia.
Raja Ampat nằm ở khu vực địa hình tương đối hiểm trở nên ít khách du lịch có thể tiếp cận tới. CNN gọi vùng biển nguyên sơ này là "thiên đường cuối cùng trên Trái Đất".
Vùng biển Raja Ampat. Hình ảnh: CNN travel
Mạng lưới khu bảo tồn biển Raja Ampat trải dài hơn 4 triệu ha và bao gồm khoảng 1.500 hòn đảo. Nơi đây được công nhận là có đa dạng sinh học biển phong phú nhất trên Trái Đất, là nơi trú ngụ của 1.600 loài cá, khoảng 75% loài san hô được biết đến trên thế giới đều có thể được tìm thấy ở khu vực này.
Khoảng 2 thập kỷ trước, tiến sĩ Gerry Allen của tổ chức Bảo tồn Quốc tế lặn ở Cape Kri - rạn san hô nổi tiếng nơi đây, đã đếm được 327 loài cá chỉ trong một lần lặn. Một thập kỷ sau, con số ấy đã lên đến 374 loài trong 90 phút.
Thiên đường dành cho các du khách yêu thích lặn. Hình ảnh: CNN
Tình yêu mãnh liệt dành cho Raja Ampat và người dân địa phương đã thôi thúc nhà thám hiểm Max Ammer mở khu nghỉ dưỡng sinh thái cùng 2 khách sạn ở vịnh gần đó. Ở đây, 90% nhân viên là người dân địa phương, họ còn được đào tạo để trở thành thợ lặn chuyên nghiệp, đồng hành cùng du khách đi trải nghiệm thế giới thủy sinh hoang sơ bậc nhất thế giới.
Ngoài ra, hầu hết phòng ốc ở đây được xây dựng bằng các vật liệu địa phương góp phần kéo dài tuổi thọ của gỗ. Mái nhà còn được làm bằng lá cọ được thu mua từ các cộng đồng cư dân trong khu vực.
Khu nghỉ dưỡng ở Raja Ampat. Hình ảnh: CNN
Raja Ampat có loài động vật chân đốt lớn nhất trên cạn là cua dừa, cùng các loài chim khác lạ như vẹt mào vàng, chim Hồng Hoàng mỏ sừng hay diều lửa. Ở đây còn được bao phủ bởi nhiều diện tích rừng ngập mặn - nơi được gọi là vườn ươm cá con và như một nơi ẩn náu của cáo bay, dơi ăn quả.
Những loài sinh vật biền đa dạng. Hình ảnh: CNN
Trại cá mập
Không chỉ ông Max Ammer, nhà đồng sáng lập Misool Eco Resort và Misool Foundation nổi tiếng là cô Marit Miners cũng là 1 người dành rất nhiều tình yêu cho Raja Ampat.
Tình yêu của cô với Raja Ampat bắt đầu từ chuyến đi du lịch năm 2005 - nơi đã đưa cô tìm thấy người chồng tương lai đam mê lặn biển của mình. Vào lần hẹn hò thứ 3, anh mời cô đi lặn ở Raja Ampat. "Không giống như bất cứ điều gì tôi từng trải nghiệm trước đây, cả trên cạn và dưới nước" - cô kể lại.
Khung cảnh tuyệt đẹp dưới đáy biển khơi. Hình ảnh: CNN
Và rồi, cặp đôi đã nảy ra ý tưởng biến khu bảo tồn biển Misool thành "khu vực cấm". Tất cả các hoạt động đánh bắt và săn bắn sẽ bị cấm trong khu vực rộng 300.000 mẫu Anh. Khu vực này trước đây là nơi sinh sống của rất nhiều loài cá mập nhưng qua thời gian cùng vô số hoạt động săn bắt của con người, số lượng cá mập chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Thế nên 2 vợ chồng Miners đã quyết tâm cải tạo thành mô hình "trại vây cá mập" để bảo tồn loài vật này và tạo cơ hội cho du khách được trải nghiệm cảm giác "hoang sơ" đầy kích thích.
Để vừa bảo tồn phát triển "trại cá mập" vừa bảo vệ môi trường phát triển đời sống cư dân, tính bền vững và thân thiện môi trường của khu nghỉ dưỡng này luôn được đặt lên hàng đầu.
Ví như, pin mặt trời hạn chế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Nước mưa được dùng để sản xuất nước uống. Các khu vườn trong khuôn viên được tận dụng để cung cấp thực phẩm hữu cơ. Các chương trình quản lý chất thải được thiết lập để mua rác nhựa thải trên biển và bán lại cho đơn vị tái chế.
Sinh vật biển tại Raja Ampat. Hình ảnh: CNN
Bởi vậy, các sinh vật biển đang quay trở lại và cuộc sống dưới nước trở nên hấp dẫn hơn đối với các thợ lặn.
"Kể từ năm 2007, sinh khối cá (tại Misool) đã tăng trung bình 250% và quần thể cá mập đã phục hồi." Miners nói. "Đây là lý do tại sao sự cống hiến là cần thiết từ cộng đồng, chính quyền khu vực địa phương, các nhà khoa học, chủ doanh nghiệp, các tổ chức phi lợi nhuận, trường học, các nhà tài trợ và những người ủng hộ có ảnh hưởng trong nước và quốc tế."
Khu vực "trại vây cá mập". Hình ảnh: CNN
Cách thức bảo tồn đáng ngưỡng mộ
Bảo tồn Raja Ampat đã từng là vấn đề đau đầu của chính phủ và người dân yêu tự nhiên nơi đây. Phó chủ tịch cấp cao kiêm chủ tịch điều hành của Konservasi Indonesia nói với CNN rằng: "Khoảng 20 năm trước, Raja Ampat gần như suy tàn vì tình trạng đánh bắt cá thương mại không được kiểm soát hẳn hoi và các hoạt động vui chơi không thân thiện khác".
Cư dân địa phương. Hình ảnh: CNN
Năm 2004, 1 dự án và biệt đội mang tên là "Bird’s Head Seascape" được ra đời nhằm thiết lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển. Mục đích là cố gắng bảo tồn các nguồn tài nguyên biển trong khi đảm bảo an ninh lương thực và lợi ích kinh tế bền vững cho người dân địa phương.
Các độc giả có thể được chiêm ngưỡng thế giới sinh vật biển đa dạng bậc nhất tại thư viện điện tử của Bird’s Head Seascape .
Kể từ khi sáng kiến ra đời, quần thể cá đã tăng trở lại, nạn săn bắt trộm của ngư dân bên ngoài giảm khoảng 90%, san hô đang phục hồi, an ninh lương thực và sinh kế lâu dài cho cộng đồng địa phương được cải thiện.
Thu hút cộng đồng địa phương trở thành thành viên tích cực của nỗ lực bảo tồn là chìa khóa thành công của chiến dịch này.
Bầu trời đêm tại Raja Ampat. Hình ảnh: CNN
Đầu năm nay, mạng lưới khu sinh thái biển Raja Ampat - bao gồm 10 khu bảo tồn trải rộng hơn 2 triệu ha - đã được trao Giải thưởng "Blue Parks" (tạm dịch là Công viên xanh) - giải thưởng cho các công viên biển đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất về hiệu quả bảo tồn.
Raja Ampat có lẽ đúng như ông Ammer đã nói: "Khi đến đây, có thể bạn sẽ không bao giờ muốn về nhà nữa."