Bác sĩ Vũ Xuân Vinh, Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa - Gan mật tụy (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, nhiều người chủ quan với dấu hiệu đi ngoài ra máu, chỉ đơn giản nghĩ do táo bón, trĩ... mà không nghĩ đến nguy cơ ung thư đại trực tràng.
Triệu chứng đi ngoài ra máu gặp ở nhiều bệnh lý khác nhau, cảnh báo bệnh lý vùng hậu môn như trĩ hoặc táo bón. Những bệnh này cũng gây hiện tượng đi ngoài ra máu do tổn thương niêm mạc hậu môn.
"Tuy nhiên, đây cũng là triệu chứng cảnh báo bệnh lý ung thư vùng hậu môn - trực tràng", BS Vinh cảnh báo.
BS Vinh từng tiếp nhận điều trị trường hợp người phụ nữ 54 tuổi, chị N.T.M. đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai vì xuất hiện triệu chứng đi ngoài ra máu đỏ tươi, dù số lượng rất ít.
Đáng nói, tình trạng này kéo dài suốt 2 tháng bệnh nhân mới đến viện. Bệnh nhân cho biết, chị nghĩ mình bị táo bón, hoặc trĩ, nhưng ngại đi khám. Hơn nữa chị cũng không nghĩ bệnh lý nghiêm trọng do lượng máu đỏ tươi rất ít bao quanh phân.
Kết quả khi khám, bác sĩ sờ thấy khối u sần sùi gần sát rìa hậu môn. Khối u tiến triển sùi vào lòng trực tràng, dẫn đến dễ chảy máu khi đi đại tiện. Sau đó, bệnh nhân được chỉ định nội soi trực tràng, phát hiện có khối u sùi trực tràng thấp cách rìa hậu môn 5cm, chiếm gần hết chu vi. Sinh thiết tổn thương cho kết quả là tế bào ung thư biểu mô tuyến biệt hóa vừa. Bệnh nhân M tiếp tục được chỉ định chụp cộng hưởng từ để đánh giá giai đoạn của khối u. Trên cơ sở đó, các bác sĩ có thể lập phương án điều trị tối ưu nhất.
Kết quả chụp cộng hưởng từ của bệnh nhân này cho thấy khối u còn khu trú ở thành trực tràng, chưa xâm lấn vào tổ chức xung quanh và cơ thắt. Đây là cơ sở để các bác sĩ thực hiện phẫu thuật loại bỏ phần trực tràng có khối u và giữ lại cơ thắt hậu môn, đảm bảo chức năng đại tiện cho người bệnh.
Vì thế, BS Vinh khuyến cáo, đừng chủ quan với dấu hiệu đi ngoài ra máu. Hãy đi khám sớm để được khám loại trừ với các bệnh lý khác. Trong trường hợp là ung thư đại trực tràng, việc phát hiện sớm cũng mang lại hiệu quả điều trị cao, tăng chất lượng sống cho người bệnh.