Chiều 8/9, phát biểu góp ý về Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội) khẳng định, giá dịch vụ khám chữa bệnh là vấn đề khó nhất, phức tạp nhất và cũng rắc rối nhất.
Ông Trí cho rằng, nếu giải quyết hiệu quả sẽ tháo gỡ được nhiều khó khăn, mở ra cơ hội tự chủ cho các cơ sở y tế, xã hội hóa ngành y tế.
"Lần sửa đổi luật này là cơ hội để sửa giá dịch vụ y tế, hướng tới thực hiện đúng chủ trương của Đảng về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh. Cùng với đó là sửa đổi các quy định hiện hành để các cơ sở y tế quản lý được, thực hiện được một cách công khai, thuận lợi", ông Trí nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (TP Hà Nội).
Tại Điều 106 của dự thảo Luật quy định, giá khám bệnh, chữa bệnh được xác định dựa trên chi phí tính đầy đủ các yếu tố chi phí, phù hợp với khả năng chi trả và khuyến khích nâng cao chất lượng, phát triển kỹ thuật chuyên môn. GS.TS Nguyễn Anh Trí nêu rõ, chỉ quy định "tính đủ" thì sẽ không đảm bảo được về việc "tính đúng".
"Cần sửa đổi dự thảo luật theo hướng nhấn mạnh tiêu chí "tính đúng, tính đủ" giá dịch vụ y tế, đồng thời quy định cụ thể về chủ thể xác định giá dịch vụ, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, đảm bảo các quy định của Luật đi vào đời sống và tạo được hiệu quả rõ ràng khi Luật được ban hành và áp dụng trong thực tiễn" , vị đại biểu chia sẻ.
Cũng nêu ý kiến về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (đoàn đại biểu Quốc hội Tiền Giang) cho rằng, dự thảo luật đang quy định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh do cơ sở cung cấp.
"Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm thực hiện việc niêm yết công khai và chịu sự kiểm tra các yếu tố hình thành giá theo quy định của pháp luật về giá. Theo tôi cần phải nghiên cứu thêm vấn đề này" , bà Cầm nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm (Tiền Giang).
Đại biểu nêu rõ, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân thông qua hoạt động khám bệnh, chữa bệnh là lĩnh vực đặc biệt quan trọng liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền được chăm sóc sức khỏe, được đảm bảo, an sinh xã hội của Nhân dân. Chi phí khám bệnh, chữa bệnh có tác động trực tiếp đến Quỹ bảo hiểu y tế, ngân sách Nhà nước cũng như tài chính của mỗi người dân.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Cầm nhận định: "Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh là dịch vụ đặc biệt, người bệnh không có quyền thỏa thuận trả giá. Do đó, thực hiện nguyên tắc lấy người bệnh làm trung tâm và để đảm bảo quyền lợi của người bệnh, trong bối cảnh hệ thống y tế công ngày càng quá tải và nguy cơ dịch bệnh ngày càng gia tăng thì thẩm quyền quyết định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh cần thực hiện theo nguyên tắc Nhà nước thống nhất quản lý về giá" .
Theo bà Cầm, Nhà nước ban hành dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Nhà nước cũng cần quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế, thực hiện cơ chế tự chủ và xã hội hóa.
Anh Văn