Trang Chủ > Sức khỏe > Đau thương ập xuống

Đau thương ập xuống

vtc
08/07/2022 08:24:15

“Ba từng là y tá, sau đó nghỉ việc ở bệnh viện, làm “bác sĩ gia đình” khám chữa tại nhà. Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2021, khi đợt dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở TP.HCM, ông xách túi thuốc, đến thăm khám cho người bệnh.” – Nguyễn Thanh Phong (18 tuổi, ngụ tại Q8, TP.HCM) kể lại.

Đau thương ập xuống-1
Đau thương ập xuống-2

Nhiều người khuyên nên hạn chế ra ngoài, nhưng ông không nghe, cứ ai gọi nhờ chữa bệnh là đi. Có lúc, ông phụ trách 9-10 bệnh nhân, trong số họ, nhiều người đã ủ bệnh, có người bệnh rất nặng.

Giữa tháng 8/2021, mẹ mắc COVID-19. Ba chăm mẹ, rồi cũng mắc. Ông nhập viện điều trị được 2 ngày thì qua đời. Phải một thời gian sau, tro cốt của ba mới được gửi về. Suốt thời gian đó, mẹ giữ nỗi đau một mình. Những lời cuối cùng của ba, tôi chỉ được nghe trong ghi âm của mẹ.

Ngày biết tin ba mất, tôi đóng cửa phòng, khóc suốt. Nước mắt cứ thế rơi, kìm không được. Suốt 3 ngày, tôi ở trong phòng. Tôi không muốn ai thấy mình suy sụp.

“Đôi lúc nghĩ, giá mà ba cẩn thận hơn, giá mà ba chỉ ở nhà trong đợt dịch, có lẽ đã không nhiễm bệnh. Nhưng ba chọn nghề y cho cuộc đời mình thì không bao giờ bỏ bệnh nhân trong dịch bệnh. Có lẽ thẳm sâu trong lòng, ba không hối hận vì những ngày tận tâm cứu giúp người”, tôi tự nhủ.

Đau thương ập xuống-3
Đau thương ập xuống-4

Tháng 10/2021, TP.HCM gỡ bỏ phong tỏa. Tôi trở lại thành phố. Ở tuổi 17, tôi phải học cách trở thành trụ cột gia đình.

Bữa cơm gia đình giờ chỉ còn 2 người, nhưng vẫn đủ 3 chén cơm. Tôi và mẹ để ảnh ba trên điện thoại tựa vào mâm cơm, rồi mời ba về ăn cùng. Mỗi tối, thắp nhang xong, tôi ôm mẹ, rồi nhìn lên ảnh thờ, cảm giác thật gần mà lại quá xa, không thể nào với tới. Mẹ vẫn khóc nấc giữa đêm vì nhớ ba.

Tôi dành thêm chỗ cho đồ đạc của ba trên căn gác xép nơi để bàn học. Túi đựng thuốc men. Chiếc ghế mà ba thích ngả lưng. Thỉnh thoảng, tôi lại nhớ cảnh hai cha con đạp xe trên đường Cao Lỗ. Hơi ấm của ba như vẫn đâu đây, ấm áp và trìu mến.

Tôi quyết định không theo nghề y.

Tôi nuôi ước mơ thi vào Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM. Ba nói tôi chỉ cần đậu đại học, phấn đấu thành người tử tế là được. Ở thế giới bên kia, chắc ba sẽ hài lòng bởi tôi lựa chọn con đường thành người như ông đã từng.

Đau thương ập xuống-5
Đau thương ập xuống-6

“Ở TP.HCM, có gia đình cả nhà là F0, phải chia tách mỗi người mỗi ngả để đi cách ly. Nhiều người chia tay ba mẹ để vào viện dã chiến, rồi không ngờ đó là lần cuối gặp gỡ. Những người hôm nay còn nhìn nhau bằng xương bằng thịt, sau vài ngày, chỉ thấy nhau qua di ảnh và khối tro lạnh. Gia đình của tôi chịu bi kịch như thế”, Nguyễn Gia Phú (19 tuổi, ngụ tại Thủ Đức, TP.HCM) kể lại với phóng viên.

Cuối tháng 7/2021, tôi nhận kết quả thi tốt nghiệp THPT Quốc gia và đậu nguyện vọng đăng kí. Tôi báo tin mừng cho ba - khi ấy đang ở Bình Dương làm dân quân tự vệ. Hai ba con chia vui qua màn hình điện thoại bởi mong ước của đại gia đình đã thành hiện thực.

Video: Ký ức đau thương những ngày bùng dịch COVID-19 tại TP.HCM

Đầu tháng Tám, ông nội bắt đầu lên cơn ho, sốt. Ba vội về nhà, đưa ông đi Bệnh viện Thủ Đức xét nghiệm. Ông nhận kết quả dương tính và nhập viện ngay. Ngày hôm sau, nhân viên y tế phường đến xét nghiệm cho cả gia đình. Tôi, bà nội, hai chú và ba đều mắc COVID-19. Tôi cùng người thân vào Bệnh viện Dã chiến ở TP Thủ Đức chữa trị, riêng ba đi viện ở Bình Dương.

Ông nội qua đời ở bệnh viện sau ít ngày. Chưa đầy một tuần sau, ba cũng mất vì COVID-19. Người ta gửi tro cốt của ông và ba về nhà, nhưng vì cả nhà đi cách ly, nên gửi lại ở UBND phường. Mãi tới khi được hàng xóm báo, người thân trong họ mới lên xin mang tro cốt về thờ.

Tôi biết tất cả bi kịch đó cùng một ngày.

Lúc đó, thế giới xung quanh tôi như sụp đổ. Tôi không đứng nổi, chân tay rã rời. Đầu óc không có gì ngoài sự trống rỗng. Ba từng nói, đợt hết dịch, sẽ về đưa tôi đi chơi. Ông nội thương tôi lắm, chăm cho tôi từ ngày còn nhỏ. Nhưng giờ không được nữa rồi.

Tôi nhớ như in ngày rời khỏi bệnh viện dã chiến trở về nhà.

Đau thương ập xuống-7
Đau thương ập xuống-8

Sau cánh cửa sắt cũ là bốn bức tường ẩm thấp, lạnh lẽo, còn ám mùi thuốc khử khuẩn. Bước chân vào nhà, tất cả kỷ vật của bố và ông nội đập vào mắt. Căn nhà từng rộn tiếng người, chìm trong thinh lặng, chỉ còn toàn tang thương.

Tôi thấy cô độc và mệt mỏi kiệt cùng. Nước mắt dường như không còn rơi được nữa, đau đến mức nghẹn lòng. Tôi từng suy nghĩ tiêu cực, hay là chết đi cho rồi. Nhưng tôi còn bà nội nữa. Tôi phải sống tiếp.

Ngày bà nội về nhà sau hơn 2 tháng điều trị tại bệnh viện dã chiến, gia đình giấu việc ba tôi mất. Cả nhà sợ bà biết chuyện sẽ suy sụp, không qua khỏi. Ban thờ của ba được chuyển sang nhà cô họ để giữ bí mật. Còn bà nội được bác tôi đưa về chăm sóc.

Nhưng bà hỏi suốt, “thằng Lộc (ba tôi) khỏe không? Sao nó không về thăm má? Sao không gọi gì cả? Hay nó làm sao rồi”. Một thời gian sau, biết không thể giấu mãi được, chúng tôi mới nói. Bà suy sụp. Cả nhà ly tán vì dịch bệnh, rồi chẳng bao giờ đầy đủ được như trước.

100 ngày sau khi ông nội và ba qua đời, gia đình tôi làm lễ rước hai người về thờ, còn tro cốt gửi ở chùa. Đôi lúc, tôi tự nói với lòng rằng ba chỉ đang đi làm xa nhà. Một ngày đẹp trời, ba sẽ lại trở về trên chiếc xe quen thuộc, nở nụ cười trìu mến rồi gọi tôi ra để gửi quà, đôi lúc là bánh kẹo, dẫu chẳng đắt tiền nhưng đầy ắp yêu thương.

Video: Số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam trong giai đoạn 4