Dấu hiệu nhận biết sốc sốt xuất huyết
Phần lớn người nhiễm virus hồi phục sau vài ngày với các triệu chứng đau nhức và sốt, nhưng trong một số trường hợp, bệnh sốt xuất huyết có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng hơn.
Ở trẻ em, sốt xuất huyết Dengue có thể tiến triển thành hội chứng sốc nguy hiểm khi huyết tương thoát ra khỏi các mạch máu nhỏ.
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng khá đa dạng, diễn biến rất nhanh từ thể nhẹ đến thể nặng. Bệnh sốt xuất huyết thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn gồm: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục.
Giai đoạn nguy hiểm của sốt xuất huyết với biểu hiện của sốc, gây suy tuần hoàn cấp. Người bệnh có triệu chứng vật vã, bứt rứt hoặc li bì; lạnh đầu chi, da lạnh ẩm; mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hiệu số huyết áp tối đa và tối thiểu từ 20 mmHg trở xuống hoặc tụt huyết áp hay không đo được huyết áp, đi tiểu ít.
Khi người bệnh có một trong các biểu hiện thoát huyết tương nặng dẫn đến sốc giảm thể tích (sốc sốt xuất huyết Dengue), ứ dịch ở khoang màng phổi và ổ bụng nhiều; xuất huyết nặng; suy tạng.
- Sốc sốt xuất huyết Dengue được chia ra 2 mức độ:
Sốc sốt xuất huyết Dengue: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt hoặc tụt, kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã li bì.
Sốc sốt xuất huyết Dengue nặng: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được.
Chú ý: Trong quá trình diễn biến, bệnh có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy khi thăm khám cần phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
- Xuất huyết nặng:
Chảy máu cam nặng (cần nhét gạc vách mũi), rong kinh nặng, xuất huyết trong cơ và phần mềm, xuất huyết đường tiêu hóa và nội tạng, thường kèm theo tình trạng sốc nặng, giảm tiểu cầu, thiếu oxy mô và toan chuyển hóa có thể dẫn đến suy đa phủ tạng và đông máu nội mạch nặng.
Xuất huyết nặng cũng có thể xảy ra ở người bệnh dùng các thuốc kháng viêm như Acetylsalicylic Acid (aspirin), Ibuprofen hoặc dùng Corticoid, tiền sử loét dạ dày, tá tràng, viêm gan mạn.
- Suy tạng nặng:
Suy gan cấp, men gan AST, ALT ≥ 1000 U/L.
Suy thận cấp.
Rối loạn tri giác (Sốt xuất huyết thể não).
Viêm cơ tim, suy tim, hoặc suy chức năng các cơ quan khác.
- Suy tuần hoàn cấp thường xảy ra vào ngày thứ 3 - 7 của bệnh.
Cách phòng bệnh tránh biến chứng sốc sốt xuất huyết
Cách phòng bệnh tốt nhất là diệt muỗi, lăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt.
- Loại bỏ nơi sinh sản của muỗi, diệt lăng quăng/bọ gậy bằng cách:
Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn (bể, giếng, chum, vại...) để diệt lăng quăng/bọ gậy.
Thau rửa các dụng cụ chức nước vừa và nhỏ (lu, khạp…) hàng tuần.
Thu gom, hủy bỏ các vật dụng phế thải trong nhà và xung quanh nhà như chai, lọ, mảnh chai, mảnh lu vỡ, ống bơ, vỏ dừa, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... dọn vệ sinh môi trường, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến.
Bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn/tủ đựng chén bát, thay nước bình hoa/bình bông.
- Phòng chống muỗi đốt:
Mặc quần áo dài tay.
Ngủ trong màn/mùng kể cả ban ngày.
Dùng bình xịt diệt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt điện diệt muỗi...
Dùng rèm che, màn tẩm hóa chất diệt muỗi.
Cho người bị sốt xuất huyết nằm trong màn, tránh muỗi đốt để tránh lây lan bệnh cho người khác.
Tích cực phối hợp với chính quyền và ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Gia Huy