Trang Chủ > Sức khỏe > Đau chân, chuột rút khi vận động…, coi chừng mắc hội chứng bẫy động mạch khoeo

Đau chân, chuột rút khi vận động…, coi chừng mắc hội chứng bẫy động mạch khoeo

Sức Khỏe và Đời Sống
09/07/2022 08:21:58

1.Hội chứng bẫy động mạch khoeo

Nguyên nhân hội chứng bẫy động mạch khoeo do một tình trạng cơ vùng bắp chân phát triển "lấn sân" ở vị trí không bình thường hoặc phì đại đã tạo một đè ép lên động mạch chính phía sau gối - vùng khoeo chân, hay còn gọi là động khoeo chân. Khi động mạch này bị "mắc kẹt", khiến cho dòng máu khó khăn luân chuyển xuống phía dưới cẳng bàn chân, gây ra những rối loạn nhất định cho cẳng bàn chân tùy theo thời gian đã bị chèn ép lâu hay mau, mức độ chèn ép.

NỘI DUNG:

1.Hội chứng bẫy động mạch khoeo

2.Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây hội chứng bẫy động mạch khoeo

3.Dấu hiệu của hội chứng bẫy động mạch khoeo

4. Biến chứng hội chứng bẫy động mạch khoeo

5.Chẩn đoán hội chứng bẫy động mạch khoeo

6. Điều trị hội chứng bẫy động mạch khoeo

2.Nguyên nhân và yếu tố thuận lợi gây hội chứng bẫy động mạch khoeo

Hầu hết hội chứng này là do sự bất thường của khối cơ bụng chân. Tình trạng này có thể do bẩm sinh hoặc phát triển trong quá trình sinh hoạt lao động (bị mắc phải). Khối cơ bụng chân phát triển bất thường tạo nên một sự chèn ép lên động mạch khoeo, làm giảm cung lượng máu đến phần xa của chân trong quá trình vận động, khiến lượng máu cung cấp cho chi trong lúc hoạt động không đủ. Khi đó cơ bị thiếu máu nuôi, gây nên các triệu chứng đặc trưng.

Ngoài ra, người ta còn thấy các yếu tố nguy cơ hội chứng bẫy động mạch khoeo là

- Yếu tố tuổi trẻ: hội chứng bẫy động mạch khoeo này gặp hầu hết ở tuổi quanh 20. Rất hiếm khi gặp tuổi trên 40.

- Yếu tố giới: Hội chứng bẫy động mạch khoeo có thể gặp ở bất cứ giới nào, tuy nhiên vẫn thường gặp ở nam giới nhiều hơn.

-Yếu tố luyện tập thể thao: Hội chứng bẫy động mạch khoeo hay gặp ở những người vận động các môn thể thao chịu sức căng cơ chân, chạy, đạp xe, các môn điền kinh khác cần sức co cơ nhanh, hoặc thường xuyên được huấn luyện nặng cường độ cao.

Đau chân, chuột rút khi vận động…, coi chừng mắc hội chứng bẫy động mạch khoeo-1

Khi luyện tập thể thao nếu thấy đau chân hoặc bị chuột rút phía sau bụng chân..., coi chừng mắc hội chứng bẫy động mạch khoeo.

3.Dấu hiệu của hội chứng bẫy động mạch khoeo

Biểu hiện dễ nhận thấy của hội chứng bẫy động mạch khoeo là bị đau hoặc bị chuột rút phía sau phần thấp cẳng chân (bụng chân) – điều này thường xảy ra khi tập thể dục chạy nhảy, nhưng khi nghỉ ngơi thì lại hết đau, hết chuột rút.

Ngoài ra còn có các biểu hiện khác như:

-Lạnh bàn chân sau tập thể dục.

- Ngứa ran hoặc nóng ran vùng bụng chân.

- Tê bì vùng bụng chân do bị chèn ép thần kinh kèm theo thiếu máu nuôi dưỡng.

Nếu tĩnh mạch cạnh bên của động mạch cũng bị "kẹt bẫy" như động mạch, bởi khối cơ bụng chân, thì có thể sẽ có thêm các triệu chứng như:

-Nặng chân

-Chuột rút ban đêm

-Phù nề vùng bụng chân

-Thay đổi màu sắc da quanh khối cơ bụng chân, cẳng bàn chân

-Cục máu đông vùng thấp cẳng chân (cục máu đông trong lòng tĩnh mạch).

4. Biến chứng hội chứng bẫy động mạch khoeo

Việc động mạch khoeo bị chèn ép lâu ngày có khả năng gây hẹp lòng mạch, và đó là nguyên nhân gây chuột rút, lâu dần gây đau thường xuyên dù chỉ hoạt động nhẹ nhàng, như đi bộ bình thường.

Những trường hợp nặng hoặc bỏ sót chẩn đoán, lâu ngày, thần kinh cơ vùng cẳng chân cũng sẽ bị tổn thương, cơn đau thường xuyên hơn, đau ngay khi ở trạng thái nghỉ ngơi. Các cục máu đông có thể sẽ được hình thành ở vùng thấp cẳng chân (đông máu hệ tĩnh mạch sâu). Do vậy các vận động viên điền kinh lớn tuổi nên kiểm tra hệ tĩnh mạch sâu xem có có phình mạch động mạch khoeo hay không.

Vì vậy, khi thấy đau vùng cẳng chân, đặc biệt có dấu hiệu chuột rút trong lúc tập thể dục và thấy đỡ hơn khi nghỉ ngơi… cần đến cơ sở y tế để được các bác sĩ chẩn đoán và tư vấn đầy đủ.

5.Chẩn đoán hội chứng bẫy động mạch khoeo

Sau khi khám lâm sàng các bác sĩ nghi ngờ hội chứng bẫy động mạch khoeo sẽ chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh… để xác định bệnh. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp cắt lớp vi tính mạch máu, cộng hưởng từ, chụp mạch số hóa xóa nền có vai trò quan trọng trong chẩn đoán xác định và chẩn đoán nguyên nhân của bệnh lý. Đặc biệt siêu âm Doppler là phương pháp đơn giản nhất để chẩn đoán ban đầu và loại trừ các nguyên nhân khác.

6. Điều trị hội chứng bẫy động mạch khoeo

Phẫu thuật là cách duy nhất để giải phóng chỗ chèn ép cơ bụng chân, và giải phóng mạch máu khỏi bẫy. Phẫu thuật sẽ loại bỏ chỗ bị chèn ép của khối cơ, mạch máu khi đó được làm rộng rãi xung quanh, có thể sẽ bóc lớp vỏ áo thần kinh của mạch máu một phần để mạch máu giãn nở tăng kích thước.

Nếu tình trạng chèn ép này diễn ra trong một thời gian dài, có thể sẽ cần một phẫu thuật bắt cầu động mạch để dẫn lưu máu xuống phía dưới, phẫu thuật này chỉ thực sự cần thiết khi chổ hẹp mạch máu nặng trong một thời gian dài.

Việc phẫu thuật không làm ảnh hưởng đến chức năng vận động của cẳng chân sau mổ, các triệu chứng khó chịu sẽ mất đi sau mổ. Sau 2-3 tuần bạn có thể trở lại tập thể dục lại như thường.

Tóm lại, bẫy động mạch khoeo là bệnh lý hiếm gặp do bất thường cấu trúc giải phẫu của vùng cơ bắp chân gây chèn ép động mạch khoeo. Vì vậy, khi có hiện tượng mỏi chân, đau cứng bắp chân, cảm giác châm chích, dị cảm và lạnh bàn chân khi vận động thể lực, ví dụ như chạy bộ, đi cầu thang hay mang vác nặng… cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và chữa trị.

Mời độc giả xem thêm vieo:

Xót Xa Hàng Nghìn Nhân Viên Y Tế Nghỉ Việc Vì Lương Không Đủ Sống, Đừng Ví Họ Là Anh Hùng | SKĐS