Những ngày qua, TP Cần Thơ triển khai các đợt tiêm chủng vaccine mũi 4, tuy nhiên, người dân đã không mặn mà đến tiêm chủng.
Việc tiêm vaccine mũi 4 vẫn rất cần thiết.
Ông T. (ngụ phường An Khánh, quận Ninh Kiều) cho biết trước đó, ông đã tiêm đủ 3 mũi vaccine AstraZeneca và cho rằng tiêm như vậy đã là đủ.
“Cơ thể đã có miễn dịch nên tui không muốn tiêm nữa. Với lại nhiều tháng qua, cuộc sống đã trở lại bình thường, hàng ngày tui vẫn tiếp xúc, mua bán trao đổi công việc với mọi người, nhưng không có vấn đề gì”, ông T. nêu lý do.
Tương tự, ông P.M.H. (phường Tân An) cho hay: “Tui cũng đã tiêm đủ 3 liều vaccine gồm: 2 liều AstraZeneca và 1 liều Pfizer.
Dạo trước tui cũng từng bị F0 nên kháng thể trong người rất tốt. Mấy ngày qua, tui có nhận tin nhắn kêu đi tiêm mũi 4, nhưng tui không đi. Tính đến nay, họ đã gửi tin nhắn 2 lần”.
Theo ghi nhận của PV, đầu tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã ký văn bản gửi các đơn vị về việc phân bổ 169.650 liều vaccine Pfizer tiêm chủng phòng dịch Covid-19 .
Trên cơ sở này, các địa phương và đơn vị đã triển khai các đợt tiêm chủng liều cơ bản, liều bổ sung và liều nhắc lại cho tất cả các đối tượng từ 18 tuổi trở lên đang sinh sống, học tập và công tác trên địa bàn Cần Thơ.
Hiện nay, vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả ứng phó với biến thể mới.
Trong đó, ưu tiên tiêm cho người từ 50 tuổi trở lên; người từ 18 tuổi trở lên có suy giảm miễn dịch từ thể vừa đến thể nặng, người từ 18 tuổi trở lên thuộc nhóm nguy cơ cao phơi nhiễm với Covid-19; cán bộ y tế , cán bộ tuyến đầu, công nhân, người làm việc các khu công nghiệp đã tiêm đủ liều cơ bản, liều bổ sung, liều nhắc lại lần 1 đến hạn tiêm liều nhắc lại lần 2 (mũi 4).
Tuy nhiên, rất nhiều người dân đã không mặn mà, và bỏ qua các đợt tiêm chủng.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, một cán bộ có chức trách thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ, cho biết: sau thời gian dài trở lại cuộc sống bình thường, người dân đã có dấu hiệu xem thường nguy cơ dịch bệnh.
Thậm chí trong suy nghĩ của nhiều người, dịch bệnh đã không còn tồn tại. Từ đó, họ không còn mặn mà với việc tiêm vaccine.
Tuy nhiên đó là suy nghĩ không đúng. Vì kháng thể của những lần tiêm trước đó sẽ giảm đi theo thời gian, trong khi virus vẫn tiếp tục xuất hiện nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn.
“Trước tình trạng trên, TP đã liên tục và quyết liệt triển khai các giải pháp tuyên truyền, vận động để người dân hiểu rõ về lợi ích của việc tiêm vaccine nói chung và tiêm mũi 4 nói riêng.
Đến nay tình hình đã khả quan hơn. Trong ngày hôm qua (28/6), toàn TP đã tiêm được hơn 20.000 liều vaccine cho người dân”, vị cán bộ này nói.
Những ngày qua người dân nhiều nơi xôn xao về việc phải ký cam kết, nếu không tiêm và xảy ra dịch thì phải chịu trách nhiệm.
Theo giải thích của Bộ Y tế, việc tiêm vaccine Covid-19 là yêu cầu của phòng chống dịch. Mỗi người dân cần tiêm đúng lịch, đúng liều. Việc ký cam kết là nhằm cam kết giữa 2 bên trong việc thực hiện trách nhiệm của mình.
Đến nay Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vẫn khẳng định vaccine Covid-19 vẫn là chiến lược trong giai đoạn bình thường mới và giai đoạn tiếp theo, đặc biệt khi xuất hiện biến thể mới.
Với biến thể phụ mới của Omciron, vaccine Covid-19 vẫn có hiệu quả ứng phó với biến thể mới. Virus SARS-CoV-2 luôn tiến hoá, thậm chí tiến hóa khôn lường.
Đến nay, thế giới đánh giá sự tiến hóa của virus trên 5 yếu tố: sự lây lan, độ nặng, tăng sức chịu đựng lên đối với vaccine, giảm hiệu quả điều trị, chẩn đoán…