Trường hợp nói trên là cháu N.X.T (6 tuổi, trú tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk).
Trước đó, vào khoảng 15h34 ngày 2/7, cháu T. được người nhà đưa vào Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột để thăm khám. Tại đây, người nhà bệnh nhân cho biết, sau khi ăn trưa, cháu T. ngồi chơi một mình và có nuốt đầu khóa kéo của hộp bút. Sau đó, cháu T. đã kể lại cho mẹ về việc nuốt dị vật này.
Lúc này, cháu T. được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột để thăm khám thì phát hiện di vật là đầu khóa kéo trong dạ dày.
Đầu khóa kéo cháu T. nuốt có chiều dài khoảng 2,5 cm.
Ngay sau khi tiếp nhận, Đơn vị nội soi của Khoa chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng, Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột đã tiến hành gắp dị vật trong dạ dày bệnh nhân T.
ThS.BS.CKI Nguyễn Đức Vượng, Phụ trách Đơn vị nội soi Khoa chẩn đoán hình ảnh thăm dò chức năng thông tin: “Do bệnh nhân còn nhỏ tuổi nên trước khi tiến hành gắp dị vật, chúng tôi đã hội chẩn với các bác sĩ gây mê. Nếu trường hợp bệnh nhân không hợp tác, quấy khóc thì buộc phải gây mê để gắp dị vật. Tuy nhiên, rất may cháu bé hợp tác tốt với các bác sĩ nên dị vật đã được lấy ra khỏi dạ dày của bệnh nhân một cách an toàn. Qua đo đạc, đầu khóa kéo mà bệnh nhân T. nuốt phải có chiều dài khoảng 2,5 cm”.
Bác sĩ Vượng cũng khuyến cáo, phụ huynh và những người chăm sóc trẻ cần quan tâm, theo dõi chặt chẽ hoạt động của trẻ. Khi nghi ngờ trẻ đã nuốt dị vật, cần nhanh chóng đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế để được điều trị, can thiệp kịp thời. Đặc biệt, người bệnh tuyệt đối không nên tự ý điều trị tại nhà, không chữa theo mẹo dân gian, không cố nuốt thêm thức ăn với mục đích làm dị vật “trôi” xuống. Bởi điều này vô tình làm dị vật xuống sâu hơn, có thể làm tổn thương thêm đường tiêu hóa và khiến bệnh thêm phức tạp.
“Đáng nói, đây không phải trường hợp đầu tiên nuốt phải dị vật. Trước đó, vào tối 1/7 Bệnh viện Đại học Buôn Ma Thuột cũng đã thực hiện nội soi lấy dị vật là một viên thuốc nén còn nguyên vỏ nhôm trong thực quản cho bệnh nhân 54 tuổi”, bác sĩ Vượng thông tin.