BSCKII Nguyễn Thu Hường, Trưởng đơn nguyên chống dịch, Trưởng khoa Bệnh Nghề nghiệp, BV Thanh Nhàn cho biết, đơn vị đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 35 tuổi, ở Hà Nội vào viện trong tình trạng nguy kịch khi cùng mắc sốt xuất huyết và COVID-19.
Qua khai thác bệnh sử từ gia đình, bác sĩ được biết, bệnh nhân sốt ngày thứ 2 ở thời điểm nhập viện, có lúc sốt cao tới 40 độ C. Bệnh nhân được người nhà đưa tới bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đau đầu, sốt cao và co giật.
Tại bệnh viện, bệnh nhân được test COVID-19 và cho kết quả dương tính. Ngay sau đó, bệnh nhân được chuyển sang phòng khám sàng lọc của bệnh viện.
Sau đó, các bác sĩ tiếp tục tầm soát cúm A, cúm B và sốt xuất huyết cho bệnh nhân thì phát hiện bệnh nhân có mắc sốt xuất huyết đang diễn biến trong khoảng 1-5 ngày.
May mắn là bệnh nhân được cấp cứu kịp thời nên sau khi điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, sức khỏe của người đàn ông đã ổn định và có thể ra viện.
Bác sĩ Hường cho biết, sốt xuất huyết và COVID-19 đều là bệnh gây ra do virus và có thể gây ra những triệu chứng chồng lấp, gây khó khăn cho việc điều trị cũng như ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.
Nếu bệnh nhân chỉ mắc sốt xuất huyết đơn thuần, triệu chứng là rất mệt mỏi, sốt cao. Nhưng nếu kèm theo mắc COVID-19 thì triệu chứng sẽ nặng nề hơn, vẫn sốt cao, mệt mỏi và phải điều trị kéo dài hơn.
Mắc sốt xuất huyết kèm COVID-19 thì triệu chứng sẽ nặng nề hơn, người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm. Ảnh minh họa
Thông thường, diễn biến của sốt xuất huyết thường diễn ra theo 3 giai đoạn:
- Giai đoạn sốt: Thường diễn ra từ ngày 1 đến ngày 4 của bệnh trong đó sốt cao liên tục, uống thuốc hạ sốt có giảm nhưng sau đó sốt trở lại.
Ngoài ra người bệnh có thể có các triệu chứng khác như đau đầu, đau cơ, đau khớp, chán ăn, buồn nôn…
Đa số trường hợp bệnh sẽ tự thuyên giảm sau 5 ngày và bệnh nhân sẽ hồi phục hoàn toàn sau 1 tuần. Tuy nhiên có một tỷ lệ bệnh nhân chuyển sang giai đoạn nguy kịch.
- Giai đoạn nguy kịch: Gia đoạn này thường từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh, tính từ khi bắt đầu sốt.
Trong giai đoạn này người bệnh hạ sốt đột ngột, đây là dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn là đã hết bệnh. Cùng với đó người bệnh còn có biểu hiện tay chân lạnh, vật vã, lừ đừ, li bì; thậm chí lơ mơ, rối loạn tri giác; cảm giác đau bụng nhiều, liên tục, nhất là tại vùng dưới sườn bên phải, nôn ói, tiểu ít…
Ở giai đoạn này người bệnh xuất hiện các biến chứng chảy máu ở nhiều nơi (xuất hiện chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi, chảy máu nướu răng, ói ra máu, đi tiêu ra máu, phụ nữ có thể bị rong kinh rong huyết).
Ngoài ra, một số trường hợp bệnh nhân xuất hiện viêm cơ tim, tổn thương gan nặng, biến chứng tổn thương đa phủ tạng và có thể nhanh chóng dẫn đến tử vong.
Giai đoạn này người bệnh cần được nhập viện theo dõi điều trị tích cực. Nếu được điều trị kịp thời, tích cực và đúng phương pháp thì bệnh nhân sẽ chuyển qua giai đoạn hồi phục.
- Giai đoạn phục hồi: Thường sau ngày 7 của bệnh. Người bệnh hết sốt và thể trạng bắt đầu tốt dần lên, có cảm giác thèm ăn, huyết động bắt đầu ổn định và người bệnh đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.
Theo Bộ Y tế, hiện nay dịch sốt xuất huyết Dengue đang có chiều hướng gia tăng ở một số địa phương, trong 6 tháng đầu năm 2022 cả nước ghi nhận 89.120 trường hợp mắc, 34 tử vong. So với cùng kỳ năm 2021 (35.936/9) số mắc tăng 148%, tử vong tăng 25 trường hợp.
Dự báo số mắc sốt xuất huyết Dengue thời gian tới tiếp tục gia tăng cùng với đó số nhập viện, số ca nặng cũng tăng lên. Để chủ động trong công tác điều trị, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh Dengue tới mức thấp nhất; Bộ Y tế yêu cầu Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, Y tế các Bộ, ngành nghiêm túc triển khai, tổ chức thực hiện việc phân tuyến điều trị sốt xuất huyết Dengue.