Trang Chủ > Sức khỏe > Chủ quan, nhiều người mất luôn một quả thận

Chủ quan, nhiều người mất luôn một quả thận

Tiin
15/07/2022 08:09:50

Ông N.V.T. (49 tuổi, TPHCM) trước khi phải nhập viện tại BV Đại học Y Dược TP.HCM hay bị đau quặn bụng nhưng nghĩ là do đau dạ dày nên thường tự mua thuốc về nhà uống. Tới khi người bệnh đau quá mới tới bệnh viện khám.

Quá trình thăm khám lâm sàng và các hình ảnh chụp chiếu, xét nghiệm cho thấy, thận trái của người bệnh đầy sỏi, thận phải có sỏi kèm theo u thận.

Ông T. cho biết, cách đây nhiều năm đã được chẩn đoán bị sỏi thận, bác sĩ có cho thuốc điều trị và hẹn tái khám. Tuy nhiên, ông uống thuốc thấy cách triệu chứng hết nên không đi tái khám lại. Nhiều năm trôi qua ông T. nghĩ sỏi đã hết nên cũng không quan tâm tới việc đi khám sức khoẻ định kỳ.

Đối với trường hợp của người bệnh T. vừa có sỏi thận và u, hướng điều trị trước mắt sẽ phải cắt u thận phải và phẫu thuật lấy sỏi ở thận trái. Người bệnh được áp dụng phẫu thuật nội soi 3 chiều sau phúc mạc.

Trường hợp khác, bệnh nhân S. (59 tuổi, ngụ tại TPHCM) nhập viện Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM vì đau hông trái kéo dài nhiều năm.

Trước đó, người bệnh đã biết mình có viên sỏi rất lớn ở thận trái từ 5-6 năm nay nhưng không dám điều trị vì khi đi khám ở nhiều bệnh viện đều được chỉ định mổ hở lấy sỏi, thậm chí có thể phải cắt bỏ bên thận có sỏi.

Chủ quan, nhiều người mất luôn một quả thận-1

Bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân sỏi thận.

Người bệnh bị sỏi san hô, kích thước 74 x 48 mm, to như củ gừng, chiếm hết toàn bộ thận và các đài thận trái. Đây là trường hợp sỏi thận phức tạp, hiếm gặp. Tên gọi sỏi san hô là do viên sỏi lấp đầy toàn bộ các nhánh đài thận, nhìn như một tảng san hô dưới biển.

GS TS BS. Trần Ngọc Sinh – Cố vấn chuyên môn Khoa Tiết niệu BV Đại học Y dược TP.HCM, cho biết, mọi người vẫn cho rằng thận là bệnh gì đó xa lạ, hiếm khi xảy ra với mình hoặc người thân. Nhưng thực tế có khoảng 10% dân số thế giới mắc bệnh thận mạn, tương đương khoảng 850 triệu người.

Thận là cơ quan giữ nhiệm vụ lọc và đào thải những chất cặn bã trong cơ thể, giữ cho các yếu tố nước, điện giải, kiềm toan được quân bình. Nếu các chất thải này không được đào thải, người bệnh sẽ mệt mỏi, không làm việc nổi, thiếu máu, chán ăn, buồn nôn, mất ngủ, thậm chí hôn mê, co giật.

GS Sinh cho biết, thời gian gần đây các bệnh lý thận được phát hiện có xu hướng tăng là do người dân có ý thức đi khám bệnh sớm hơn.

Bác sĩ cho biết, đối với sỏi thận, là một bệnh khá phổ biến ở Việt Nam, bệnh gặp ở mọi lứa tuổi, trong đó người cao tuổi chiếm một tỷ lệ đáng kể.

Sỏi thận rất dễ tái phát và có thể gây biến chứng suy thận. Ngoài sỏi thận, sỏi mật cũng là chứng bệnh thường gặp ở người trưởng thành; tuổi càng cao, càng dễ mắc bệnh sỏi mật, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới. Nếu người bệnh không chữa trị dứt điểm, sỏi mật có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm.

Sỏi nói chung có diễn tiến âm thầm, chúng được hình thành trong cơ thể do mất cân bằng nước, dịch, cholesterol… khi các chất này không hòa tan được với nhau và kết tụ lại tạo thành sỏi và thường người bệnh không có bất kì triệu chứng nào chỉ đến khi sỏi lớn gây nên các biến chứng viêm đau, đi khám mới phát hiện bệnh.

Để phòng tránh các bệnh lý về thận, chuyên gia khuyến cáo cần ăn đủ chất và uống nhiều nước, nên uống nhiều nước canh khi ăn cơm. Thói quen ăn cơm không uống nước canh làm tăng nguy cơ lắng đọng sỏi thận.

Hạn chế ăn đồ ăn chế biến sẵn, những đồ ăn này thường có nhiều chất béo tăng nguy cơ mắc béo phì, đái tháo đường và gây ra sỏi thận.

Ngoài ra, cần tích cực vận động luyện tập thể dục, thể thao sẽ tăng đào thải chất cặn. Bên cạnh đó, người dân cần phải có thói quen đi khám sức khoẻ định kỳ siêu âm và xét nghiệm nước tiểu để được đánh giá chức năng hoạt động của thận.

>> Xem thêm: Bố mẹ cùng hiến thận cứu 2 con sinh đôi 'thoát cửa tử'