Các chấn thương thường gặp ở vùng vai gây đau và giới hạn khớp vùng vai. Có nhiều phương pháp điều trị đau khớp vai, trong đó có xoa bóp - bấm huyệt.
Những chấn thương vùng vai thường gặp
Vùng vai và toàn bộ phần trên cơ thể được kết nối với phần còn lại của cấu trúc xương bởi chỉ có một khớp, ức đòn. Bên cạnh một kết nối khá chắc chắn này, toàn bộ cấu trúc vùng vai, bao gồm xương bả vai, xương đòn và xương cánh tay, được hỗ trợ bởi các mô mềm. Cấu trúc này cho phép cánh tay tự do di chuyển, nó cũng làm cho vai rất dễ bị tổn thương mô mềm.
Ảnh minh họa.
Một số các loại chấn thương vai sau đây thường gặp nhất trong các hoạt động thể dục thể thao và hoạt động hằng ngày:
Rách sụn viền và bao khớp vai: Bao khớp vai có thể dính liền vào xương là nhờ sụn viền ổ chảo. Sụn viền là bộ phận rất dễ bị rách hay tróc ra khỏi xương, được ví như “cánh cửa sứt bản lề”. Điều này xảy ra khi thực hiện động tác xoay quá mức hoặc vặn xoắn khớp, té ngã dùng tay chống đỡ. Rách sụn viền và bao khớp vai sẽ dẫn đến mất vững khớp, đau mạn tính và trật khớp vai tái đi tái lại nhiều lần.
Trật khớp cùng: Tổn thương này dễ gặp khi té ngã dùng tay chống đỡ hay vai đập xuống mặt phẳng. Với trường hợp này phải phẫu thuật can thiệp trực tiếp để chấn thương có cơ hội hồi phục hoàn toàn. Trật khớp cùng thường gặp ở những người chơi thể thao đỉnh cao.
Gãy xương vùng vai: Lực chống đỡ từ vai hoặc va đập vai quá mạnh vào mặt phẳng có thể dẫn đến gãy xương đòn, xương bả vai và cánh tay. Lúc này bắt buộc phải nghỉ tập luyện một thời gian và dưỡng thương ở trạng thái bất động tốt, nếu không sẽ bị lệch và phạm khớp.
Viêm rách gân và chóp xoay: Ngoài bao khớp, khớp vai còn có một bộ phận là 4 gân cơ chóp xoay bao quanh giúp giữ vững khớp và tạo lực xoay tròn cho khớp vai. Vì đảm nhận nhiều chức năng như thế, gân dễ bị rách và chấn thương. Rách gân gây đau mãn tính, cứng khớp và làm mất chức năng của mình nếu không chữa trị kịp thời.
Bệnh nhân bị chấn thương khớp vai sẽ không thể tham gia các môn thể thao đòi hỏi sử dụng vung tay quá đầu như quần vợt, cầu lông… Sụn viền và bao khớp sẽ bị hư hại nhiều hơn, khớp bị thoái hóa dẫn đến khó điều trị. Khi cử động, bệnh nhân sẽ cảm thấy thiếu sức mạnh khi giơ cánh tay ra 4 hướng. Vai bị cứng, đôi khi cảm thấy cánh tay có thể bị trượt ra khỏi ổ khớp vai.
Xoa bóp - bấm huyệt điều trị đau khớp vai
Phương pháp xoa bóp - bấm huyệt là phương pháp điều trị không dùng thuốc của Y học cổ truyền, được chỉ định rộng rãi cho các trường hợp điều trị đau khớp vai cần điều trị bảo tồn. Cơ chế tác dụng của xoa bóp trong điều trị các tổn thương vùng vai như sau:
Đối với cơ: Xoa bóp có tác dụng tăng tuần hoàn dinh dưỡng chuyển hóa ở cơ nên cơ tăng cường đàn hồi, tăng khối lượng cơ, phòng chống teo cơ, tăng sức cơ, phục hồi nhanh khi cơ bị chấn thương; có tác dụng loại trừ các chất có hại do chấn thương gây ra, làm mau lành các chỗ thương tổn, ngăn ngừa quá trình ngạnh hóa.
Đối với gân: Xoa bóp làm tăng tuần hoàn qua cơ nhờ đó gân được dinh dưỡng tốt hơn, làm gân mềm mại, tăng tính đàn hồi, tăng tầm hoạt động của khớp trong trường hợp co rút gân và dây chằng của khớp.
Đối với khớp: Tác dụng của xoa bóp khớp cũng được tăng cường dinh dưỡng bao hoạt dịch tăng tiết chất nhờn làm trơn ổ khớp.
Đối với xương: Tuần hoàn cơ được cải thiện khi xoa bóp làm xương được nuôi dưỡng tốt hơn, xoa bóp làm tan tụ máu cơ, chống kết dính các sợi cơ, gân trong chấn thương.
Các thủ thuật như sau:
Day cơ nhị đầu cánh tay: Dùng lòng bàn tay nắm day cơ nhị đầu cánh tay (mặt trước cánh tay).
Day cơ tam đầu cánh tay: Dùng lòng bàn tay nắm day cơ tam đầu cánh tay (mặt sau cánh tay).
Bóp nắn: Cơ nhị đầu, tam đầu quạ cánh tay, cánh tay trước, cơ delta.
Nhào cơ: Các cơ trên thầy thuốc dùng một tay nhào các cơ vùng cánh tay.
Day cơ: Dùng ngón cái hay gốc bàn tay day cơ delta (cơ tam giác) theo 3 đường: giữa, trước, sau.
Ấn day điểm đau: Dùng ngón tay day điểm đau chú ý cự án, thiện án.
Ấn các huyệt: Kiên tĩnh, Kiên ngung, Tý nhu…
Rung toàn bộ chi: Thầy thuốc áp sát bàn gón tay rung với tần số cao từ gốc chi đến ngọn chi.
Vận động khớp vai: (quay vòng nhỏ, quay vòng rộng ra trước, ấn dãn vai, quay vòng rộng ra sau).
Quay vòng nhỏ: Người được xoa bóp ngồi trên một ghế nhỏ, tay buông thõng. Người xoa bóp đứng sau lưng một tay giữ vai, một tay cầm cổ tay người được xoa bóp, hơi dang tay (chừng 45 độ) đồng thời quay tròn bàn tay 2 - 3 lần; với hai mục đích: chuẩn bị vận động khớp vai, và thăm dò phạm vi hoạt động của khớp đến đâu.
Chú ý: Trong điều trị đau vùng vai, chú ý tìm nguyên nhân gây bệnh để điều trị theo nguyên nhân, tránh bỏ sót những bệnh nội tạng và cột sống cổ có biểu hiện triệu chứng ở khớp vai như: Các bệnh màng, đỉnh phổi; nhồi máu cơ tim; viêm màng ngoài tim; u trung thất…