Trang Chủ > Sức khỏe > Cấp cứu thành công ca ung thư tiền liệt tuyến bí tiểu

Cấp cứu thành công ca ung thư tiền liệt tuyến bí tiểu

VnExpress
16/09/2022 08:25:26

BS.CKI Dương Đình Hoàn, Đơn vị hình ảnh học can thiệp, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh & Điện quang can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết bệnh nhân Nguyễn Ngọc Quang nhập viện khi đã tiểu ra máu đỏ tươi suốt hơn 2 tuần. Tổng trạng bệnh nhân suy kiệt, xanh xao, tiểu đau và khó, tiểu lắt nhắt cả đêm. Ông phát hiện bị ung thư tiền liệt tuyến cách đây một năm và đang trong thời gian xạ trị.

Sau khi hội chẩn liên chuyên khoa diễn ra giữa Khoa Tiết Niệu và Can thiệp mạch, các bác sĩ thống nhất thực hiện can thiệp tắc mạch cầm máu cho bệnh nhân.

Cấp cứu thành công ca ung thư tiền liệt tuyến bí tiểu-1

Êkíp bác sĩ đang can thiệp tắc mạch nuôi ung thư tiền liệt tuyến. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

Bác sĩ Thi Văn Gừng, Trưởng Đơn vị Hình ảnh học can thiệp, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh cho biết, các nhánh động mạch tiền liệt tuyến hai bên của bệnh nhân tăng sinh nhiều, ngoằn ngoèo và có nhiều thông nối nuôi các tạng lân cận. Vì vậy, buộc bác sĩ phải siêu chọn lọc để tắc mạch máu nuôi u, bảo tồn các nhánh mạch máu lành. Đây là thủ thuật khó để tìm được chính xác động mạch chính.

Sau khi định vị được các mạch máu cần tắc, các bác sĩ tiến hành bơm vật liệu nút mạch một cách thận trọng qua theo dõi bằng màn hình huỳnh quang. Thủ thuật được hoàn thành trong vòng một giờ. Kết quả các nhánh mạch máu tăng sinh của khối u đã được bít tắc hoàn toàn. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh táo, không đau bụng, tiểu vàng trong, sinh hiệu ổn. Dự kiến bệnh nhân sẽ bình phục và xuất viện trong vài ngày.

Theo bác sĩ Gừng, can thiệp động mạch tiền liệt tuyến là một kỹ thuật khó, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và nắm vững giải phẫu vùng chậu để tắc chính xác các nhánh cần tắc. Kể cả khi tìm được rồi, bác sĩ cùng phải có kinh nghiệm đặt đầu vi ống thông đúng vị trí. Ngoài ra kỹ thuật bơm hạt làm tắc mạch máu nuôi u tiền liệt tuyến cũng rất quan trọng. Bác sĩ cần có kỹ năng và kinh nghiệm trong việc chọn kích thước hạt nút mạch, kích cỡ ống tiêm và phải kiểm soát được dòng chảy của hạt nút mạch trong lúc bơm mới không gây ra biến chứng. Nếu không sẽ gây ra tình trạng tắc mạch không mong muốn, gây tắc động mạch bàng quang, tắc động mạch dương vật...

Cấp cứu thành công ca ung thư tiền liệt tuyến bí tiểu-2

Bệnh nhân sau can thiệp mạch thành công. Ảnh: BVĐK Tâm Anh

BS. Dương Đình Hoàn cho biết, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2020, ung thư tuyến tiền liệt là bệnh ung thư phổ biến thứ tư, có tỷ lệ tử vong đứng thứ 8 trong các loại ung thư, với hơn 1,4 triệu ca mắc mới mỗi năm. Tỷ lệ mắc mới ung thư tiền liệt tuyến tại Việt nam cũng đứng hàng thứ 8 trong các loại ung thư với hơn 6.000 ca mỗi năm và có tỷ lệ tử vong đứng hàng thứ 10. Tuy vậy, người bệnh thường tới bệnh viện khi bệnh đã ở giai đoạn muộn, gây khó khăn cho việc điều trị.

Những năm gần đây với sự phát triển của chuyên ngành Chẩn đoán hình ảnh và Điện quang can thiệp, việc điều trị bệnh lý tiền liệt tuyến áp dụng cách nút động mạch tiền liệt tuyến để cắt nguồn nuôi dưỡng cho khối u, làm cho khối u teo nhỏ lại. Đây là phương pháp điều trị rất ít xâm lấn và có nhiều ưu điểm vượt trội so với các phương pháp điều trị khác như giảm thời gian nằm viện, không có các biến chứng như: đái rỉ, đái không tự chủ, đái máu, xuất tinh ngược. Kỹ thuật nút mạch còn được ứng dụng trong điều trị phì đại tuyến tiền liệt gây triệu chứng tiểu lắt nhắt, tiểu gấp, tiểu đêm, tiểu không cầm được, tiểu rặn, tiểu khó, tiểu không hết.... Tại Bệnh viện Tâm Anh, kỹ thuật nút (tắc) mạch đã giúp nhiều bệnh nhân thoát khỏi tình trạng tiểu ra máu ồ ạt, nhiều khối u đã được tắc mạch không phát triển to hơn.

Bình An