Sự lưu hành mạnh của biến thể B.A.5 cộng với việc giao lưu, đi du lịch nhân dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 là nguy cơ dẫn tới tăng mạnh số ca nhiễm Covid-19.
Ảnh minh họa
Dịp lễ, tại một số thành phố lớn, khu du lịch, các khu mua sắm, trung tâm thương mại, lượng người dân tập trung mua sắm rất đông, nhất là vào ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, một bộ phận khách hàng, trong đó có người già và trẻ nhỏ không đeo khẩu trang. Tại lối vào của một số địa điểm, nước rửa tay cho khách hàng được xếp gọn một góc. Tâm lý chủ quan của người dân khi đã tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thể hiện rõ.
Nhiều người cho rằng, đã tiêm từ 2-3 mũi vắc-xin là có thể yên tâm đi lại, không sợ bị mắc Covid-19 hoặc có mắc cũng nhẹ nên vô tư bỏ qua các biện pháp phòng chống dịch đã được Bộ Y tế khuyến cáo.
Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, trước việc số ca nhiễm Covid-19 gia tăng trở lại, cùng với việc người dân đi du lịch giữa các tỉnh, thành phố thì nguy cơ lây truyền dịch bệnh trên địa bàn là rất cao.
Ngoài ra, những địa điểm vui chơi đông kín người là điều kiện để virus xâm nhập, không chỉ có nguy cơ lây nhiễm Covid-19 mà các dịch bệnh truyền nhiễm khác như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng… cũng có nguy cơ bùng phát trở lại nếu người dân chủ quan với các biện pháp phòng dịch.
Theo Bộ Y tế, trong nước đã ghi nhận trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Trong một tuần qua, cả nước ghi nhận trung bình khoảng 3.000 ca mắc mới mỗi ngày, số ca mắc đang có xu hướng gia tăng trở lại.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, sau dịp nghỉ lễ 2/9, việc gia tăng ca nhiễm Covid-19 là tất yếu. Bởi hiện có nhiều người nhiễm Covid-19 không có triệu chứng , nên không biết mình bị bệnh vẫn giao lưu ngoài cộng đồng tạo ra nguy cơ lây lan.
Bên cạnh đó, hiện nay việc tuân thủ khai báo, cách ly không còn nghiêm ngặt như trước nên các trường hợp bị Covid-19 nhẹ vẫn tham gia các hoạt động vui chơi dịp lễ. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ gia tăng ca nhiễm.
Một nguyên nhân nữa là do tâm lý người dân hiện nay đã chủ quan, lơ là trong phòng dịch, không tuân thủ các quy định 2K về đeo khẩu trang, sát khuẩn khi ra đường, tham gia các hoạt động ngoài trời, đến khu vui chơi, giải trí.
Dự báo số ca mắc mới sẽ tăng, nhưng ông Phu cũng nhấn mạnh dịch Covid-19 sẽ không bùng phát mạnh như trước do chúng ta đã tiêm vắc-xin kịp thời và biến chủng mới có triệu chứng nhẹ hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia này nhấn mạnh, người dân không nên chủ quan và các địa phương cũng cần nâng cao hơn nữa công tác phòng, chống dịch, không buông trôi thả lỏng.
“Nới lỏng nhưng không buông lỏng, vẫn phải dự phòng đồng bộ, đặc biệt trong môi trường kín, nơi tiếp xúc đông người, hoặc tiếp xúc gần với người có triệu chứng nghi ngờ”, ông Phu nói.
Và để phòng chống dịch theo chuyên gia vắc-xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Theo ông Trần Đắc Phu, hiện nay người dân có tâm lý cho rằng, nhiễm Covid-19 có triệu chứng nhẹ hơn hoặc cho mình đã nhiễm Covid-19 - có kháng thể bảo vệ nên không nhiễm nữa. Có người nghĩ tiêm mũi 4, 5 sẽ phản ứng nặng hơn.
Tuy nhiên, ông Phu nhấn mạnh, việc mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ thời gian gần đây chính là thành quả do chúng ta đã tiêm vắc-xin kịp thời. Nhưng miễn dịch vắc-xin không bền vững, sau 4-6 tháng sẽ giảm đi.
"Hiện nay chúng ta đã trải qua thời gian tiêm mũi 3 được khoảng 5 tháng, đã giảm miễn dịch, cần phải tiêm mũi 4, 5 tăng cường", ông Phu khuyến cáo.
Về tâm lý cho rằng vắc-xin Covid-19 đang sử dụng bị biến thể mới vô hiệu hóa phần nào, ông Phu khẳng định, vắc-xin vẫn có tác dụng.
"Các nước trên thế giới vẫn sử dụng vắc-xin Covid-19 được WHO cấp phép chính thức và khuyến cáo. Đặc biệt, chúng ta phải tiếp tục chú trọng tiêm cho đối tượng có nguy cơ là người già, người suy giảm miễn dịch...", ông Phu nói.
Ý kiến của TS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cho hay, hiện Bộ Y tế đang tập trung rà soát nhóm người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vắc-xin để thực hiện được tiêm vét vắc-xin với đối tượng chưa tiêm mũi nào hoặc chưa tiêm mũi bổ sung.
Bởi vì, người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch sẽ giảm miễn dịch nhanh hơn so với người khác. Đối tượng này sự hình thành miễn dịch và sức chống đỡ giảm đi trước bất kỳ tác nhân gây bệnh nào, vì thế việc tiêm nhắc lại là cần thiết, kích thích hệ thống miễn dịch.
Dự báo xu hướng dịch những tháng cuối năm 2022 một số chuyên gia bệnh truyền nhiễm cho rằng đợt bùng phát Covid-19 vào mùa Thu- Đông năm 2022 sẽ không nghiêm trọng như hai năm vừa qua.
Số ca nhiễm có thể có xu hướng tăng vì sự lưu hành của biến chủng mới. Tuy nhiên, các phương pháp như tiêm vắc-xin nhắc lại, khả năng miễn dịch sẽ ngăn virus bùng phát thành làn sóng trong mùa lạnh.
Chuyên gia dự báo nhiều khả năng virus sẽ hồi sinh ở mức độ vừa phải vào mùa Thu, nhưng không có làn sóng nào giống với Omicron.
Nguồn Tin: