ThS.BS.CK2 Lê Thanh Quỳnh Ngân (Trưởng khoa Nội tiêu hóa, Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật nội soi tiêu hóa) cho biết, có đến hơn 50% trường hợp đau bụng cấp nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM trong khoảng hai tuần gần đây đều do viêm tụy. Số lượng tăng gấp 3 lần so với tháng trước, trong đó, có 60% trường hợp bị viêm tụy hoại tử. Viêm tụy hoại tử khi tình trạng các tế bào mô ở tụy chết đi khiến cho tụy (hoặc một phần của tụy) bị tổn thương vĩnh viễn. Đây là biến chứng nghiêm trọng của viêm tụy cấp có thể dẫn đến sốc, suy đa cơ quan thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
Người bệnh viêm tụy cấp nhập viện thường trong bệnh cảnh đau đột ngột dữ dội ở bụng trên có thể lan đến lưng, đau không giảm khi dùng thuốc giảm đau với bụng chướng, căng tức, nôn ói nhiều... Một số triệu chứng nghiêm trọng khác gợi ý viêm tụy hoại tử là ớn lạnh, sốt, nhịp tim nhanh, khó thở, vàng mắt, vàng da, thậm chí trường hợp nặng người bệnh có thể rơi vào trạng thái sốc, tụt huyết áp, tay chân lạnh, vã mồ hôi, da nổi bông. Đây là những biến chứng suy đa cơ quan trong viêm tụy hoại tử.
Các tế bào tụy bị tổn thương có thể dẫn đến hoại tử một phần hoặc toàn bộ tụy. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ Ngân cho biết, nguyên nhân phổ biến của các ca bệnh viêm tụy hoại tử nhập viện gần đây là do rượu, tăng triglyceride và sỏi mật. Uống nhiều rượu và uống rượu trong thời gian dài làm hoạt hóa men tụy, tổn thương mô, gây tắc nghẽn hệ thống dẫn lưu dịch của tuyến tụy, dẫn đến viêm tụy. Triglyceride tăng là nguyên nhân cao thứ hai thường gặp dẫn đến sự phóng thích các axit béo tự do làm tổn thương các tế bào nang tuyến tụy và biểu mô mao mạch tuyến. Tăng triglyceride thường do chế độ ăn nhiều chất béo hoặc do bệnh lý di truyền gây tăng triglyceride với tỷ lệ khoảng 5% trong dân số. Sỏi mật thường làm tắc ống mật, khiến cho dịch mật xâm lấn vào ống tụy, kích hoạt các men phá hủy tế bào tụy.
Một số trường hợp viêm tụy cấp khác do chấn thương làm tổn thương tụy; khối u ở tuyến tụy; một số thuốc kháng viêm, thuốc điều trị ung thư, do nhiễm trùng, nhiễm virus hoặc ký sinh trùng; rối loạn chuyển hóa hoặc do di truyền...
Theo bác sĩ Ngân, để chẩn đoán viêm tụy cấp, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm tìm enzym của tuyến tụy trong máu; đánh giá mức độ nặng qua một số chỉ số xét nghiệm như công thức máu, chức năng thận, chức năng gan, yếu tố viêm như CRP và một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cắt lớp, chụp mật tụy cộng hưởng từ (MRCP), siêu âm nội soi (EUS) đánh giá biến chứng hoại tử tụy, nang giả tụy, áp xe tụy...
Bác sĩ Ngân kiểm tra kết quả chụp cắt lớp của bệnh nhân viêm tụy cấp hoại tử. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Người bệnh viêm tụy cấp đa phần đều cần nhập viện để điều trị. Bệnh nhân cần được nhịn ăn để giảm chế tiết dịch tụy, giúp tụy giảm viêm và hồi phục. Thay vào đó bệnh nhân sẽ được nuôi ăn hoàn toàn bằng đường truyền tĩnh mạch và phối hợp với một chế độ dinh dưỡng hợp lý từ các bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng. Những trường hợp viêm tụy hoại tử nặng có biến chứng suy đa cơ quan sẽ được thực hiện thay huyết tương cấp cứu trong thời gian 3-5 ngày đầu để loại bỏ các yếu tố viêm. Một số trường hợp diễn tiến nang giả tụy, áp xe tụy sẽ được dẫn lưu ổ hoại tử hoặc áp xe.
Theo bác sĩ Ngân, không thể ngăn ngừa viêm tụy cấp nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh và tái phát. Bác sĩ Ngân khuyến cáo người bệnh duy trì lối sống lành mạnh, tránh rượu bia và thuốc lá, giữ cân nặng hợp lý bằng chế độ ăn ít chất béo, tăng cường tập luyện thể dục thể thao... Ngay khi có biểu hiện đau bụng nhiều, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ quan y tế để được kiểm tra, đánh giá sức khỏe sớm nhằm ngăn ngừa biến chứng.
Hân Thái