Trang Chủ > Sức khỏe > "Cán bộ đấu thầu là bác sĩ, có chuyên môn chữa bệnh chứ không có nghiệp vụ đấu thầu"

"Cán bộ đấu thầu là bác sĩ, có chuyên môn chữa bệnh chứ không có nghiệp vụ đấu thầu"

Dân Việt
27/08/2022 08:16:44
"Cán bộ đấu thầu là bác sĩ, có chuyên môn chữa bệnh chứ không có nghiệp vụ đấu thầu"-1

Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy đề xuất phải có giá trần ở y tế công. Ảnh: B.D

Thu đủ viện phí nhưng có giảm giá cho dân?

Làm việc với Quyền Bộ trưởng Y tế, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ rõ 4 khúc mắc trọng tâm về đấu thầu, xã hội hoá, máy đặt máy mượn và tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đặt câu hỏi với Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy là làm cách nào khi tính đúng, tính đủ giá viện phí nhưng có giảm được chi phí cho người dân hay không?

TS.BS Nguyễn Tri Thức thẳng thắn trả lời: "Tính đúng, tính đủ không phải là lạm dụng người bệnh. Đây là thu vừa đủ để tồn tại và có tích lũy vừa phải để phát triển, chứ không phải theo kiểu lạm thu. Mặt khác, y tế công cũng phải có giá trần chứ không phải muốn tính bao nhiêu thì tính là chết người bệnh".

Ông Thức lý giải thêm đối với ngành y, nếu mua thiết bị không đáp ứng nhu cầu điều trị sẽ để lại rất nhiều hệ lụy. Trong khi nếu có được thiết bị tốt khi thực hiện các thủ thuật mang lại hiệu quả rất tốt.

Đặc biệt, trong các thủ thuật chuyên sâu như đặt stent, dây luồn qua vai, luồn vào tim hoặc các động mạch não... sẽ giảm thiểu tai biến, giảm thời gian nằm viện, không bị nhiễm trùng bệnh viện, xuất viện sớm trở về cuộc sống, lao động tạo ra của cải cho xã hội. Đó là chưa kể sẽ hạn chế đến mức tối đa người theo thăm nuôi, do đó việc sử dụng được thiết bị tốt luôn đi kèm những lợi ích tốt cho cả bác sĩ và người bệnh.

Vì thế, ông Thức đề nghị bổ sung 1 chương riêng, chuyên sâu về đấu thầu mua sắm phục vụ công tác y tế trong Luật Đấu thầu "vì bác sĩ đi học về không có máy là lụt nghề ngay hoặc ra y tế tư".

Sẽ có cẩm nang đấu thầu cho các bệnh viện

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ: "Cán bộ đấu thầu là bác sĩ, có chuyên môn chữa bệnh chứ không có nghiệp vụ đấu thầu" và chỉ rõ đa số các vướng mắc trong việc thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế chủ yếu xuất phát từ quy trình đấu thầu này.

Từ đó, bà Lan đề nghị vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế) tổng hợp kiến nghị của các đơn vị, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tính toán cho ra đời một "bộ cẩm nang" về quy trình đấu thầu để các nơi áp dụng, tạo sự tự tin và yên tâm trong công tác.

"Cán bộ đấu thầu là bác sĩ, có chuyên môn chữa bệnh chứ không có nghiệp vụ đấu thầu"-2

Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan chia sẻ khó khăn với các bệnh viện. Ảnh: B.D

"Tất nhiên pháp luật đã quy định các mức rồi, nhưng chúng ta đòi hỏi phải làm ra một quy trình cụ thể, giống như cuốn cẩm nang để anh em nhìn vào áp dụng. Trong trường hợp phải mua trang thiết bị này thì như thế nào, mức nào là phù hợp và hồ sơ gì đi theo... Trên cơ sở này, anh em triển khai công việc sẽ yên tâm và tự tin nhất", bà Lan lý giải.

Với các phân tích nêu trên, bà Lan đúc kết "có cơ sở để giải quyết", đồng thời động viên các cá nhân, đơn vị yên tâm thực hiện. Ngoài ra, bà cho rằng một số vấn đề vướng mắc về cơ chế, luật pháp, nghị định là trách nhiệm của Bộ Y tế, sẽ tiếp thu các ý kiến để tiếp tục đề xuất sửa đổi trong thời gian tới.

"Vừa rồi, chúng tôi có chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ về việc nếu có tổ chức đấu thầu thì cũng rất vướng. Mình làm một kiểu mà Thanh tra kiểm toán hiểu ngược lại ý mình thì rất khó. Vừa qua, Chính phủ tổ chức họp một phiên xây dựng pháp luật của tháng 8 liên quan đến luật về giá trong y tế. Thủ tướng Chính phủ đã lắng nghe những đóng góp của nhiều ban ngành liên quan. Trong cuộc họp Chính phủ ngày 24/8 vừa qua, 90% các đề xuất kiến nghị của ngành y tế đã được tiếp thu và đưa vào dự thảo mới về luật đấu thầu. Từ đó, Bộ Y tế cũng sẽ yên tâm triển khai", bà Đào Hồng Lan cho biết thêm.