Trang Chủ > Sức khỏe > Cách bảo vệ trẻ trước dịch bệnh hô hấp hoành hành

Cách bảo vệ trẻ trước dịch bệnh hô hấp hoành hành

Lao Động
28/09/2022 09:35:29

Những cơn sốt, co giật tấn công trẻ

Đang chơi với các bạn ngoài sân, bé N.H (2 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM) bất ngờ mệt lả và buổi tối liên tục sốt cao trên 39 độ. Chị Lê Thanh Hương là mẹ của bé đã cố gắng cho con uống thuốc hạ sốt, lau người liên tục để con đỡ bị nhiễm lạnh. Sau 2 ngày sốt và làm đủ mọi cách nhưng tình trạng của con không thuyên giảm, chị Hương quyết định đưa con đi cấp cứu ngay trong đêm.

“Chiều hôm đó tôi đi làm về, thấy con càng mệt hơn, gọi con nhiều câu mà con không nhận ra mẹ, mắt lờ đờ và sốt cao. Ngay lập tức mình đưa con đi cấp cứu liền. Tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, bác sĩ nói con vẫn ổn và cho nhiều thuốc về uống, theo dõi tại nhà rồi sau hai hôm đi khám lại”, chị Hương chia sẻ.

Không chỉ có con chị Hương mà ghi nhận tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố mỗi ngày có hàng trăm bệnh nhi đến khám với các triệu chứng ho, sốt kéo dài. Thậm chí có nhiều trẻ bị co giật vì sốt cao liên tục nhiều ngày, điều này vô cùng nguy hiểm.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố cho biết: “Hiện nay công suất hoạt động của khoa Nội tổng hợp tối đa khoảng 200 giường. Tuy nhiên số lượng bệnh nhi tăng nên có nhiều giường trẻ phải nằm ghép. Trong số hàng nghìn bệnh nhi đến khám và nhập viện, các bệnh chủ yếu liên quan đến đường hô hấp, điển hình là hen suyễn và viêm phổi”.

Để tránh tình trạng lây nhiễm, bệnh viện đã chủ động cho những nhóm bệnh có tỉ lệ lây nhiễm chéo cao sang các khoa phòng riêng biệt. Dặn dò phụ huynh không di chuyển sang các phòng khác để tránh tình trạng lây nhiễm chéo.

Những chú ý nhằm phát hiện kịp thời khi trẻ chuyển nặng

Một thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, nhiều gia đình chậm trễ trong việc tiêm phòng vaccine cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ giảm miễn dịch, tăng nguy cơ mắc bệnh. Để tránh tình trạng trẻ chuyển nặng, sốc phản vệ ảnh hưởng đến chức năng của não, suy hô hấp…, các chuyên gia đưa ra những khuyến cáo nhằm khắc phục tình trạng này.

Cách bảo vệ trẻ trước dịch bệnh hô hấp hoành hành-1

Bệnh nhi nhập viện vì bệnh hô hấp. Ảnh: NGUYỄN LY

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến chia sẻ: “Đối với những trẻ có bệnh lý nền sẵn, giai đoạn này thời tiết thay đổi liên tục nên phụ huynh cần giữ ấm cho trẻ. Đối với những nhóm trẻ dưới 5 tuổi tỉ lệ mắc các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp cao, trong đó trẻ 3 tuổi dễ bị diễn tiến nặng nhất. Ngoài chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sĩ thì cũng cần chủ động cho trẻ tiêm chủng vaccine đầy đủ. Các loại vaccine không thể thiếu như: ho gà, bạch hầu, uốn ván, cúm, phế cầu 10, 13, não mô cầu… Khi được tiêm đầy đủ thì không may trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ giảm tỉ lệ chuyển nặng”.

Đồng thời, khi phát hiện trẻ có những cơn hen suyễn thở rít, thở lõm ngực, bỏ ăn, ngủ li bì… cần đưa ngay đến bệnh viện để được thăm khám kịp thời.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, trẻ em có hệ thống miễn dịch chưa được hoàn thiện và thường không có ý thức phòng bệnh, hay đưa mọi thứ vào miệng… nên có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm cao hơn người lớn. Để phòng bệnh cho trẻ, cha mẹ nên tăng cường dinh dưỡng để tăng sức đề kháng chống lại bệnh tật; hướng dẫn con rửa tay thường xuyên, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, nghịch bẩn; đi ngủ sớm; hạn chế tiếp xúc với các nguồn lây bệnh truyền nhiễm.